Còn băn khoăn
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, chuẩn nhà giáo bao gồm 4 tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; sức khỏe. Để được cấp chứng chỉ hành nghề dạy học phải đáp ứng 3 tiêu chí: chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo; hoàn thành nội dung bồi dưỡng và thực hành nghề theo quy định; đạt kết quả đánh giá để cấp giấy phép hành nghề dạy học theo quy định.
Tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT TP. Hồ Chí Minh Lê Thuỵ Mỵ Châu cho biết, vấn đề giấy phép hành nghề giáo là nội dung mới và có ý nghĩa quan trọng đối với việc hành nghề của giáo viên, giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình công tác.
Nhưng hiện nay, tiêu chuẩn của nhà giáo ngoài văn bằng, chứng chỉ trình độ đào tạo theo quy định, còn yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, chưa kể đến các chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ khác phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp. Nêu thực tế này, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT TP. Hồ Chí Minh đề nghị, cần xem xét việc chuyển tiếp, đổi các trường hợp được miễn cấp giấy phép hành nghề để giảm tải các thủ tục hành chính không cần thiết. Đồng thời, chứng chỉ hành nghề nên có thời hạn, giáo viên được sát hạch, kiểm tra lại để được gia hạn, đáp ứng các yêu cầu đổi mới về giáo dục cho từng giai đoạn phát triển của ngành giáo dục.
Cho biết có nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn về việc cấp chứng chỉ hành nghề, đại diện Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh nêu rõ, việc cấp chứng chỉ hành nghề có ưu điểm và hạn chế, trong đó hạn chế là phát sinh thêm chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Định kỳ 5 năm cấp chứng chỉ hành nghề sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính. Thực tế là có những giáo viên giỏi, nhưng lại thiếu các chứng chỉ theo quy định. Vì thế, phải giảm tác động của việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Đại diện từ UBND quận 7 cũng rất băn khoăn về việc dự thảo đang yêu cầu để một giáo viên được cấp chứng chỉ hành nghề dạy học phải có thêm rất nhiều chứng chỉ khác. Đại diện huyện Củ Chi cũng chia sẻ, do địa bàn là vùng sâu, vùng xa của TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm huyện tuyển giáo viên 2 lần nhưng không có nguồn giáo viên để tuyển. Vì thế, nếu bây giờ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, thì với những quận, huyện như Củ Chi “đã khó càng khó” tuyển giáo viên hơn.
Đây cũng là vấn đề đang diễn ra tại Quận 1 – quận trung tâm của TP. Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Mai Thị Hồng Hoa cho hay, trong 4 năm học gần đây (từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2023 – 2024), số lượng thí sinh trúng tuyển tuyển dụng giáo viên, đến nhận công tác tại các trường luôn thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển dụng. Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài ở một số môn học, cấp học.
Cùng với đó, giáo viên mới được tuyển dụng, sau một thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc, chuyển việc do không yên tâm công tác vì áp lực, lương và các chế độ, chính sách khác không bảo đảm được cuộc sống. Trong đó, có hiện tượng “chảy máu chất xám” ở nhóm giáo viên trẻ, sau khi được nhà trường bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng nguồn thu nhập ở trường ngoài công lập hấp dẫn hơn nên đã chuyển đổi nơi công tác.
Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TP. Hồ Chí Minh), Hiệu trưởng Bùi Văn Hưng cho biết, nhà trường không tổ chức thi tuyển viên chức từ năm 2012, thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2016 và cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, chưa kể việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế cũng ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ nhà giáo, viên chức, người lao động…
Cần sự đột phá, đổi mới mạnh mẽ
Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông nhất trong tổng số công chức, viên chức, chiếm 70% số lượng biên chế viên chức trên cả nước. Theo thống kê, đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập ở các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó, gần 1,2 triệu nhà giáo trong biên chế. Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu, nhưng vẫn có nhiều đóng góp cho giáo dục, gần 115 nghìn sinh viên đang học đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước sẽ bổ sung cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Tại các cuộc khảo sát, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu vấn đề, hiện nhà giáo đang được quy định tại Luật Viên chức đối với nhà giáo công lập và Bộ luật Lao động đối với nhà giáo ngoài công lập. Điều này dẫn đến trách nhiệm, quyền lợi, phúc lợi hiện nay của nhà giáo đang thụ hưởng bị chi phối bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành khác nhau; điều kiện thụ hưởng chưa tương xứng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa, nhà giáo là viên chức nhưng phải được coi là “viên chức đặc biệt”, nhà giáo là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt; đặc biệt cả về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trong tuyển dụng, thuyên chuyển, khen thưởng, kỷ luật. Do đó, mục tiêu cuối cùng là làm sao khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
“Có thể chưa hoàn thiện triệt để, chưa đáp ứng toàn diện mong muốn của các thầy cô, nhưng phải trả lời được câu hỏi: Luật ra đời thì môi trường làm việc của giáo viên có tốt hơn không? Điều kiện làm việc của giáo viên có tốt hơn không? Vị thế của nhà giáo có được đặt đúng vai trò, chức trách hay không? Đặc biệt là hệ thống chính sách đối với nhà giáo công lập và ngoài công lập có bảo đảm được không, để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp hay không?” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ.
Để tuyển được người giỏi, tâm huyết, có phẩm chất vào nghề giáo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, không những góp phần nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm nhà giáo, đồng thời còn tạo ra hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện hơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, cần có sự đột phá, đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ trong ngành giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Từ đó, tạo động lực để nhà giáo cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tao-dong-luc-de-nha-giao-cong-hien-cho-su-nghiep-giao-duc-i382714/