(MPI) – Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thành viên Thường trực Tiểu ban Kinh tế – Xã hội, ngày 30/7/2024, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã làm việc tại Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Ngoại giao; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện của một số bộ, ngành; các đồng chí chuyên gia cao cấp và thành viên trong Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội.
Về phía các địa phương trong Vùng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bí thư tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai; Yên Bái; Điện Biên; Bắc Giang; Hòa Bình. Tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai; Cao Bằng; Bắc Giang; Phú Thọ; Hà Giang; Yên Bái; Tuyên Quang; Lạng Sơn; Bắc Kạn; cùng lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND các địa phương trong vùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, để phục vụ xây dựng Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2026-2030 trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế – Xã hội đã ban hành kế hoạch hoạt động, làm việc thực tế tại các địa phương đại diện cho các vùng, miền. Việc đi thực tế tại địa phương được tổ chức đồng thời với quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo Kinh tế – Xã hội sau khi Đề cương Báo cáo được Hội nghị Trung ương 9 thông qua để bảo đảm Báo cáo có được đầy đủ cơ sở thực tiễn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế – xã hội, Tổ Biên tập đã có công văn số 19/CV-TBT ngày 01/7/2024 gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chuẩn bị báo cáo phục vụ buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế – Xã hội tại các vùng.
Tại buổi làm việc, đại biểu đã tập trung đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn tỉnh và vùng; Những nút thắt, bất cập về thể chế, các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; Nêu các mô hình, cách làm tốt, sáng tạo của địa phương, vùng; đề xuấ các kiến nghị đối với Báo cáo Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2026-2030 của cả nước.
Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn còn tồn tại cần giải quyết, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính; nguyên nhân khách quan và chủ quan và bài học kinh nghiệm. Bối cảnh, tình hình thời gian tới và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những giải pháp đột phá, sáng tạo để phát triển địa phương, vùng và cả nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên tinh thần phải có tư duy phát triển mới, đột phá, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội để vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu Chiến lược là nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả, vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, liên kết vùng còn yếu, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.
Tại buổi làm việc, các địa phương cũng đưa ra các kiến nghị để thúc đẩy phát triển vùng, đầu tư các dự án giao thông liên kết nội vùng, liên kết vùng; quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm các dự án giao thông kết nối liên vùng trung du và miền núi phía Bắc; có chính sách đầu tư phát triển mạnh hệ thống hạ tầng giao thông, trước hết là kết nối dọc, để đến năm 2030 không có tỉnh nào không có cao tốc đi qua, đồng thời tăng tính liên kết ngang; có chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực cho vùng; quan tâm, có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư đối với các địa phương trong vùng để có thể khai thác tốt vị thế của tỉnh, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các ý kiến phát biểu; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, tổ chức các đoàn khảo sát chuyên đề tại các địa phương đồng thời mong các địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIV.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Vùng là địa bàn có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường của cả nước. Trong thời gian gần đây, Vùng đang phải đối mặt những nguy cơ thiệt hại lớn do thiên tai; cải cách thể chế, chưa đáp ứng kịp thời, chưa thông thoáng; phân cấp, phân quyền chưa hiệu quả; chưa đủ hành lang pháp lý khi được phân cấp; một điểm nghẽn lớn nữa là nguồn nhân lực có chất lượng. Do vậy, cần chú trọng đến công tác đào tạo nghề, bảo đảm phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường; cần đặc biệt quan tâm đến cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc.
Cùng với đó, phải thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh mạnh hơn nữa, thực chất hơn nữa, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước làm cơ sở cho sự liên kết này; cần rà soát, đánh giá lại việc phân bổ chỉ tiêu phát triển cho địa phương một cách hợp lý, tránh áp đặt như chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu về phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch; cần có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giữ được rừng, người làm rừng sống được từ rừng và giàu lên rừng; phải phát triển mạnh du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-7-31/Tieu-ban-Kinh-te–Xa-hoi-lam-viec-voi-cac-tinh-Vun6wxjfm.aspx