Đảng viên làm kinh tế vùng khó
Đồng bào vùng cao xã Thượng Trạch lâu nay đã nghe nói nhiều về anh chủ trại lợn Đinh Vộ (SN 1996) tại bản Khe Rung. Bắt đầu thử nuôi lợn vào năm 2018 chỉ với 2 con lợn được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục đích để kiếm kế sinh nhai và tìm tòi một ngành nghề cho gia đình, đến nay, trại lợn của anh đang nuôi trên dưới 20 con, với con giống đặc trưng là lợn rừng lai, có nguồn tiêu thụ ổn định.
Việc mở rộng và phát triển từng bước của trang trại lợn nhà anh Đinh Vộ đến tai người dân gần xa. Ai ai cũng biết về một người Đảng viên trẻ nói được, làm được, tự nuôi gia súc, có trang trại nhỏ rồi xây cất nhà cửa khang trang. Định kỳ, anh cũng đi đến 18 bản trong xã, bản cách bản khá xa, đường đi lại khó khăn, để tiêm lợn giúp nhà người dân và về đồng bằng tìm tòi, học hỏi thêm.
Kể về những ngày đầu lập nghiệp, đảng viên trẻ Đinh Vộ chia sẻ: “Khi ấy mình 22 tuổi. Chọn nuôi lợn là trước hết vì muốn phát triển kinh tế cho gia đình. Sau đó thì làm gương cho bà con dân bản để mọi người học theo. Nhà nào cũng tự làm được cái ăn, cái mặc thì bản làng bớt nghèo đi”.
Sắp tới, anh Đinh Vộ dự định mở rộng quy mô, nuôi thêm gà bản địa có giá trị cao, phát triển kinh tế và tạo thương hiệu cho nông sản địa phương.
“Là Đảng viên, trước tiên mình phải đi đầu trong việc tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực mình làm, mình biết. Từ đó, bà con hiểu rõ việc chăn nuôi cũng là một cách để thay đổi cuộc sống gia đình, qua đây góp phần xóa đói giảm nghèo cho quê nhà”, anh Đinh Vộ cho biết.
Người thanh niên trẻ gia nhập vào hàng ngũ của Đảng từ năm 2019, đến nay, bằng hành động và ý chí, sự chăm chỉ cần cù qua mỗi ngày, dân bản đều biết đến và yêu mến tinh thần của anh. Tiếng lành đồn xa, cùng sự vận động và hỗ trợ của chính quyền địa phương; đặc biệt, khi các điều kiện sống cơ bản được đáp ứng và cải thiện hơn, có điện, có nước, nhiều gia đình cũng đã tự ý thức về phát triển sinh kế. Từ đó, từng bước lựa chọn ngành nghề phù hợp, làm trụ cột cho gia đình.
Để bản cao là điểm sáng sản vật rừng
Bên cạnh mô hình nuôi lợn của đảng viên Đinh Vộ, xã cao Thượng Trạch cũng xác định mũi nhọn trong phát triển các loại nông sản, sản vật rừng, sản phẩm từ rừng… Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cà Roòng với 30 thành viên đã có sản phẩm OCOP 3 sao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho đông đảo người dân đồng bào.
Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Đinh Xức cho biết, hiện tại nhu cầu của các đơn vị thu mua đang lớn hơn nhiều so với khả năng cung cấp của đơn vị. Mỗi mùa măng kéo dài trong khoảng 4 tháng, cũng là thời gian sôi động nhất năm khi HTX thu mua măng từ các hộ gia đình, rồi về sơ chế, đóng gói bắt mắt và được bao tiêu, đặt hàng trước. Sản phẩm đang phấn đấu để vươn lên OCOP 4 sao.
Cùng với măng rừng, chính quyền địa phương xã Thượng Trạch cũng đang triển khai tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm tạo nguồn lợi phát triển quanh năm, thu hút gần 100 hộ dân chung tay tham gia sản xuất.
Theo đó, tiểu dự án có các kế hoạch chăn nuôi bò; chăn nuôi lợn thương phẩm; mô hình chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn bản, trồng cây măng lục trúc và cây bơ sáp… phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, dự kiến xây dựng các mô hình chăn nuôi.
Thực hiện đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trường Chinh đã trực tiếp trò chuyện, cùng người dân định hướng lựa chọn công cụ sản xuất lao động phù hợp với gia đình, tránh trùng lặp nhau mà tạo tính toàn diện trong tổng thể cơ cấu.
Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 1719, giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025, mở ra nhiều cơ hội hỗ trợ phát triển cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với việc triển khai chương trình, qua nửa chặng đường với phân kỳ giai đoạn I, đời sống nhân dân vùng biên giới xã Thượng Trạch nói riêng và các địa phương khác ở huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy đã nhiều phần đổi thay. Với xã Thượng Trạch, đồng bào hướng đến mỗi nhà một nghề, mái nhà đỏ kiên cố ngày một nhiều, đời sống cũng vui vẻ hơn. Người dân cũng kỳ vọng thêm, với dự án kéo điện lưới quốc gia giai đoạn 2, nhiều bản, nhiều gia đình có thể thấy điện lưới về ngay trước ngõ để tiếp sức cho công cuộc phát triển, giúp xuất hiện nhiều nhà xưởng chế biến nông sản; đời sống văn hóa – xã hội cũng đa dạng, phong phú hơn…
“Mong rằng những vị khách ở dưới xuôi lên với bản đều nhìn thấy được điều này, vì tôi luôn cảm nhận được sự thay đổi tích cực của bản làng và bà con nơi đây, từng chút một và mỗi ngày”, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Nguyễn Trường Chinh chia sẻ.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/bai-2-chu-dong-lam-giau-tren-que-huong-bien-gioi-i382450/