Tin mới y tế ngày 25/7: Dừng lưu thông, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai về 05 trường hợp đang cấp cứu, điều trị do ngộ độc methanol, trong đó 01 trường hợp từ Thái Nguyên và 04 trường hợp từ Hà Nội cùng uống 01 loại rượu.
Dừng lưu thông, truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc
Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 1772/ATTP-NĐTT ngày 24/7/2024 đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên triển khai gấp một số nội dung sau:
Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định (nếu có).
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công thương TP Hà Nội điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn.
Ảnh minh hoạ |
Phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
Hà Nội: Xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập và an toàn thực phẩm
Thanh tra Sở Y tế đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 10 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, 8 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Công ty cổ phần dược phẩm AS Pharma (số nhà 3 xóm Gầu, thôn Tân Phong 3, xã Phong Vân, huyện Ba Vì) bị xử phạt 4 triệu đồng do không niêm yết giá bán buôn tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược.
Nhà thuốc tư nhân 24h (số 140A Ngô Quyền, tổ 14, phường Quang Trung, quận Hà Đông) bị xử phạt 5 triệu đồng và quầy thuốc Ruby Pharmacy (số 7 khu Yên Sơn, thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ) bị xử phạt 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.
4 công ty cùng bị xử phạt mức 15 triệu đồng do không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật. Đó là Công ty TNHH dược phẩm Cali-US (số 44, ngõ 252 phố chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa); Công ty cổ phần Midu MenaQ7 (số 7 phố Sa Đôi, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm); Công ty TNHH thương mại đầu tư 3H Việt Nam (số 181 ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa); Công ty TNHH AC Pharma (số 7 B5 KĐT Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng).
Hộ kinh doanh Hoàng Gia Diamond (tầng 3, 4, lô 76-77 TTC khu nhà ở 319 tổ 10, Hồng Tiến, phường Bồ Đề, quận Long Biên) bị xử phạt 35 triệu đồng và buộc tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo do quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động.
Chi nhánh Hà Nội – Công ty cổ phần dược phẩm Hiệp Bách Niên (số 1 ngõ 192 Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo thuốc mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng trên website của công ty.
Công ty TNHH Y tế sức khoẻ sắc đẹp toàn diện Long Sen (đội 4, thôn Thắng Đầu, xã Hoà Thạch, huyện Quốc Oai) bị xử phạt 106 triệu đồng kèm theo tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề trong 2 tháng; tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động 4 tháng. Lý do là đơn vị cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động; không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật.
Công ty Cổ phần Kids Plaza Việt Nam (số 20 Thái Thịnh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) bị xử phạt 12 triệu đồng do không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan.
6 cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, nước uống đóng chai thuộc diện tự công bố sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật số 6-1: 2010/BYT ngày 02/6/2010 của Bộ Y tế đã bị xử phạt 35 triệu đồng mỗi cơ sở, đình chỉ hoạt động trong 2 tháng kể từ ngày 18/7/2024 kèm theo buộc thu hồi và buộc thay đổi mục đích sử dụng của các sản phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Công ty TNHH dịch vụ Kim Cương (số 3 ngõ 1160 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) sản xuất sản phẩm Nước đá dùng liền Kim Cương (NSX: 12/6/2024; HSD: 02 tháng kể từ ngày sản xuất; quy cách: 5kg/túi) thuộc diện tự công bố sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật số 10:2011/BYT ngày 13/01/2011 của Bộ Y tế – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền; buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm (Nước đá dùng liền Kim Cương (NSX: 12/6/2024; HSD: 02 tháng kể từ ngày sản xuất; quy cách: 5kg/túi) không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, trị giá lô hàng vi phạm đã tiêu thụ: 1.494.000 đồng.
Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính trên 37 triệu đồng; đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất nước đá dùng liền 02 tháng, kể từ ngày 18/7/2024; buộc tiêu hủy 01 túi nước đá dùng liền thuộc lô sản xuất: sản phẩm Nước đá dùng liền Kim Cương (NSX: 12/6/2024; HSD: 02 tháng kể từ ngày sản xuất; quy cách: 5kg/túi) không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bình Phước: Điều tra, xử lý vụ nghi ngộ độc thực phẩm
Ngày 24/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1759/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế tỉnh Bình Phước về việc điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đã nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Pin Yuan Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), trong đó có hơn 60 người mắc và phải nhập viện để điều trị.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Phước khẩn trương chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Trong trường hợp cần thiết, có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị địa phương tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định; tạm đình chỉ hoạt động đơn vị cung cấp bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Nếu phát hiện vi phạm, cần xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai kết quả.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến…
Thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 và Công văn số 3113/BYT-ATTP ngày 07/6/2024 của Bộ Y tế về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-257-dung-luu-thong-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-ruou-nghi-ngo-gay-ngo-doc-d220779.html