Kỹ thuật phục hồi cây lúa bị ngập nước
Tại tỉnh Ninh Bình mưa lớn kéo dài từ ngày 13-22/7, khiến gần 6.200 ha lúa mùa vừa cấy bị ngập sâu dưới nước. Ngoài ra, thêm đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 càng làm gia tăng tình trạng ngập úng, nhiều diện tích lúa không có khả năng phục hồi phải cấy lại.
Để tập trung khắc phục kịp thời ảnh hưởng do mưa lớn gây ra, đảm bảo tiếp tục hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ mùa 2024, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất.
Cụ thể, đối với cây lúa, những diện tích chưa cấy thì tiến hành rút nước, tập trung làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu gieo cấy xong trong tháng 7/2024.
Riêng diện tích lúa bị ngập có khả năng phục hồi sau khi nước rút tiến hành vệ sinh đồng ruộng, sử dụng mạ thừa, mạ dự phòng dặm tỉa bổ sung đảm bảo mật độ. Bà con nông dân tuyệt đối không bón ngay phân đạm hoặc các loại phân bón có hàm lượng đạm.
Sau 2-3 ngày bón bổ sung 5-7 kg super lân/sào để kích thích sự phát triển của bộ rễ, giúp cây nhanh hồi phục, khi cây ra lá mới bón bổ sung 2-3 kg phân đạm Ure/sào. Cũng như theo dõi chặt chẽ và phòng trừ kịp thời ốc bươu vàng, chuột hại…
Đối với những diện tích lúa mới gieo bị dồn, trôi mộng mạ hoặc những diện tích lúa mới cấy bị ngập úng không có khả năng phục hồi, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các giống ngắn ngày như: Khang dân 18, Bắc thơm số 7, QR1… để gieo cấy lại.
Do điều kiện dự kiến thời tiết tiếp tục có mưa, các địa phương hạn chế sử dụng phương thức gieo thẳng, chú trọng sử dụng phương thức gieo mạ nền để cấy, phấn đấu gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch.
Đối với những diện tích lúa mùa sớm ít chịu ảnh hưởng ngập úng, nông dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chăm bón để cây lúa đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Nước rút đến đâu cấy lúa đến đó
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình), những ngày qua, hơn 200 máy bơm ở tất cả các trạm bơm đều đã hoạt động hết công suất, nhiều công trình, cống dưới đê cũng đã được vận hành.
Bên cạnh đó, với điều kiện khó khăn, nhiều Hợp tác xã, bà con nông dân đã phải dùng thêm các trạm bơm dã chiến, các máy bơm điện, bơm dầu để cứu lúa. Qua đó, tính đến ngày 25/7, toàn tỉnh Ninh Bình đã cơ bản tiêu úng cho gần hết các diện tích bị ngập.
Sáng 28/7, trao đổi với Dân Việt ông Vũ Văn Tấn-Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết: “Mưa lớn những ngày qua khiến hơn 2.500 ha lúa mùa mùa trên địa bàn huyện bị ngập, số diện tích lúa cứu được khoảng 25%.
Đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang tích cực cứu cây lúa. Hiện nước trên cánh đồng rút đến đâu, chúng tôi hướng dẫn người dân gieo cấy bổ sung lại để kịp vụ mùa”.
Còn ông Nguyễn Duy Khương-Giám đốc Hợp tác Bạch Cừ thông tin: Hầu hết các cánh đồng của Hợp tác xã thuộc vùng sâu trũng, thường xuyên xảy ra ngập úng. Vụ mùa này, Hợp tác xã gieo cấy gần 200 ha lúa, nhưng chỉ cứu được 20 ha, còn lại mất trắng.
Tranh thủ có nắng nhẹ, bà Phạm Thị Mùi (thôn Đông Phú, Hợp tác xã Bạch Cừ) ra kiểm tra những diện tích lúa mới gieo của gia đình. Bà Mùi cho biết: “3 sào lúa ở khu đồng cao còn cứu được chứ 1 mẫu ở khu đồng trũng thì ngập sâu”.
Bà Mùi nhận định diện tích lúa gia đình bị ngập sâu khả năng hồi phục là không thể, cây nào cây đấy gẫy dập, rễ thì không phát triển được nữa.
Dự báo thời gian tới, miền Bắc khả năng sẽ đón thêm những đợt mưa to diện rộng vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Bởi vậy, đòi hỏi ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động, sẵn sàng các biện pháp ứng phó với những diễn biến xấu do thời tiết và các sinh vật hại gây ra.
Nguồn: https://danviet.vn/ninh-binh-nuoc-rut-nong-dan-khan-truong-hoi-suc-lua-mua-da-thay-dong-xanh-20240728103813893.htm