Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang: Cổ phiếu quay đầu khi kỳ vọng không thành
Kết quả kinh doanh vẫn đi lùi, việc triển khai “dự án chiến lược” Nghi Sơn không như kỳ vọng khiến cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát đi tín hiệu đảo chiều tại vùng định giá không còn rẻ.
Lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang đi lùi trong nửa đầu năm 2024 đã kích hoạt động thái bán ra cổ phiếu DGC ảnh: lê toàn |
Câu chuyện kỳ vọng không thành
Trái với kết quả kinh doanh lao dốc trong năm 2023, giá cổ phiếu DGC có dấu hiệu bùng nổ, tăng mạnh vượt trội so với thị trường. Thực tế, thời điểm đầu năm 2024, các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào cổ phiếu DGC dựa trên ba câu chuyện chính.
Thứ nhất, sau năm 2023 kinh doanh lao dốc, tín hiệu hồi phục của giá phốt pho vàng giúp kỳ vọng lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang tăng trưởng trở lại từ nền thấp trong năm 2023, thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp có thể đã qua.
Thứ hai, Hóa chất Đức Giang hé lộ kế hoạch khởi công “dự án chiến lược” Nghi Sơn vào tháng 6/2024, với tổng vốn đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng. Đây là dự án sẽ bổ sung động lực tăng trưởng khi các dự án ở Lào Cai sắp hết trữ lượng quặng.
Thứ ba, với tham vọng nghiên cứu và phát triển pin Lithium để có thể sản xuất xe đạp điện, xe tay ga và xe golf, Hóa chất Đức Giang đã thâu tóm Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng, đồng thời đẩy mạnh kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng với mục tiêu nâng doanh thu gấp 10 lần tại công ty con trong các năm tới, lên 1.000 tỷ đồng.
Giai đoạn từ ngày 31/10/2023 đến ngày 21/6/2024, giá cổ phiếu DGC đã tăng 72,4%, từ 76.470 đồng lên 131.800 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cùng thời gian, chỉ số đại diện thị trường VN-Index chỉ tăng 24,7%.
Những câu chuyện kỳ vọng trên đã giúp cổ phiếu DGC tăng cao, nâng định giá lên cao so với đầu năm. Trong đó, theo dữ liệu định giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, cuối tháng 10/2023, định giá cổ phiếu DGC theo P/E chỉ là 9,4 lần, nhưng thời điểm cuối tháng 7/2024 lên tới 14,2 lần và mức định giá hiện tại cũng là giá trị cao so với dữ liệu định giá trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các câu chuyện kỳ vọng có dấu hiệu không được như kỳ vọng. Đầu tiên, về kết quả kinh doanh, lãi nửa đầu năm 2024 tiếp tục đà suy giảm thêm 7,5%, về 1.574,4 tỷ đồng và doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận tiếp tục giảm 10,3% trong quý III/2024, về 720 tỷ đồng.
Tiếp đến, “dự án chiến lược” Nghi Sơn đã không thể triển khai trong tháng 6/2024 như kỳ vọng. Doanh nghiệp lên kế hoạch trì hoãn tới quý IV/2024 mới triển khai.
Sau nữa, kế hoạch về pin Lithium vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi sắc và đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Hóa chất Đức Giang. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng ghi nhận doanh thu tăng 11,4%, lên 97,18 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 66,5%, lên 4,69 tỷ đồng. Mức doanh thu và lợi nhuận này vẫn còn rất khiêm tốn so với mục tiêu nâng doanh thu lên 1.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu có dấu hiệu đảo chiều
Việc cổ phiếu giao dịch vùng định giá không còn rẻ so với đầu năm, duy trì mức cao kỷ lục trong nhiều năm, đồng thời các câu chuyện kỳ vọng không thành sự thật khiến thời gian gần đây, cổ phiếu DGC có dấu hiệu bị bán trở lại.
Thống kê từ ngày 21/6 đến ngày 30/7, cổ phiếu DGC đã giảm 14,7%, từ mức đỉnh về 112.400 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục đà lao dốc khi liên tiếp xuất hiện các phiên giảm mạnh sau giai đoạn giữ giá kéo dài. Các phiên bị bán mạnh gần đây gồm phiên giao dịch ngày 24/6, ngày 22/7, ngày 23/7… và các phiên hồi phục thanh khoản rất thấp.
Trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật đang phát đi tín hiệu đảo chiều khi cổ phiếu giao dịch vùng định giá không còn rẻ, đồng thời các câu chuyện kỳ vọng đầu năm không thành, Hóa chất Đức Giang đang thiếu câu chuyện mới để kìm hãm đà lao dốc của cổ phiếu và giữ cổ phiếu không bị bán mạnh trong thời gian tới.
Thực tế, sau khi Hóa chất Đức Giang đạt đỉnh lợi nhuận năm 2022 là 6.037 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền đã thừa nhận, sẽ còn rất lâu nữa Tập đoàn mới quay trở lại mức lợi nhuận cao như năm 2022. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, trước thắc mắc của cổ đông về việc liên tục lên kế hoạch kinh doanh đi lùi trong hai năm liên tiếp, ông Đào Hữu Huyền chia sẻ: “Năm nay, phấn đấu có lãi 3.000 tỷ đồng là không hề đơn giản, chưa kể vấn đề điện tăng giá. Hiện tại, tình hình tiêu thụ của Tập đoàn vẫn tốt, có hàng là bán hết, nhưng giá không được cao”.
Có thể thấy, việc giá cổ phiếu DGC tăng chỉ dựa trên câu chuyện kỳ vọng, trong khi kết quả kinh doanh vẫn đi lùi, việc triển khai dự án mới chậm hơn kỳ vọng, đã và đang dẫn tới việc cổ phiếu giao dịch không ổn định, khó duy trì được vùng giá cao, có dấu hiệu bị bán trở lại.
Nguồn: https://baodautu.vn/cong-ty-co-phan-tap-doan-hoa-chat-duc-giang-co-phieu-quay-dau-khi-ky-vong-khong-thanh-d221621.html