Tiếp cận để “bán hàng” phù hợp
Tại Hội nghị thượng đỉnh AI ở Bengaluru (Ấn Độ) diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua, Nagaraj Nagabushanam – Phó Chủ tịch phụ trách Dữ liệu và Phân tích của The Hindu – Tờ báo hàng đầu Ấn Độ đã cho biết về cách tờ báo này sử dụng AI để tăng tương tác và giữ chân độc giả.
Theo đó, The Hindu đang sử dụng AI để giúp tinh chỉnh, phát triển nội dung và dịch vụ nhằm thu hút đối tượng độc giả cụ thể. Một ví dụ về điều này là cách họ cá nhân hóa một số bản tin. Ví dụ, có một bài báo đặc biệt về bầu cử, và một bản tin sẽ được tạo ra xoay quanh bài báo đó để giải thích tại sao bài báo lại quan trọng và tại sao độc giả nên đọc nó.
Ngoài ra, The Hindu cũng đang tìm cách dùng AI để tùy chỉnh nội dung cho từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, họ có một tờ báo kinh doanh có tên là Business Line. Nagabushanam lưu ý rằng họ có khá nhiều độc giả là kế toán viên công chứng, vì vậy nếu cần, họ có thể tạo một bản tin chỉ nhắm vào đối tượng mục tiêu đó.
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho biết, cá nhân hóa nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm ở các cơ quan báo chí. Nó cho phép các tòa soạn cung cấp nội dung có liên quan sâu sắc đến đối tượng bạn đọc của mình, giúp cải thiện mức độ hài lòng và sự trung thành của người đọc. |
“Chúng tôi yêu cầu các kế toán viên công chứng chọn những bài báo họ thích, sau đó chúng tôi nhập dữ liệu đó vào một mô hình. Mô hình này sau đó nêu ra rằng trong số 800 – 900 bài báo lẻ tẻ mà chúng tôi đã xuất bản trong tuần qua, đây là 25 bài báo hấp dẫn nhất đối với các kế toán viên công chứng” – Nagabushanam nói.
Theo Chris Petitt – Giám đốc Marketing của Zephr, một trong những công ty hàng đầu về cổng thanh toán thuê bao kỹ thuật số, cá nhân hóa đang trở thành yếu tố cốt yếu mang lại thành công đối với các tòa soạn.
Theo Hiệp hội truyền thông tin tức quốc tế (INMA), một nghiên cứu gần đây cho thấy 77% gen Z (thế hệ gắn liền với chiếc điện thoại di động) tin rằng điều quan trọng đối với các doanh nghiệp B2C (doanh nghiệp hoạt động bán hàng hướng đến người dùng) là tùy chỉnh tương tác, có thể tùy chỉnh dựa trên sở thích cá nhân. Do đó, nhiệm vụ của các tòa soạn là sử dụng AI để phân tích dữ liệu khổng lồ về hành vi, sở thích, mối quan tâm của độc giả.
Từ cơ sở dữ liệu thu thập được, AI sẽ vào cuộc. “AI có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng đối với hoạt động cá nhân hóa, bằng cách sử dụng thuật toán để phân tích lượng lớn dữ liệu và tự động đưa ra dự đoán về loại nội dung mà một người dùng cụ thể có thể sẽ quan tâm” – Petitt cho hay.
Nhìn từ cách làm của The Hindu, và bàn về chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam, ông Đồng Mạnh Hùng – Trưởng Ban Thư ký biên tập, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Nhà báo VOV cho rằng, xét từ góc độ chuyên môn, chuyển đổi số phải có lộ trình, có chọn lọc, không phải dàn hàng ngang bê tất cả nội dung và hình thức của các sản phẩm báo chí ở các loại hình báo chí đang có “quẳng” lên internet.
