Nhóm sao cổ đại ở gần mặt trời đã hình thành trong giai đoạn bình minh vũ trụ, tức trong vòng 1 tỉ năm kể từ thời điểm Big Bang khai sinh mọi thứ. Phát hiện này cho thấy khu vực của Dải Ngân hà có hệ mặt trời của chúng ta nhiều khả năng cổ xưa hơn so với tính toán trước đây, theo Live Science hôm 4.8.
Đa số các ngôi sao, bao gồm mặt trời, đang nằm bên trong một đĩa mỏng xoay quanh trung tâm Dải Ngân hà. Các nhà nghiên cứu cho rằng đĩa này hình thành từ 8 đến 10 tỉ năm trước. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của máy học, họ phát hiện một số ngôi sao ở đây phải hơn 13 tỉ năm tuổi.
Đội ngũ chuyên gia của Viện Leibniz về Vật lý thiên thể Potsdam (AIP) ở Đức đã tìm ra tuổi thật của nhóm sao trên nhờ vào dữ liệu đến từ kính viễn vọng Gaia của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).
Các nhà khoa học đang xâu chuỗi lại lịch sử Dải Ngân hà, và dữ liệu của Gaia cho phép tạo ra những bản đồ ghi chép độ tuổi, cấu tạo hóa học và chuyển động của sao.
Trong báo cáo mới, đội ngũ chuyên gia phân tích hơn 800.000 sao ở vùng phụ cận hệ mặt trời, nằm trong bán kính khoảng 3.200 năm ánh sáng xung quanh mặt trời. Còn Dải Ngân hà có bề ngang khoảng 100.000 năm ánh sáng và chứa hơn 100 tỉ sao.
“Những ngôi sao cổ đại trong đĩa cho thấy sự hình thành đĩa mỏng của Dải Ngân hà bắt đầu sớm hơn vẫn tưởng đến 4-5 tỉ năm”, theo tác giả báo cáo Samir Nepal, nghiên cứu sinh của AIP.
Vũ trụ hiện khoảng 13.8 tỉ năm tuổi. Vì thế sự hiện diện của các ngôi sao hơn 13 tỉ năm tuổi cho thấy đĩa ở trung tâm Dải Ngân hà phải hình thành trong vòng 1 tỉ năm đầu tiên theo sau sự kiện khai sinh vũ trụ Big Bang.
Nguồn: https://thanhnien.vn/he-mat-troi-nam-trong-khu-vuc-vo-cung-co-xua-cua-vu-tru-185240804113259107.htm