Tối 10-12, NSND Lệ Thủy đã đến viếng và thắp hương tiễn biệt danh ca “Vọng cổ hài” Văn Hường. Bà đã nói lời chia buồn sâu sắc gửi đến gia đình.
“Đừng gọi anh là chú”
Trong ký ức của bà từ năm 14 tuổi chập chửng vào nghề diễn viên, khi đó được ông bầu Long – giám đốc Công ty Kim Chung cho đóng vai Tố Tâm theo hầu nàng Chúc Anh Đài trong vở “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”, thì người theo hầu chàng thư sinh họ Lương chính là Thư Đồng do nghệ sĩ Văn Hường diễn.
“Dù lúc đó anh ấy còn trẻ nhưng để một chòm râu nên tôi gọi là chú Hường. Lập tức anh ấy nói, đừng gọi anh là chú. Hai chúng tôi có một kỷ niệm khó quên của thời mới vào nghề, đó là đóng một cặp đào kép phụ, rồi sau đó mỗi người đi mỗi ngã, thi thoảng gặp nhau tôi lại quen miệng gọi chú Hường thì anh lại nói cái câu quen thuộc “đừng gọi anh là chú”.
Bà cho biết thêm, gần đây nhất là khi công ty Tượng sáp Việt mời bà và ông đến xưởng để đo những chỉ số tạc bức tượng sáp lưu lại tại Bảo tàng tượng sáp Việt đang triển lãm ở Khu du lịch Suối Tiên.
Bà gặp lại ông trong niềm vui của nghệ sĩ khi tuổi đã cao niên nhưng vẫn còn gắn bó với sân khấu. “Anh sáu Văn Hường vui lắm, anh mừng rỡ khi gặp lại tôi. Bởi sau này khi NSND Minh Vương tổ chức buổi cà phê mỗi sáng cuối tuần để họp mặt những đồng nghiệp đã gắn bó với sân khấu Kim Chung, anh sáu Văn Hường có vài lần đến tham dự. Tôi vi bận đi diễn thường xuyên nên ít có dịp họp mặt, anh sáu kể tôi nghe về quãng thời gian sau này đối mặt với nhiều căn bệnh già, anh đã không còn mở quán ca cổ tại nhà nữa, vì sức khỏe không cho phép” – NSND Lệ Thủy xúc động kể.
Khó có người thay thế làn hơi “ự ự”
NSND Lệ Thủy khẳng định, cho tới ngày hôm nay, dù có nhiều nghệ sĩ đi theo trường phái ca vọng cổ hài của danh ca Văn Hường, nhưng khó ai mà thay thế làn hơi “ự ự” khi xuống hò rất đặc biệt của ông.
“Chúng tôi có chung một xuất phát điểm, cùng vào đoàn Kim Chung, cùng được thầy Viễn Châu chọn để khởi xướng hai thể loại “Tân cổ giao duyên” và “Vọng cổ hài”. Khi tôi ra mắt dĩa “Tân cổ giao duyên” đầu tiên với bài “Chàng là ai?” nhạc của Nguyễn Hữu Thiết, lời ca cổ của Viễn Châu, thì anh sáu Văn Hường sau đó ra mắt dĩa “Tư Ếch đi Sài Gòn”. Cả hai chúng tôi đều nhớ ơn thầy Viễn Châu, không có sự bứt phá, sáng tạo, làm mới của ông thì chúng tôi không thể được công chúng yêu mến. Anh sáu thu hơn 200 bài vọng cổ hài, thì tôi thời điểm đó góp phần với nhiều đồng nghiệp đưa Tân cổ giao duyên đi vào đời sống với hàng trăm bài đã thu âm” – NSND Lệ Thủy nhắc lại.
Bà cũng chạnh lòng khi trong một thời gian ngắn sân khấu cải lương mất đi nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ với bà, sau nghệ sĩ Thành Được là nghệ sĩ Thanh Phú, rồi Văn Hường, Hương Huyền. Trước đó là nghệ sĩ Bảo Anh dù nhỏ tuổi hơn bà cũng đã ra đi.
“Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi cùng nhau nắm tay vào nghề, rồi nổi tiếng, được công chúng, khán thính giả yêu mến, và rồi cũng không thể cưỡng lại thời gian, bệnh tật, ốm đau và rời xa. Bây giờ mỗi ngày còn được gặp đồng nghiệp, tâm sự và chia sẻ với nhau về cách khắc phục bệnh tật là thấy ấm lòng. Vĩnh biệt anh sáu Văn Hường, đồng nghiệp và công chúng sẽ luôn nhớ về “Tư Ếch” một thời vang danh với những bài vọng cổ hài để đời” – NSND Lệ Thủy đã khóc.
Nguồn: https://nld.com.vn/nsnd-le-thuy-nghen-ngao-tien-biet-tu-ech-van-huong-196231211064548859.htm