Sáng nay (3/8), UBND TPHCM tổ chức phiên họp lần thứ 5 của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển TPHCM.
Khơi thông các dự án trọng điểm
Báo cáo tại hội nghị, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ nhận định, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 98, thành phố đã ban hành được một khối lượng chính sách đáng kể.
Đây chính là tiền đề mở ra nhiều triển vọng vào tương lai trong giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn, cũng như vấn đề giải quyết bài toán phát triển bền vững của thành phố.
Cụ thể đến nay, HĐND TP ban hành 34 nghị quyết trên các lĩnh vực như: quản lý đầu tư; tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền TPHCM và TP Thủ Đức, thành lập Sở An toàn thực phẩm; quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó, theo ông Vũ, thành phố đã phân cấp một số nội dung cho sở, ngành và địa phương… giúp công việc vận hành nhanh hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, việc vận dụng Nghị quyết 98 vẫn còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn và sự hỗ trợ của các bộ ngành có liên quan để kết quả tốt hơn.
Bổ sung quy hoạch các vị trí chiến lược để triển khai TOD
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá cao kết quả sau một năm triển khai Nghị quyết 98.
Tuy nhiên, ông cho rằng còn nhiều khối lượng công việc chưa làm hoặc làm chưa tới do tâm lý thụ động, “chờ việc đến mới làm”.
“Nghị quyết 98 cho chúng ta các cơ chế vượt trội, đi trước để thí điểm. Nhưng chúng ta thụ động, không chuẩn bị trước mà chờ chừng nào phát sinh công việc thì mới làm. Vì vậy, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng của thành phố”, ông Hoan lưu ý.
Ông Hoan nêu ví dụ, nghị quyết cho phép thành phố thí điểm xây dựng TOD (mô hình khai thác phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn) dọc các tuyến metro và Vành đai 3. Nhưng các sở, ngành vẫn chưa nghiên cứu, chưa bổ sung quy hoạch, nên đến nay vẫn chưa có gì để triển khai.
“Chúng ta đã nói đến vấn đề này, nhưng lại quên đi trong quá trình làm, cứ nghiên cứu mô hình TOD nào đó không cụ thể mà chưa thấy trong quy hoạch”, ông Hoan lưu ý.
Qua đó, ông yêu cầu Sở QH-KT phối hợp với Sở GTVT định hướng không gian phát triển hạ tầng có bổ sung quy hoạch các vị trí chiến lược để triển khai TOD.
Khi có chiến lược quy hoạch, thành phố sẽ công khai minh bạch để thu hút nhà đầu tư chiến lược hoặc huy động nguồn lực từ xã hội.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 nhấn mạnh, cần xác định được quỹ đất triển khai TOD để đấu giá, xây dựng nguồn vốn triển khai. Theo ông, đấu giá tiền sử dụng đất của dự án nào thì dành cho dự án đó, không nên hòa vào nguồn ngân sách chung.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở QH-KT thừa nhận, mô hình TOD được quy hoạch dọc các tuyến metro. Tuy nhiên, trên tuyến metro số 1 đang trong giai đoạn hoàn thành cơ bản, nhưng chưa có đề án TOD nào được thực hiện, dù dọc tuyến này còn hơn 550ha đất công.
“Sở đã trình và tham mưu cho UBND TP vấn đề này, nhưng chưa thấy nhà đầu tư hay doanh nghiệp (DN) nào đăng ký hay đề xuất làm dự án”, vị đại diện Sở QH-KT cho biết.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, triển khai TOD cần xác định ba vấn đề là phải đổi mới tư duy, cách tổ chức và xây dựng được hành lang pháp lý làm căn cứ.
Ông cho rằng, làm TOD cần tư duy theo kinh tế thị trường, cần hài hòa lợi ích giữa người dân – doanh nghiệp và nhà nước. Trong triển khai phải đồng bộ, nghĩa là các sở, ngành cùng phối hợp nhịp nhàng. Mỗi sở, ngành làm một phần việc, nhưng phải có cam kết về tiến độ hoàn thành.
“Chúng ta có 8 tuyến metro trong tương lai để triển khai TOD. Nhưng trước mắt, cần hoàn thiện và nhanh chóng đưa vào vận hành tuyến metro số 1, để lấy lại niềm tin, thu hút người dân… thì sẽ lan tỏa cho các tuyến còn lại trong tương lai.
Bên cạnh đó, triển khai TOD cần một hành lang pháp lý làm cơ sở để các nhà lãnh đạo có thể làm mà không e ngại, không sợ sai”, ông Sơn bày tỏ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tphcm-duoc-thi-diem-dau-tien-mo-hinh-tod-nhung-moi-o-muc-noi-quen-lam-2308314.html