Hiện nhiều cơ quan báo chí đưa nguyên văn các sản phẩm báo chí đã xuất bản như ở kênh phát thanh, ấn phẩm báo in, kênh truyền hình… lên nền tảng số và coi đó là nội dung số. Cách làm này chưa phù hợp. Các sản phẩm báo chí nội dung số cần được biên tập, dàn dựng, thậm chí viết lại hoàn toàn cho phù hợp với công chúng số, những người có nhu cầu khai thác thông tin theo nhiều chiều, với nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp với cách tiếp cận thông tin của từng cá nhân.
“Chuyển đổi số đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất nội dung phù hợp với đặc thù kênh truyền thông và nền tảng truyền thông cụ thể. Mỗi cơ quan báo chí, khi chuyển đổi số, trước khi đưa sản phẩm của mình lên nền tảng truyền thông nào thì cần phải hiểu đặc thù công chúng ở kênh đó, từ đó hiểu công chúng mục tiêu của mình, chọn sản phẩm và tìm cách tiếp cận để “bán hàng” cho phù hợp” – nhà báo Đồng Mạnh Hùng nói.
Cá nhân hóa đang là đích đến của nhiều cơ quan báo chí Việt Nam
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho biết, cá nhân hóa nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm ở các cơ quan báo chí. Nó cho phép các tòa soạn cung cấp nội dung có liên quan sâu sắc đến đối tượng bạn đọc của mình, giúp cải thiện mức độ hài lòng và sự trung thành của người đọc.
Là một trong những cái tên sớm nắm bắt xu hướng của công nghệ, VietnamPlus đã chú trọng áp dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin, phân tích, cá nhân hóa dữ liệu người dùng. Đồng thời, thông qua Chatbot tương tác với độc giả, nắm bắt nhu cầu, đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng người dùng mà mình đang phục vụ, giúp họ nhanh chóng nhận được những thông tin mà mình muốn, thay vì phải tiếp cận với một số lượng khổng lồ tin tức thuộc nhiều lĩnh vực, rút ngắn thời gian, công sức trong quá trình tìm kiếm thông tin của độc giả.
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, hiện nay, VietnamPlus thu thập dữ liệu độc giả, thông qua công nghệ của công ty Insider. Nói một cách nôm na, một bạn đọc có sở thích về thể thao và công nghệ sẽ không hài lòng nếu mở trang báo mà thấy ngập tràn các tin tức chính trị hay giải trí, và ngược lại. Do đó, cá nhân hóa đang là đích đến của nhiều cơ quan báo chí, thông qua công nghệ tự động hóa tùy biến trang tin, hay qua newsletter hoặc dịch vụ đẩy tin tức (web-push, mobile-push).
“Nhưng để có thể thành công với chiến lược này, tòa soạn cần phải hiểu độc giả của mình là ai, và đây là lúc dữ liệu sẽ lên tiếng. Những chiến lược cá nhân hóa tiên tiến nhất đòi hỏi dữ liệu từ người dùng” – nhà báo Hoàng Nhật nói.
Cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng AI vào lĩnh vực báo chí, nhà báo Nguyễn Việt Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ, bằng việc ra mắt dự án Báo thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo để đọc tin tức trên trang, Báo Thanh Niên đã thay đổi phương thức tiếp nhận dữ liệu người dùng, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin, vừa tiết kiệm thời gian cho độc giả. Nhờ đó, theo đội ngũ quản trị, số người dùng tính năng báo thông minh tăng lên gần 16.000 tài khoản, lượng tương tác với AI rất cao, có thời điểm đạt đến 15.000 yêu cầu từ người dùng.
Cùng với đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng được nhiều tòa soạn khác tại Việt Nam sử dụng như một trong những nền tảng hỗ trợ trong thời đại chuyển đổi số: dùng người dẫn chương trình ảo cho các bản tin video, bản tin podcast, áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho bạn đọc dựa trên hành vi của chính người dùng… Đây chính là bước chuyển biến mạnh mẽ cho hoạt động của báo chí cách mạng, từng bước chủ động, linh hoạt, thay đổi cách tiếp cận, đem lại hiệu quả cho hoạt động truyền thông.
Hòa Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/ca-nhan-hoa-noi-dung–dich-den-cua-nhieu-co-quan-bao-chi-viet-nam-post305838.html