Tập đoàn dệt may Việt Nam chuẩn bị sản xuất đơn hàng vải chống cháy đầu tiên Sản xuất bền vững: Điều gì đang làm khó doanh nghiệp dệt may? |
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất
Từ đầu năm tới nay đơn hàng xuất khẩu khởi sắc giúp doanh nghiệp dệt may trong nước ổn định sản xuất, cải thiện doanh thu và lợi nhuận. Theo ông Phạm Minh Đức – Tổng giám đốc Công ty CP may Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của đơn vị ước đạt 420 tỷ đồng, trong đó 90% đến từ doanh thu FOB (nguyên liệu, sản xuất), lợi nhuận ước đạt 10 tỷ đồng.
Hiện nay công ty đã có đủ đơn cho năm 2024 và bắt đầu làm việc về đơn hàng quý I, quý II năm 2025. Để nâng cao hiệu quả quản trị, đảm bảo năng lực nội tại và bộ máy vận hành của công ty phù hợp với tốc độ tăng trưởng hiện nay, công ty đang tập trung số hóa, ứng dụng công nghệ thôn tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành nhằm tối ưu hóa chi phí, phát huy hiệu quả trên nền tảng số.
Đơn hàng tăng, doanh nghiệp dệt may vẫn chồng chất nỗi lo. Ảnh: Quang Vinh |
Tương tự, Tổng công ty CP may Hưng Yên, theo bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng giám đốc Công ty CP may Hưng Yên, nửa đầu năm 2024 doanh thu của công ty ước đạt 311,5 tỷ đồng, bằng 82,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 28,2 tỷ đồng, bằng 78,5% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân của lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng, bằng 105% so với cùng kỳ.
Không nhiều thuận lợi như may Nam Định, từ đầu năm tới nay, may Hưng Yên gặp khó khăn do biến động lao động bất thường so với mọi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do xu hướng đi xuất khẩu lao động và cạnh tranh lao động từ các doanh nghiệp FDI trong khu vực mặc dù mặt bằng lương, thu nhập liên tục được cải thiện. Bên cạnh đó, áp lực giao hàng và giá chưa cải thiện đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công ty trong nửa đầu năm 2024.
Công tác thị trường của may Hưng Yên quý III dự kiến có cải thiện so với quý II tuy nhiên quý IV chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Dự kiến cả năm 2024, doanh thu của tổng công ty ước vượt 5% và lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với kế hoạch.
Cùng với tình hình sản xuất ổn định của doanh nghiệp, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 đạt khá, với 19,8 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Những tháng còn lại của năm, do đúng mùa phục vụ cho dịp lễ, tết doanh nghiệp kỳ vọng đơn hàng sẽ về nhiều hơn, sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn.
Chuẩn bị ứng phó với các quy định mới, ngặt nghèo
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may, tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” tổ chức mới đây, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay, Bộ Thương mại Mỹ hiện chưa ghi nhận các quy định bắt buộc liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn xanh áp dụng đối với mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có mặt hàng dệt may. Do vậy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa thu đông đang đến, cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11/2024.
Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Hưng cũng đề nghị, ngành dệt may tiếp tục lưu ý các quy định của Mỹ về Đạo luật Ngăn chặn cưỡng bức cao động người Duy Ngô Nhĩ, phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phản ánh kịp thời với cơ quan hải quan và biên phòng Mỹ giải quyết kịp thời các lô hàng bị dừng tại cửa khẩu; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tham gia tích cực và hiệu quả các hội chợ quốc tế trong thời gian tới.
Về phía thị trường EU, Tập đoàn Dệt may thông tin, Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững đã có hiệu lực, trong đó, EU quy định cấm tiêu hủy các sản phẩm quần áo, phụ kiện và giày dép chưa bán được, dự kiến có hiệu lực vào giữa năm 2026.
Cùng đó, các sản phẩm không có Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số sẽ không được phép lưu hành trên thị trường EU. Ủy ban EU sẽ công bố các tiêu chuẩn Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số kỹ thuật để hướng dẫn các công ty và nhà cung cấp hộ chiếu trước ngày 31/12/2025.
Như vậy tại những thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đều đang và sắp có những quy định rất ngặt nghèo, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng. Chưa kể, tại thị trường trong nước vẫn đang tồn tại nhiều yếu tố không thuận, trong đó nổi cộm là vấn đề lao động.
Cùng với làn sóng đầu tư FDI đổ vào Việt Nam tăng nhanh chóng, áp lực về lao động của doanh nghiệp dệt may tăng lên một bậc. Yêu cầu về lao động tay nghề cao, lao động kỹ thuật để vận hành thiết bị công nghệ mới cũng ngày một gay gắt.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Hưng Yên, yêu cầu đặt ra trong 3 năm tới, nếu không chuyển đổi toàn diện, đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý, năng suất lao động và đổi mới, sáng tạo thì sẽ không đứng vững được trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Do vậy, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu, ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp để nâng cao năng suất quản lý và năng suất đổi mới sáng tạo nhằm tối đa hóa nguồn lực, tạo sự khác biệt trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống cần phải xác định được nhu cầu, mục tiêu để hoạch định nguồn lực thực hiện bao gồm cả nhân lực và tài chính.
Nguồn: https://congthuong.vn/vi-sao-don-hang-tang-doanh-nghiep-det-may-van-lo-336642.html