Đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, Rupee Ấn Độ và thậm chí cả đồng tiền hàng đầu châu Á là Yên của Nhật Bản đang phải vật lộn để chống lại sự thống trị của đồng USD.
Đồng USD phản công, tiền của BRICS liến tiếp ‘dính đạn’, lộ những điểm yếu chí tử. (Nguồn: AFP) |
Bên nào bị bỏ lại phía sau?
Diễn biến trên thị trường đang cho thấy, đồng USD không hề “nương tay” với BRICS và chương trình phi USD hóa khi khiến các loại tiền tệ hàng đầu của nhóm các nền kinh tế mới nổi trượt dốc dài trên bảng xếp hạng vào tháng 7/2024.
Thực tế này dường như phản ánh, chiến dịch phi USD hóa ồ ạt của BRICS có vẻ chưa thể khiến đồng USD ‘xi nhê’ gì, dù cũng có chút “lao đao”.
Trong khi đó, đồng bạc xanh của Mỹ vẫn là đồng tiền đang gây sức ép mạnh mẽ lên các loại tiền tệ của các quốc gia BRICS trên thị trường ngoại hối.
Ngày 26/7, khi tiếng chuông đóng cửa sàn vang lên vào cuối tuần qua, đồng Rupee của Ấn Độ, một thành viên hàng đầu của BRICS, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là 83,73 so với đồng USD.
Trung Quốc, nước đi đầu trong chiến dịch phi USD hóa trong BRICS, đang chứng kiến đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng tiền của Mỹ.
Đồng yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm qua và đang vật lộn để tăng cường sức mạnh trên thị trường ngoại hối.
Tất cả diễn biến hiện tại cho thấy, đồng USD vẫn đứng vững vàng ở vị trí dẫn đầu và bỏ lại các loại tiền tệ khác ở phía sau.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đã giúp đồng USD đảo ngược xu hướng so với các loại tiền tệ quốc tế hàng đầu trên thị trường. Chỉ số DXY, theo dõi hiệu suất của USD, cho thấy đồng tiền này an toàn ở mức trên 104,30. Và tất nhiên, trong khi USD đang giữ đà tăng trưởng, thì không thể nói như vậy đối với các loại tiền tệ khác, trong đó có cả nội tệ của các quốc gia BRICS.
Đồng USD tăng giá đang đẩy các loại tiền tệ BRICS đi xuống, mặc dù vẫn đang diễn ra những nỗ lực không ngừng nghỉ, thách thức vị thế của đồng tiền vốn vẫn đứng khá vững ở “ngôi Vương” trên toàn cầu.
Ngoài ra, hiện tượng giới đầu tư tiền tệ đã chớp thời co giá giảm để mua mạnh đồng USD, góp phần củng cố mức kháng cự của đồng tiền này, khiến nó bật trở lại mạnh mẽ hơn.
Shaun Osborne, Chiến lược gia trưởng về ngoại hối tại Scotiabank cho rằng, “các thị trường đã hơi quá đà và lợi suất tăng đã giúp đồng USD tăng giá”. Giờ đây, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden sắp kết thúc, triển vọng của đồng bạc xanh sẽ được quyết định bởi vị tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.
Nỗ lực bất thành của BRICS?
Tuy nhiên, về xu thế phi USD hóa của các quốc gia dẫn đầu BRICS, hiện vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau. Trong đó, nỗ lực của các thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi cũng ghi những dấu ấn không hề mờ nhạt. Chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến BRICS khởi động các sáng kiến phi USD hóa toàn cầu mạnh mẽ, thậm chí “biến Nhân dân tệ thành đồng tiền giao dịch chính chứ không phải đồng USD”.
Cụ thể, từ khi Mỹ tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vào tháng 2/2022, sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kể từ đó, BRICS đã sử dụng mọi biện pháp để cắt đứt quan hệ với đồng USD và đẩy mạnh sử dụng các loại tiền tệ của nhóm, như Nhân dân tệ Trung Quốc hay Ruble của Nga để thanh toán trong thương mại song phương.
Trên thực tế, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc cũng đã kết nạp thêm 62 thành viên trong 12 tháng tính đến tháng 5/2024, tăng 78% và nâng tổng số lên 142 thành viên trực tiếp và 1.394 thành viên gián tiếp.
Nếu Mỹ biến các lệnh trừng phạt kinh tế thành một loại vũ khí, thì các thành viên BRICS đã phát triển nội tệ của mình thành một loại vũ khí khác, bằng cách thuyết phục các nước rằng, nếu tiếp tục lấy đồng USD là phương tiện giao dịch thương mại chính thì nền kinh tế của họ luôn có thể gặp vấn đề, nếu bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.
