Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực thi hành kể từ 1.1.2025).
Xe chở học sinh phải sơn màu vàng đậm
Theo quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh “phải có màu sơn theo quy định của Chính phủ”.
Để quy định chi tiết vấn đề trên, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Đồng thời, mặt trước và 2 cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.
Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh, Bộ Công an đề xuất phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
Quy định về màu sơn và dấu hiệu nhận biết xe chở trẻ em mầm non, học sinh được kỳ vọng sẽ góp phần siết chặt loại hình kinh doanh vận tải này, nhất là sau hàng loạt vụ việc bỏ quên học sinh trên xe gây hậu quả đau lòng xảy ra thời gian qua.
Ghi nhận cho thấy, tại nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh, xe chở học sinh thường không phải thiết kế riêng mà được sử dụng kết hợp với kinh doanh vận tải (chở khách du lịch vào ngày cuối tuần chẳng hạn), nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Bộ Công an, một tài xế có nhiều kinh nghiệm đưa đón học sinh cho rằng quy định như dự thảo sẽ nâng cao chất lượng đối với dịch vụ này.
Đặc biệt, dự thảo phân định rõ 2 trường hợp, trong đó chỉ bắt buộc sơn màu vàng đối với xe chuyên dùng chở học sinh. Với xe chở học sinh kết hợp kinh doanh vận tải, dự thảo quy định chỉ cần có hệ thống biển báo nhận biết. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng xe đồng thời cho cả 2 loại dịch vụ, tránh cứng nhắc.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng đồng tình về sự cần thiết khi siết chặt quản lý đối với hoạt động đưa đón học sinh.
Tuy vậy, ông kiến nghị nên nghiên cứu triển khai có lộ trình, nhất là với quy định xe đưa đón học sinh phải thay đổi màu sơn. Quy định này có thể thí điểm thực hiện trước với cấp mầm non, tiểu học, sau đó tổng kết rồi nhân rộng, qua đó giảm tải áp lực cho doanh nghiệp.
Lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn quy định: xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Để quy định chi tiết nội dung trên, Bộ Công an đề xuất việc lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh phải đảm bảo 3 yêu cầu.
Thứ nhất, ghi, lưu trữ hình ảnh người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.
Thứ hai, hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất.
Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.
Thứ ba, thiết bị ghi nhận hình ảnh phải được duy trì hoạt động để đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh liên tục, không làm gián đoạn theo quy định.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, cứu hộ giao thông phải cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ cho Bộ Công an (Cục CSGT), Bộ GTVT (Cục Đường bộ Việt Nam) để phục vụ quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-cong-an-de-xuat-xe-cho-hoc-sinh-phai-son-mau-vang-dam-185240803211853487.htm