Chẳng hạn, một bạn đọc gửi câu hỏi cho Báo Thanh Niên: “Nếu em không nộp lệ phí xét tuyển nguyện vọng 1 mà chỉ nộp lệ phí nguyện vọng 2 thì có phải là nguyện vọng 2 vẫn xét nhưng nguyện vọng 1 không xét?”. Một thí sinh khác cho biết: “Khi đăng ký em chọn tới 8 nguyện vọng, nhưng giờ em muốn bỏ bớt do một số ngành em không muốn xét tuyển nữa, vậy em chỉ đóng một nửa có được hay không?”.
Về vấn đề này, tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban phụ trách Ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Phần mềm hiện đang được thiết kế theo phương thức thí sinh đã đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phải nộp đủ bấy nhiêu thì mới có thể hoàn tất việc nộp lệ phí. Nếu đăng ký 8 nguyện vọng mà chỉ chọn nộp 4 nguyện vọng thì hệ thống sẽ không cho các em hoàn tất thanh toán”.
Theo tiến sĩ Dương, nếu hệ thống cho thí sinh đăng ký nhiều nhưng lại chỉ chọn nộp một số nguyện vọng thì sẽ không ổn về mặt dữ liệu.
Điểm chuẩn xét tuyển đại học các ngành ‘hot’ dự báo tăng nhẹ
Trước đó, tại chương trình tư vấn trực tuyến “Lưu ý trước khi kết thúc đăng ký nguyện vọng” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 29.7, đại diện các trường ĐH cũng lưu ý thí sinh cần cân nhắc khi “chốt” nguyện vọng xét tuyển. Theo đó, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng vì sẽ khó kiểm soát đồng thời phải tốn lệ phí.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhấn mạnh: “Theo kỹ thuật thực hiện việc thanh toán lệ phí, hệ thống sẽ tự động tính toán tổng số tiền lệ phí cần thanh toán căn cứ số nguyện vọng thí sinh đã đăng ký, với 20.000 đồng/nguyện vọng. Thí sinh bắt buộc phải thanh toán đủ số lượng nguyện vọng đã đăng ký”.
Cũng theo các chuyên gia, thí sinh đã có gần 2 tuần để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng nên ngay từ giai đoạn đăng ký thí sinh phải cân nhắc để lựa chọn các nguyện vọng phù hợp, sau đó là chịu trách nhiệm với những lựa chọn đó bằng cách thanh toán đầy đủ lệ phí.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nop-le-phi-xet-tuyen-dh-dang-ky-2-nguyen-vong-chi-dong-1-co-duoc-xet-185240801135518423.htm