Trong những ngày cuối năm 2023, NSND Hùng Minh cho rằng trên chặng đường phát triển của sân khấu cải lương đã hình thành sở trường diễn hài độc đáo đầy duyên dáng của rất nhiều nghệ sĩ chuyên đóng loại vai này.
Ngày nay, chưa nói đến việc sàn diễn cải lương hiếm có kịch bản hay, vai hài dành cho các diễn viên trẻ và cách diễn để bật lên tiếng cười trong sáng, ý nghĩa vẫn là một khoảng trống h lớn.
Điểm lại những nghệ sĩ đã tạo được uy tín khi đến với sở trường diễn vai hài sẽ thấy họ đã tạo được ấn tượng khó quên cười qua cách thể hiện nhân vật.
“Tôi không phải là nghệ sĩ chuyên diễn vai hài, nhưng trong vở “Bên cầu dệt lụa” của soạn giả Thế Châu, tôi và anh Bảo Quốc được giao vai Tất Đạo, Hiếu Danh. Ban đầu tôi lo lắm, nhưng qua sự trao đổi với Bảo Quốc, tôi diễn rất tự tin, khiến vai gây được tiếng cười nhờ quá trình nghiên cứu” – NSND Hùng Minh kể.
Chính sự nghiên cứu vai diễn đã tạo nên ý thức giúp nghệ sĩ sáng tạo tiếng cười cho những vai để đời như: Trùm sò (NSND Giang Châu – vở “Ngao sò ốc hến”), Quan huyện Chìa (NSND Thanh Điền – vở “Ngao sò ốc hến”), Tiểu đồng (cố nghệ sĩ Kim Ngọc – vở “Trăng thề vườn Thúy”), Bảy cán vá (NSND Ngọc Giàu – vở “Đời cô Lựu”), thầy bói (NSND Thanh Tòng – vở “Gánh cảnh Trạng Nguyên”), Hiệp sĩ mù (NSƯT Bảo Quốc – vở cùng tên đã giúp danh hài Bảo Quốc đoạt HCV Thanh Tâm năm 1972), Hậu (nghệ sĩ Kiều Mai Lý – vở “Chuyện cổ Bát Tràng”), bà Tám bán chè (nghệ sĩ Hồng Nga – vở “Bến phà kỷ niệm”)…
Còn nhiều, nhiều nữa những nghệ sĩ hề đã là “thương hiệu” của 22 đơn vị nghệ thuật cải lương thập niên 80 tại TP HCM như: Hoàng Giang, Tư Rợm, Hề Minh, Văn Chung, Bảo Chung, Linh Trung, Bo Bo Hoàng, Bạch Long, Mai Lan, Tô Kiều Lan, Vũ Đức, Hề Sa, Mỹ Chi, Phú Quý, Hồng Tơ…
“Đến hôm nay trong số họ người còn, người mất, nhưng hễ nhắc đến vai hài của sàn diễn cải lương, khán giả sẽ nhớ ngay đến những nhân vật tạo tiếng cười gắn liền với tên tuổi của các diễn viên” – NSND Hùng Minh bày tỏ.
NSND Hùng Minh cho biết: “Hồi đó chỉ diễn một lớp ngắn thôi, suất diễn đầu tiên khán giả không cười, tôi toát mồ hôi. Muốn diễn hài phải nghiên cứu vai hài với tiếng cười mỹ học, mang lại giá trị lan tỏa sự tích cực đâu phải muốn ra sàn diễn nói gì, hát gì cũng được. Để diễn vai hài thành công là rất áp lực”.
Còn hiện nay, theo nhận định của giới chuyên môn, trên sân khấu cải lương các diễn viên được giao vai hài, có khi không hợp vai lại kém duyên, nên ra sân khấu diễn quá tự tin dẫn đến cương ẩu để tạo tiếng cười.
Chưa nói đến cách diễn dùng hình thể, chế nhạo người bị tật, bị ngọng, lấy những khiếm khuyết của người đời để chọc cười là không chấp nhận.
Để hiểu được cái hài đúng nghĩa, đem lại tiếng cười thâm thúy, sâu sắc, theo NSND Hùng Minh việc trang bị kiến thức đối với diễn viên cải lương đang là một lỗ hỏng lớn để họ có thể khẳng định sở trường.
Việc tập tuồng thiếu nghiêm túc, tập tành vội vã đã dẫn đến việc cương ẩu, đùa cợt khiến vai hài mất duyên. NSND Hùng Minh cho rằng, tiếng cười ý nghĩa là được bộc lộ đúng lúc.
Nhiều khi chỉ với một động tác nhỏ, một bài bản ngắn nhưng làm bật lên nét duyên đúng tình huống mà người diễn viên biết khai thác sẽ là một vai hài ấn tượng.
Nguồn: https://nld.com.vn/nsnd-hung-minh-vi-sao-vai-hai-cai-luong-ngay-cang-hiem-196231215064249124.htm