Đó là lý do các nước đang phát triển và các thành viên BRICS quyết định rời xa đồng USD và bắt đầu sử dụng Nhân dân tệ khi giao dịch với Trung Quốc. Trong đó, Nga hoàn toàn chấp nhận đồng Nhân dân tệ trong thanh toán dầu mỏ, khiến nội tệ của Trung Quốc trở thành loại tiền được sử dụng nhiều nhất để giao dịch trong hai năm qua.
Các thành viên hàng đầu của BRICS là Trung Quốc và Nga đang đạt những bước tiến nhất định trong việc đưa Nhân dân tệ trở thành đồng tiền toàn cầu bằng cách hạ vai trò của đồng USD trong thanh toán quốc tế. Vào tháng 5/2024, thị phần của đồng Nhân dân tệ trong giao dịch hối đoái một lần nữa đạt kỷ lục mới, 53,6%. Thị phần của đồng tiền này trên thị trường giao dịch tự do là 39,2%.
Nhà phân tích kinh tế Alexandra Prokopenko nhận định rằng, Nhân dân tệ của Trung Quốc đang được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Thậm chí, các lệnh trừng phạt đã bị lu mờ trước ý tưởng phi USD hóa đồng loạt của các thành viên BRICS, khiến chương trình nghị sự này trở thành một lực lượng mạnh mẽ hơn mà thế giới cần phải tính đến.
Trào lưu nhất thời?
Phân tích về chiến dịch phi USD hóa mạnh mẽ của BRICS thời quan qua, nhà phân tích hàng hóa Jeffrey Christian, cũng là người sáng lập CPM Group, mới đây cho rằng, động thái phi USD hóa ở các quốc gia hàng đầu trong khối như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có thể phản tác dụng và gây tổn hại đến nền kinh tế của họ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh đến mức độ phổ biến của đồng USD trên thị trường tài chính, nên dù nỗ lực phi USD hoá đang diễn ra, sự thống trị của đồng bạc xanh có lẽ sẽ không biết mất.
Xem xét về “tương quan lực lượng”, theo Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), tính đến tháng 4/2022, đồng USD vẫn được sử dụng trong 88% tổng số giao dịch tiền tệ hàng ngày. Còn số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, đồng USD chiếm 54% tổng dự trữ ngoại hối. Trong khi đó, các loại tiền tệ khác, trong đó nổi bất nhất là Nhân dân tệ vẫn bị ràng buộc bởi các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, khiến nó kém thanh khoản hơn và do đó kém hấp dẫn hơn đồng USD.
Ông Christian nằm trong nhóm những người hoài nghi về phi USD hóa ở Phố Wall, họ cho rằng xu hướng này chỉ như một cụm từ chuyên ngành. Ông cho rằng việc phi USD hóa là chuyện “hoang đường”, trào lưu nhất thời” và “vô nghĩa”. Chuyên gia này gần như chắc chắn rằng, việc đồng USD có nguy cơ bị thay thế bởi một loại tiền tệ khác là không đáng lo ngại.
“Phi USD hóa là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng rất khó để thực hiện. Vì tất cả các chính phủ và quốc gia sẽ phải thay đổi cách xử lý tiền tệ”. Thậm chí nhà phân tích này còn chỉ ra những hậu quả kinh tế đối với những quốc gia “kiên quyết” không sử dụng đồng USD. Chẳng hạn, các quốc gia cố gắng loại dần đồng USD có thể đang tự kìm hãm hoạt động xuất nhập khẩu của chính mình, vì đồng USD là loại tiền tệ được giao dịch rộng rãi nhất thế giới, việc không sử dụng loại tiền tệ này có thể hạn chế phạm vi đối tác thương mại của một quốc gia và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Tóm lại, vị thế của đồng bạc xanh vẫn khá vững vàng ngay cả khi các nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS nỗ lực phi USD hóa, chuyển hướng sang các loại tiền tệ dự trữ khác. Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Địa kinh tế thuộc Atlantic Council – tổ chức nghiên cứu về các vấn đề quốc tế của khu vực Mỹ – Đại Tây Dương, đồng USD tiếp tục thống trị trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu. Vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu chính của đồng bạc xanh vẫn được đảm bảo trong ngắn và trung hạn.
Theo phân tích, các cuộc thảo luận về hệ thống thanh toán nội bộ BRICS vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng các thỏa thuận song phương và đa phương trong nhóm có thể tạo cơ sở cho một nền tảng trao đổi tiền tệ theo thời gian. Tuy nhiên, phạm vi những thỏa thuận này không dễ dàng mở rộng vì chúng được đàm phán riêng lẻ.
“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã thúc đẩy các nước BRICS phát triển một liên minh tiền tệ, nhưng khối này chưa đạt được bước tiến trong nỗ lực phi USD hóa”, báo cáo của Atlantic Council kết luận.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dong-usd-phan-cong-thang-tay-tien-cua-brics-lien-tiep-dinh-dan-lo-nhung-diem-yeu-chi-tu-280909.html