“Chủ quán cho thanh toán tiền 3 suất nhé. Của tôi là suất 50.000 đồng. Còn 100.000 đồng là suất của 2 người bạn ngồi ở bàn số 6 nhé”, anh Thiên Phong, vị khách đến từ TPHCM nói sau khi kết thúc bữa ăn.
Tuy nhiên thấy chủ quán chỉ thu tiền suất ăn của mình, anh Phong rất ngạc nhiên. Tưởng có sự nhầm lẫn, anh hỏi lại thì được giải thích đây là quy định riêng của quán, đã áp dụng khoảng 20 năm nay.
“Tới Buôn Hồ công tác, được bạn bè giới thiệu quán bò né ngon có tiếng nên tôi ghé vào ăn thử. Nhưng đây là lần đầu tôi thấy quán quy định lạ như vậy”, vị khách 36 tuổi cho biết.
Không riêng gì anh Phong, những khách tới đây ăn lần đầu đều bất ngờ với những tấm biển được dán trên tường với nội dung “Quán chúng tôi không thu tiền mời khi khách gặp người quen ăn cùng. Xin chân thành cảm ơn!”.
Quy định này cũng thu hút nhiều quan điểm trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ cho rằng “tốt nhất khi ăn nên sòng phẳng, tiền ai nấy trả”, cũng có nhận định đây là “quy định có phần cứng nhắc”.
“Khi đi ăn, nếu gặp người quen tôi vẫn sẵn lòng chi trả thêm tiền phần ăn của họ như một cách mời lịch sự. Tiền bữa ăn cũng không đáng gì, tình cảm mới là trân quý”, tài khoản có tên Tuấn Trần lên tiếng.
Trong khi đó, cũng có người cho rằng, có thể chủ quán không muốn chứng kiến cảnh các vị khách tranh nhau trả tiền lúc thanh toán. Nếu nhận tiền người này có thể khiến người khác “mất lòng”. Bởi vậy, để mọi người cùng thoải mái thì suất ăn của ai người đó sẽ tự trả.
Theo tìm hiểu, đây là quy định riêng của quán chuyên phục vụ món bò né nằm ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị H., chủ quán cho rằng, có thể quy định này khiến nhiều người thấy lạ lẫm, nhưng quán đã áp dụng từ lâu và được nhiều khách ở địa phương ủng hộ.
Chị H. cho biết, quán bò né vốn do mẹ chị mở ra từ những năm 90. Thời điểm đó, Buôn Hồ chưa có nhiều hàng quán nên người dân tới ủng hộ cũng khá đông. Người dân địa phương vốn tính thuần hậu, dân dã nên chuyện mời nhau một bữa ăn cũng là điều bình thường.
Tới giữa những năm 2000, chị H. bắt đầu tiếp quản quán của mẹ. Tuy nhiên có một vụ việc khiến chị nhớ mãi và quyết định phải thay đổi.
Đó là lần có hai vị khách tới ăn. Sau đó, một người đứng dậy trước, trả tiền thay người kia. Thời điểm đó, giá một suất bò né là 25.000 đồng/phần. Chị H. vẫn vui vẻ thu tiền do không biết mối quan hệ của họ là gì.
Khi người còn lại đứng dậy ra thanh toán, vị khách biết được người kia trả tiền giúp thì “giận ngược” chủ quán. Chị bị khách trách móc tại sao lấy tiền mà không hỏi trước ý kiến.
“Chị lấy của người ta 25.000 đồng rồi, tức là tôi đang mắc nợ người ta số tiền đó”, vị khách trách móc.
Lời trách cứ của khách khiến chị H. phải suy nghĩ mãi. Sau đó, lại một vụ việc tương tự xảy ra khiến chị H. quyết định thay đổi.
Đó là lần một vị khách là giám đốc một công ty ở địa phương vào ăn. Người này ăn xong mới biết được nhân viên thanh toán giúp tiền. Điều này khiến ông không vui.
“Vị khách cũng lịch sự góp ý với tôi rằng không nên làm như vậy. Nhân viên của ông lương ba cọc ba đồng trong khi ông dư dả hơn họ. Do thường xuyên tới quán ăn nên ông không muốn chuyện tương tự xảy ra nữa”, chị H. nhớ lại.
Sau lần đó, chị quyết định đặt tấm biển quy định ở các bàn ăn trong quán. Kể từ đó, quán không gặp những phiền toái do khách tranh nhau trả tiền giúp nhau nữa.
Được biết, quán chỉ bán từ sáng tới khoảng 12h mỗi ngày. Giá các suất ăn dao động từ 30.000 đồng tới 50.000 đồng. Riêng suất đặc biệt là 100.000 đồng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/quan-an-dak-lak-quy-dinh-la-tranh-tranh-nhau-tra-tien-khi-gap-nguoi-quen-20240801112005770.htm