Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố tham gia mô hình thí điểm khuyến nông cộng đồng; lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ; các doanh nghiệp kết nối khuyến nông; các chi cục, trung tâm khuyến nông; các hợp tác xã của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: Khuyến nông cộng đồng là lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ giám sát chất lượng đầu vào và đầu ra. Khuyến nông ngày nay không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn thực hiện sứ mệnh đó là kết nối thị trường, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác và người nông dân có hiệu quả.
Trong quá trình triển khai Đề án, hệ thống lực lượng khuyến nông cộng đồng đã xác định được vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đó là hành cùng nông dân, giúp tổ chức lại sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực và trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Từ năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu, hoạt động khuyến nông cũng có những thay đổi tích cực, chuyển dịch từ hỗ trợ sản xuất sang dịch vụ. Tổ khuyến nông cộng đồng đã luôn đồng hành cùng tham gia vào chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo dựng chuỗi liên kết, cùng với người dân tiếp cận nông nghiệp đa giá trị, giá trị gia tăng cao, tạo dấu ấn trong việc phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đó là vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc và Đồng Tháp Mười, vùng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, vùng cà phê Tây Nguyên, vùng trồng rừng gỗ lớn tại miền Trung.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sau 02 năm thí điểm mô hình Tổ KNCĐ đã có những tín hiệu tích cực, nhận được nhiều sự ủng hộ, hưởng ứng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người nông dân. Đến nay, cả nước đã thành lập 5.036 tổ khuyến nông cộng đồng với 45.588 thành viên, tại 57 tỉnh/thành phố. Trong đó, 13 tỉnh tham gia đề án có 26 tổ thí điểm (156 thành viên); 1.071 tổ mở rộng với 9.622 thành viên. Các tỉnh có số lượng tổ lớn: Long An (159 tổ); Tiền Giang (142 tổ); An Giang (125 tổ)… Các tỉnh ngoài đề án thành lập 3.939 tổ (35.810 thành viên). Một số tỉnh thành lập số lượng lớn: Quảng Nam (826 tổ); Hà Tĩnh (160 tổ); Hải Phòng (139 tổ); Yên Bái (150 tổ)…Hai năm qua, hệ thống trên 5.000 tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp và tổ chức hàng trăm lớp tập huấn phát triển vùng nguyên liệu, gắn với thực hiện 14 dự án khuyến nông. Qua đó, giúp phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng xuất khẩu cho 500 hecta lúa, 300 hecta cây ăn quả, 150 hecta cà phê tại nhiều tỉnh, thành phố.
Trong quá trình triển khai Đề án thì hệ thống Khuyến nông đặc biệt là lực lượng cán bộ Khuyến nông cơ sở, Khuyến nông cộng đồng đã xác định được vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện đó là: Khuyến nông đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trên cơ sở các kết quả đạt được đã qua, để Tổ KNCĐ tiếp tục hoạt động đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị thời gian tới khuyến nông cần đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng khuyến nông cơ sở, đặc biệt là trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu, tham quan học tập kinh nghiệm tại nước ngoài. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẩn trương hoàn thiện bộ quy chế mẫu về hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng và xây dựng các văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bộ tài liệu phục vụ hoạt động khuyến nông cộng đồng, ưu tiên các tài liệu triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thành lập, kiện toàn các tổ khuyến nông cộng đồng, tạo điều kiện về môi trường làm việc trang thiết bị để hoạt động. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với khuyến nông cộng đồng trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới, sản xuất theo tiêu chuẩn, liên kết chuỗi giá trị.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/so-ket-2-nam-trien-khai-de-an-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cong-tac-khuyen-nong-tren-co–.aspx