Để phòng xa những bất định thời kỳ hậu Tổng thống Joe Biden, các nước cùng chí hướng trong khu vực như Australia và Hàn Quốc đang chủ động thắt chặt quan hệ song phương.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul (phải) và Ngoại trưởng Australia Penny Wong gặp nhau tại Seoul, ngày 30/7. (Nguồn: Yonhap) |
Ẩn ý chính trị
Tuần này, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã có chuyến công du quan trọng đến Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc trong thời gian 26-30/7. Bà Wong đã tham dự các cuộc họp của ASEAN tại Vientaine và cuộc họp Ngoại trưởng Bộ tứ (Quad) lần thứ 8 tại Tokyo.
Tại điểm đến cuối cùng là Seoul, bà Wong hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul, nêu bật quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và thăm các tòa nhà của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (lực lượng quân sự đa quốc gia đã hỗ trợ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên) tại Vùng An ninh chung (JSA), khu vực phi quân sự DMZ.
Chương trình nghị sự của bà Wong tại Lào và Nhật Bản không gây ngạc nhiên trong bối cảnh ASEAN và Australia năm nay kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác đối thoại và Quad đang ngày càng được thể chế hóa. Nhưng các hoạt động của Ngoại trưởng Australia tại Seoul có một số ý nghĩa đáng chú ý.
Đối với Hàn Quốc và phương Tây, thuật ngữ “Đối tác chiến lược toàn diện” đang được quan tâm và có hàm ý chính trị cao sau khi Nga và Triều Tiên ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 6 với điều khoản tương hỗ phòng thủ giữa hai nước trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công.
Việc Hàn Quốc nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Australia trong chuyến thăm của bà Penny Wong có thể là thông điệp gửi đến Triều Tiên rằng Hàn Quốc cũng đang có những liên kết chiến lược (bên cạnh hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn) ngang tầm với gắn kết Nga-Triều thời gian qua.
Bên cạnh đó, việc bà Wong thăm vùng JSA tại DMZ đã nêu bật sự ủng hộ của Australia đối với các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo ổn định, an ninh trong khu vực và thể hiện đoàn kết Australia-Hàn Quốc khi cùng chia sẻ các quan ngại chung về vấn đề Triều Tiên.
Cùng chí hướng
Ngoài những ý nghĩa biểu tượng về chính trị nêu trên, chuyến thăm của bà Wong đến Hàn Quốc còn phản ánh hợp tác chặt chẽ giữa hai đối tác cùng chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như tiến triển trong việc triển khai các kết quả hai bên đạt được tại Cuộc họp lần thứ 6 cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 2+2 tại Melbourne tháng 5 vừa qua.
Cho đến nay, Hàn Quốc mới chỉ duy trì cơ chế đối thoại 2+2 như vậy với hai đối tác là Mỹ và Australia. Cuộc họp tại Melbourne cũng là lần đối thoại 2+2 đầu tiên kể từ khi chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, chính quyền Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhậm chức và Hàn Quốc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Như vậy, việc bà Wong thăm Hàn Quốc sau khi dự Hội nghị Ngoại trưởng Quad tại Tokyo càng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia cùng chia sẻ những lợi ích và giá trị chung.
Nhìn rộng hơn, cuộc hội đàm giữa bà Penny Wong và người đồng cấp Cho Tae-yul trong bối cảnh hiện nay thể hiện liên kết giữa các nước tầm trung nhằm chủ động định hình cấu trúc khu vực đang ngày càng nhiều bất trắc. Trong những năm qua, lựa chọn chính sách phổ biến của các nước tầm trung trong khu vực là đa dạng hóa quan hệ với nhiều đối tác trong khu vực. Là hai nước tầm trung có tầm ảnh hưởng và nguồn lực đáng kể trong khu vực, Úc và Hàn Quốc không chỉ là những đối tác gần gũi, hai đồng minh của Mỹ mà còn là hai nước chia sẻ tầm nhìn chung về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Sự gắn kết giữa hai nước này là cần thiết để chuẩn bị cho kịch bản ứng viên Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ lần hai sau sự rút lui bất ngờ của người đương nhiệm Joe Biden. Những bất định mà ông Trump thể hiện qua nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên khiến Australia và Hàn Quốc có cơ sở để lo ngại về việc triển khai AUKUS và chiều hướng hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn thời kỳ hậu Biden.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Yoko Kamikawa, Ngoại trưởng Australia Penny Wong và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Hội nghị nhóm Bộ tứ diễn ra tại Tokyo, ngày 29/7. (Nguồn: Reuters) |
Giao thoa lợi ích
Sự hội tụ ngày càng tăng về lợi ích chiến lược và an ninh – quốc phòng giữa Australia và Hàn Quốc cũng giúp hai nước xích lại gần hơn với nhau.
Thứ nhất, đây là những đối tác chủ chốt trong việc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nhau. Úc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc ở châu Đại Dương, còn Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm các đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu hàng đầu của Australia. Hai nước cũng đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoáng sản trọng yếu, chuỗi cung ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Australia và Hàn Quốc cũng nằm trong số các nền dân chủ đang thúc đẩy hợp tác để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực.
Thứ hai, Hàn Quốc và Australia có thể là những đối tác lý tưởng của nhau trong việc mua bán vũ khí. Là nước xuất khẩu vũ khí đang nổi (xếp thứ 9 thế giới), Hàn Quốc sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến, có thể chia sẻ với các đối tác AUKUS, trong đó có Australia. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Australia đang đẩy nhanh chương trình nâng cao quốc phòng của mình, Hàn Quốc là một đối tác đầy hứa hẹn để Australia mua vũ khí với chất lượng cao nhưng với chi phí thấp hơn vũ khí do Mỹ sản xuất. Đối với Hàn Quốc, việc thúc đẩy bán vũ khí cho Úc cũng góp phần giúp nước này đạt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới đến năm 2027.
Thứ ba, hai nước cũng có không gian hợp tác trong việc mở rộng AUKUS. Hàn Quốc là một trong số các quốc gia như Nhật Bản hay New Zealand đã bày tỏ quan tâm tham gia vào Trụ cột II của thỏa thuận này. Mặc dù Trụ cột I (về việc phát triển các tàu ngầm hạt nhân cho Australia) là ưu tiên chính của Australia, việc tiếp cận các nước tầm trung khác và hợp tác với họ trong các lĩnh vực công nghệ cao nêu tại Trụ cột II là một thành tố bổ trợ quan trọng giúp chính quyền Thủ tướng Australia Anthony Albanese đạt được thế “cân bằng chiến lược” ở khu vực mà Australia vẫn thường mô tả: “Một khu vực trong đó không nước nào bị thống trị, không nước nào thống trị khu vực, và chủ quyền của tất cả các nước đều được đảm bảo”.
Trong bối cảnh trật tự thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt dưới áp lực của cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, các nước tầm trung ngày càng coi trọng việc xích lại gần nhau nhằm phòng ngừa rủi ro và những thay đổi bất ngờ. Đối với Australia và Hàn Quốc, các yếu tố thuận lợi như cùng chí hướng, cùng chia sẻ các giá trị và tầm nhìn chung đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tạo ra nền tảng vững chắc để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Với sự giao thoa lợi ích ngày càng lớn trong các lĩnh vực chiến lược chủ chốt, quan hệ Australia – Hàn thậm chí còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hậu Biden.
Nguồn: https://baoquocte.vn/y-nghia-chuyen-cong-du-han-quoc-cua-ngoai-truong-australia-penny-wong-280699.html