9 trên 10 quý biên lợi nhuận chưa vượt quá 1%
CTCP Fecon (FCN) của Chủ tịch Phạm Việt Khoa nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng công trình, đang thực hiện nhiều gói thầu lớn với trị giá hàng trăm cho tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên trong các quý gần đây, đơn vị này liên tục ghi nhận lợi nhuận ở mức tượng trưng, không tương xứng so với quy mô doanh thu hàng trăm tỷ.
Tại Quý 2/2024 vừa qua, Fecon ghi nhận doanh thu thuần 815,9 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó giá vốn tăng cao, chiếm 728,2 tỷ khiến lãi gộp của doanh nghiệp chỉ còn 87,8 tỷ đồng, giảm 29,8% so với năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ có sự gia tăng lên 7,4 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính đã được giảm gần một nửa nhưng vẫn chiếm tới 36,9 tỷ đồng. Trong đó có 35,9 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tăng nhẹ so với cùng kỳ, chiếm lần lượt 51,9 tỷ và 4,9 tỷ đồng. Dễ thấy chi phí lãi vay dù đã được cắt giảm nhưng vẫn cao, tương đương gần 70% chi phí quản lý doanh nghiệp. Điều này càng cho thấy việc cân đối chi phí lãi cho các khoản vay vẫn đang là vấn đề đối với Fecon.
Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, Fecon ghi nhận lãi sau thuế còn lại chỉ 720 triệu đồng, tương ứng với biên lợi nhuận ròng chỉ 0,09%. Điều này đồng nghĩa 100 đồng doanh thu của Fecon mang về chưa nổi 1 đồng lợi nhuận ròng.
Tình trạng lợi nhuận “cho có” của Fecon đã quá quen thuộc với cổ đông trong 2 năm trở lại đây.
Cụ thể, từ Quý 1/2022 đến nay, Fecon chỉ ghi nhận biên lợi nhuận ròng tại Quý 4/2022 đạt 5,9%. Với 9 quý kinh doanh còn lại, biên lợi nhuận ròng của Fecon chỉ dưới 1%.
Thậm chí, tại Quý 1/2022, Quý 2/2023 và Quý 4/2023, biên lợi nhuận ròng của Fecon còn là số âm, lần lượt ở mức -1,3%, -0,002% và -4,3%.
‘Truyền thống’ vỡ kế hoạch kinh doanh từ năm này qua năm khác
Với biên lợi nhuận “bết bát” của mình, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về việc Fecon của chủ tịch Phạm Việt Khoa sẽ làm thế nào để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra từng năm?
Trên thực tế, đã 5 năm liền Fecon không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Tỷ lệ hoàn thành thậm chí còn liên tục sụt giảm qua từng năm trong giai đoạn 2019-2023.
Cụ thể, tại năm 2019 Fecon đạt lợi nhuận sau thuế 221 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 62% kế hoạch. Sang năm 2020, lợi nhuận sụt giảm 40% còn 133,6 tỷ, tương đương hoàn thành 57% kế hoạch.
Trong năm 2021, lợi nhuận Fecon tiếp tục lao dốc 47%, còn 70,8 tỷ đồng, tương đương 40,4% mục tiêu cả năm. Đây là 3 năm diễn ra dịch COVID-19 nên cũng có thể hiểu cho tình trạng sụt giảm lợi nhuận của công ty.
Tuy nhiên, tại năm 2022, lợi nhuận Fecon cũng chỉ đạt 51,6 tỷ trong khi mục tiêu lên tới 280 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 18% kế hoạch trong năm này. Sang năm 2023, Fecon lỗ 42 tỷ đồng, hoàn thành -28% kế hoạch cả năm.
Trong năm 2024, Fecon đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 60 tỷ đồng. Qua nửa đầu năm Fecon mới đạt được 1,4 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương chỉ 2,3% kế hoạch cả năm.
Dòng tiền kinh doanh âm 319 tỷ, nợ chiếm tỷ trọng cao
Một điểm đáng chú ý là cơ cấu nguồn vốn của Fecon đang ghi nhận lượng nợ chiếm tỷ trọng lớn. Nợ phải trả tại cuối Quý 2/2024 lên tới 5.176,8 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với vốn chủ sở hữu.
Trong đó riêng nợ vay ngắn hạn chiếm 2.084 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 908,5 tỷ đồng. So với đầu năm, tổng lượng nợ vay tăng thêm gần 50 tỷ đồng. Các khoản nợ này cùng với chi phí lãi vay đang gây áp lực lớn tới dòng tiền của công ty.
Cụ thể, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận Fecon phải chi 103,5 tỷ đồng cho lãi vay trong nửa đầu năm, cùng kỳ chi 137,1 tỷ. Kết quả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty âm tới 319 tỷ đồng.
Trong khi đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là dương 41,7 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 51,8 tỷ đồng.
Nguồn: https://www.congluan.vn/fecon-fcn-cua-chu-tich-pham-viet-khoa-100-dong-von-thu-ve-khong-noi-1-dong-lai-post305977.html