(MPI) – Với mục tiêu tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và đổi mới cho hợp tác xã nông nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý khu vực kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp xanh, an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, ngày 30/7/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Ireland tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thông qua đổi mới và nâng cao chất lượng”.
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND, sở, ban, ngành một số địa phương; Đại sứ Ireland tại Việt Nam; đại diện Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Ireland cùng lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp của một số địa phương.
Hội thảo mở ra cơ hội trao đổi kiến thức về phát triển hợp tác xã nông nghiệp thực phẩm và chia sẻ kinh nghiệm giữa Ireland và Việt Nam nhằm phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu carbon và có giá trị gia tăng cao. Đồng thời nhằm thực hiện hóa Biên bản ghi nhớ được ký vào tháng 6 năm 2024 giữa Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland (DAFM) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và đổi mới nông sản thực phẩm giữa hai nước.
Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022 tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã 2023 với nhiều điểm mới nổi bật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Việt Nam; Luật đã cụ thể hóa 08 nhóm chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, trong đó có chính sách hỗ trợ dành riêng cho hợp tác xã nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có khoảng 22.000 hợp tác xã nông nghiệp trên tổng số 34.000 hợp tác xã, chiếm 65% số lượng hợp tác xã, với khoảng 3,8 triệu thành viên, hộ gia đình tham gia, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động còn chưa cao, đa số hợp tác xã nông nghiệp mới chỉ cung cấp một số ít dịch vụ cho thành viên; thiếu sự liên kết chặt chẽ với thành viên và doanh nghiệp; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ; chưa xây dựng được chuỗi liên kết…
Bên cạnh đó, hợp tác xã nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức như: ảnh hưởng biến đổi khí hậu, yêu cầu thị trường ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tình hình thế giới căng thẳng, phức tạp…
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các hợp tác xã phải có những bước đi mạnh mẽ, tập trung vào hai yếu tố cốt lõi là phải đổi mới và nâng cao chất lượng. Việc đổi mới trong nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, mà còn bao gồm đổi mới về tư duy quản lý, phương thức sản xuất và kinh doanh. Các cơ quan nhà nước, tổ chức trong nước và quốc tế, các hợp tác xã cần chú trọng nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia.
Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng là một yếu tố then chốt và cấp thiết. Hợp tác xã cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, cải thiện quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt, nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu ra thế giới.
Ông Conor Finn, Phó Đại sứ quán Ireland cho biết, phong trào hợp tác xã ở Ireland có một lịch sử đáng tự hào, bắt đầu từ những năm 1880 và trong nhiều thập kỷ qua, hợp tác xã đã đóng một vai trò vô giá trong sự phát triển kinh tế của Ireland. Giống như Việt Nam, Ireland nhận thức được di sản quan trọng này, đồng thời cũng nhận thấy cần cung cấp khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái đổi mới để giúp khu vực hợp tác xã phát triển hơn nữa.
Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các bài tham luận về các chính sách và thể chế quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường sự tham gia của hợp tác xã vào phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hợp tác xã nông sản thực phẩm Ireland và Việt Nam; Cải thiện tính bền vững môi trường và xã hội, nâng cao giá trị cho các hợp tác xã nông sản thực phẩm.
Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao các nội dung được trình bày tại Hội thảo; cho rằng, đây là cơ hội quý để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế hợp tác nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng với sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức, các hợp tác xã sẽ đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-7-31/Hoi-thao-Phat-trien-kinh-te-hop-tac-trong-nong-nghsju13m.aspx