Với đặc thù là địa phương có thế mạnh về nguồn cung nho, táo, thanh long, mỗi năm hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận xuất bán vào TP.HCM hàng ngàn tấn. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm còn bấp bênh.
Sẽ tăng kiểm soát nguồn cung ở nhiều địa phương
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-8, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết chính quyền thành phố và các hệ thống siêu thị đang và sẽ đưa ra nhiều chính sách, làm việc nhiều hơn với các tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm đưa về TP tiêu thụ.
Theo đó, ngoài nhóm hàng rau củ tại Lâm Đồng, các nhà cung cấp sản phẩm thanh long Bình Thuận, táo và nho Ninh Thuận vừa được các đơn vị bán lẻ phổ biến những quy định về tăng kiểm soát chất lượng, tăng chế tài nếu vi phạm; và sắp tới đây, việc phổ biến này sẽ triển khai với nhóm hàng rau quả, thủy hải sản khu vực miền Tây Nam Bộ…
“Chúng ta làm được hàng tốt để xuất đi các nước, vậy không có lý do gì không làm sản phẩm ổn để phục vụ trong nước. Cần phải nghiêm túc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quốc Sanh – phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, tỉnh đang có 980,3ha trồng nho với sản lượng gần 15.000 tấn và 1.100ha táo, sản lượng 25.700 tấn mỗi năm. Hiện nay hai mặt hàng chủ lực này được phân phối trên cả nước, đặc biệt chủ yếu cho TP.HCM.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh hỗ trợ, vận động nhà vườn tăng sản xuất hàng chất lượng, đưa ra những sản phẩm an toàn để khẳng định thương hiệu, mở rộng đầu ra tại TP.HCM. Đặc biệt, thông qua chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thêm nhiều mặt hàng của Ninh Thuận sẽ được bán vào hệ thống siêu thị tại TP”, ông Sanh chia sẻ.
Trong khi đó, với thế mạnh là thanh long, ông Huỳnh Cảnh – chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, cho biết tổng diện tích thanh long toàn tỉnh hiện đạt khoảng 27.000ha, trong đó gần 2.000ha sản xuất thanh long sạch, chủ yếu đáp ứng cho xuất khẩu. Tuy vậy, với nhu cầu nội địa đang tăng mạnh, địa phương đang định hướng tăng nguồn cung chất lượng cho thị trường trong nước, đặc biệt TP.HCM.
Mua với giá cao hơn, siêu thị sẽ có hàng chất lượng
Nói về việc các siêu thị tại TP.HCM tăng kiểm soát chất lượng hàng hóa, ông Huỳnh Cảnh cho rằng đây là điều cần thiết. Nhưng theo ông Cảnh, thực tế hiện nay nhiều siêu thị do cạnh tranh về giá nên chỉ ưu tiên mua vào những sản phẩm bình dân. Do đó, những hàng chất lượng gần như khó tiêu thụ ở thị trường trong nước, mà chủ yếu dùng cho xuất khẩu.
“Với thanh long, sản xuất hàng chất lượng không khó, chủ yếu do người tiêu dùng dễ tính nên người trồng chủ quan, không nâng chất lượng.
Các siêu thị cũng cần đặt ra tiêu chí cao hơn, tăng chất lượng hàng mua vào, và giá thu mua phải cao hơn để bà con có động lực làm hàng tốt”, ông Cảnh nói.
Là một trong số các đơn vị bán lẻ ký cam kết Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-8, ông Đậu Như Anh – giám đốc mua hàng ngành hàng trái cây Bách Hóa Xanh, xác nhận đang làm việc với hàng loạt nhà cung cấp ở các tỉnh để nâng chất lượng hàng hóa nhập vào.
Theo đó, với lượng thu mua táo, nho Ninh Thuận mỗi năm khoảng 3.500-4.000 tấn, dự kiến lên 5.000 tấn vào năm 2025, và thanh long Bình Thuận trên dưới 2.000 tấn, Bách Hóa Xanh đang tập trung mạnh nâng cao chất lượng ở các vùng trồng trọng điểm. Cụ thể, không chỉ câu chuyện về nguồn gốc, mà nhà cung cấp còn đảm bảo yếu tố như thu hoạch rau trái phải đúng tuổi, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đủ độ ngon ngọt…
Trong khi đó, nhiều hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, MM Mega Market… cũng cho biết đang làm việc thêm với nhiều nhà cung cấp nông sản, thực phẩm ở các tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thu mua.
Tuy vậy, một số đơn vị bán lẻ cho rằng để có hàng chất lượng, đồng nghĩa giá nhập vào cao, giá bán ra sẽ cao. Do đó sẽ thuận lợi hơn nếu người tiêu dùng hiểu và ủng hộ những sản phẩm chất lượng tốt.
Thêm nhà phân phối tham gia thỏa thuận
Theo Sở Công Thương TP.HCM, ngoài 6 hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co. op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon Việt Nam và Satra đã cùng ký thỏa thuận “Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM” trước đó, hiện đã có thêm 2 nhà bán lẻ lớn tham gia.
Với thỏa thuận này, nhiều quy chế được áp dụng chung như các bên thống nhất chỉ sản xuất hoặc mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chung; hệ thống phân phối nếu phát hiện các sản phẩm không an toàn thì lập tức kiểm tra; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh; nhà cung cấp vi phạm ở một hệ thống sẽ không được bán hàng vào các hệ thống còn lại…
Nguồn: https://tuoitre.vn/binh-thuan-ninh-thuan-hua-tang-chat-luong-thanh-long-nho-tao-ban-vao-tp-hcm-20240805011955887.htm