Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đi xuồng kiểm tra khu vực ngập úng tại bản Phiêng Nghè, nơi đang bị ngập nghiêm trọng nhất của xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La. Đồng thời, nghe báo cáo của UBND tỉnh về công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong đợt mưa lũ vừa qua.
Báo cáo với Đoàn công tác Chính phủ, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tháng 7 vừa qua, tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng của 3 đợt mưa lớn, gây lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai đã làm 11 người chết, 6 người bị thương; hơn 2.600 nhà bị thiệt hại, trong đó, 252 nhà di dời khẩn cấp, 117 nhà thiệt hại rất nặng từ 50-70%, 751 nhà ngập nước từ 1-3m, 113 nhà ngập trên 3m…
Thiên tai còn làm 29 điểm trường bị ảnh hưởng, nhiều điểm sạt lở, ách tắc trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; hơn 4.000ha lúa mùa bị ngập, cuốn trôi; 82 công trình thủy lợi, 11 công trình nước sạch bị hư hỏng, ảnh hưởng hơn 3.200 hộ không có nước sinh hoạt… Ước tổng thiệt hại trong tháng 7 là hơn 500 tỷ đồng, trong đó, do ảnh hưởng cơn bão số 2 và hoàn lưu bão số 3 từ ngày 22-31/7 đã làm thiệt hại hơn 487 tỷ đồng.
Ngay khi thiên tai xảy ra, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố với phương châm 4 tại chỗ, phân công các thành viên Ban chỉ huy từ huyện đến xã trực tiếp đến hiện trường những địa bàn bị ảnh hưởng để chỉ đạo sơ tán dân, di dời bảo vệ các công trình, bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân.
Tổ chức ứng cứu các điểm bị cô lập, tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người bị mất tích; chỉ đạo triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai để nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân vùng bị thiên tai.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các lực lượng cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2 – Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc – Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã kịp thời di chuyển đến bản Hua Pư xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn – nơi bị sạt lở đất làm vùi lấp 3 hộ dân cùng 5 người. Sau chưa đầy 1 ngày, dưới sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng, công tác tìm kiếm người mất tích đã hoàn thành, ngoài ra đã thực hiện kịp thời các chế độ chính sách và trao quà thăm hỏi, động viên đến các hộ dân có người chết và bị thương.
Về công tác khắc phục hậu quả, đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 8/8 người mất tích. Kịp thời hỗ trợ các hộ vùng ngập úng, sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn, đảm bảo an ninh trật tự vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Tổ chức tiêu độc, khử trùng phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm vùng bị thiên tai.
Cùng với đó, tập trung khắc phục hệ thống đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, y tế… Các huyện đã vận động nhân dân cho người dân bị mất nhà ở nhờ và bố trí nhà văn hoá để ở tạm. Rà soát, trình xin chủ trương của tỉnh để triển khai các điểm sắp xếp dân cư tập trung cho các hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, sập đổ và nhà bị sạt lở phải di dời khẩn cấp. Thống kê, xác minh, xây dựng phương án hỗ trợ về nông nghiệp, để sớm khôi phục sản xuất cho người dân.
Ngày 2/8, UBND tỉnh Sơn La đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại thành phố Sơn La và 4 huyện Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu.
Riêng tại thành phố Sơn La, trong đợt mưa lũ vừa qua, thành phố bị thiệt hại trên 103 tỷ đồng, 936 nhà bị ngập úng, sạt lở. Trong đó, tại xã Chiềng Đen, có 94 hộ bị ảnh hưởng do mưa lũ, gồm 40 hộ bị đá sạt lở vùi lấp vào nhà cửa; 54 hộ ngập úng sâu trong nước; 3 nhà mầm non, tiểu học bị thiệt hại; hơn 78ha cây cối hoa màu bị sạt lở, ngập úng; 1.145 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Điểm bản phiêng Nghè thuộc xã Chiềng Đen, có 39 hộ bị ngập úng phải di chuyển; 3 hộ bị sạt lở đất; 30,8 ha cây cối hoa màu bị ngập úng…
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, lãnh đạo UBND thành phố, Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã phân công, chia làm các hướng có mặt tại hiện trường ngập úng, sạt lở đất để kịp thời chỉ đạo, huy động điều tiết lực lượng ứng cứu, khơi thông dòng chảy, thông tuyến các đường, đảm bảo giao thông không bị chia cắt, ngập úng trong thời gian dài.
Chỉ đạo thực hiện phương châm 4 tại chỗ; huy động lực lượng công an, quân sự có mặt tại các điểm xung yếu để tập trung khắc phục hậu quả, di dời những hộ dân trong khu vực ngập úng và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Tổ chức họp trực tuyến với các xã, phường, các phòng, ban chuyên môn, để thống nhất các nhiệm vụ cấp bách cần triển khai thực hiện.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị có liên quan, chia sẻ với bà con vùng thiên tai, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chuyển lời thăm hỏi ân cần của Thủ tướng Chính phủ, sự sẻ chia với những thiệt hại, khó khăn, mất mát của tỉnh Sơn La, đặc biệt là bà con những nơi bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, ngập úng kéo dài. Đồng thời, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo tỉnh cùng các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của tỉnh, thành phố trong ứng phó mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai; sự chủ động, tự giác của bà con trong phòng tránh thiên tai.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thiên tai hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Sơn La cần tập trung đảm bảo an toàn đời sống nhân dân, đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp, có nguy cơ như Phiêng Nghè.
Tiếp tục di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; quan tâm, chăm lo, động viên các gia đình bị thiệt hại về người; hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con, không để bà con bị đói, không có nhà ở.
Tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng, khôi phục các cơ sở công như trường học, bệnh viện… Nâng cao tinh thần cảnh giác, cẩn trọng với thiên tai, vì hiện nay mới là đầu mùa mưa, nên cần tiếp tục rà soát, cắm biển cảnh báo tại các vùng nguy cơ sạt lở, lũ xuống nhanh; quan tâm cảnh báo kỹ về giao thông để tiếp tục có sự chủ động, hạn chế tối đa thiệt hại, sự cố bất ngờ khó lường.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho Sơn La 10 tỷ đồng. Giao tỉnh Sơn La, cùng nguồn vốn cân đối của tỉnh để tiếp tục triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, chăm lo gia đình có người chết, tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí tạo dựng nhà ở cho các hộ bị ảnh hưởng.
Về lâu dài, Đoàn công tác ghi nhận những khó khăn của tỉnh Sơn La để báo cáo Chính phủ. Đề nghị tỉnh khẩn trương nghiên cứu, có đánh giá cụ thể, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành có liên quan để có giải pháp cụ thể hơn trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/pho-thu-tuong-le-thanh-long-kiem-tra-vung-ngap-lu-phieng-nghe-son-la-377835.html