Trước khi là nhà cách mạng chuyên nghiệp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đã được Bộ Chính trị cử làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – tạp chí lý luận chính trị hàng đầu của Đảng ta. Sau này, rời Tạp chí Cộng sản, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo của Đảng, sau đó đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng khác, trong đó có hai nhiệm kỳ là Chủ tịch Quốc hội và gần ba nhiệm kỳ là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đồng chí vẫn tự coi mình là “nhà báo”, thấu hiểu và sẻ chia sâu sắc một nghề nhọc nhằn và gian nan nhưng rất đỗi vẻ vang “là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng”. Chính vì vậy, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Đồng chí luôn quan tâm tạo thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp trước các sự kiện quan trọng lớn về đối nội và đối ngoại; đồng thời còn trực tiếp tham gia viết bài cho một số báo, tạp chí với những bút danh khác nhau. Ngoài những chuyến thăm và làm việc với một số cơ quan báo chí chủ lực, đồng chí Tổng Bí thư vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn cho nhiều báo của các ban, bộ, ngành, hoặc gửi thư chúc mừng và gợi mở định hướng hoạt động của báo vào dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn. Riêng đối với Báo Nhân Dân, tờ báo Đảng lớn nhất đất nước, cán bộ, phóng viên, biên tập viên vinh dự nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư.
Tôi còn nhớ mãi, đầu năm 1997, theo quyết định của Bộ Chính trị cho phép Báo Nhân Dân tăng từ 4 trang lên 8 trang, đồng chí luôn theo dõi, cổ vũ, biểu dương những cố gắng dù nhỏ của tập thể báo Đảng. Lúc đó, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều buổi làm việc với tập thể Ban Biên tập, gợi mở cách thức cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng Báo hằng ngày cũng như Báo Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, Nhân Dân điện tử; đồng thời cho phép bổ sung, kiện toàn nhân sự Ban biên tập. Ngày 21/6/1998, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, Nhà nước đã trực tiếp bấm nút hòa mạng internet báo điện tử tiếng Việt.
Riêng tôi, với cương vị là Tổng Biên tập thời kỳ đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn có những buổi làm việc riêng, cho ý kiến cụ thể về mở rộng quan hệ đối ngoại với Báo Paxaxon, cơ quan Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Báo Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Báo Pravda của Đảng Cộng sản Liên bang Nga; Báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba, v.v.. và lưu ý kiện toàn các cơ quan thường trú nước ngoài tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp) và Bangkok (Thái Lan).
Nhiều cán bộ, phóng viên của các báo, đài đều có chung cảm nhận như tôi rằng, gặp và làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều trong không khí chân tình, cởi mở, tin cậy, mỗi người có thể thoải mái trình bày những đề xuất, kiến nghị của mình; đặc biệt có trường hợp một tờ báo nào đó mắc thiếu sót, khuyết điểm, đều được Đồng chí nhắc nhở với lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thấm thía và dễ tiếp thu.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc đối với tôi khi làm nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, đó là lúc được cử tham gia biên soạn Bản tiếp thu giải trình của Bộ Chính trị trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Đồng chí Tổng Bí thư lúc đó nhắc tôi đưa bản dự thảo này để đồng chí Nguyễn Phú Trọng xem và sửa trước. Tôi xúc động khi thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ sau vài giờ, đã chủ động tìm tôi đưa bài đã sửa và thân tình dặn rằng “nếu thấy câu nào, từ nào sửa chưa ổn thì Hồng Vinh cứ mạnh dạn trao đổi nhé”.
Cách đây gần một tháng, khi Báo Nhân Dân điện tử đăng bài “Sức hút của một cuốn sách” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói về chống tham nhũng, tiêu cực, vì bản in ra hơi mờ nên Tổng Bí thư yêu cầu Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc đọc toàn văn, sau đó nhắc Chánh Văn phòng chuyển lời cảm ơn tác giả Hồng Vinh và Báo Nhân Dân.
Cho đến nay, giới báo chí cả nước vẫn nhớ mãi kỷ niệm về bài phát biểu chỉ đạo có tầm tư duy chiến lược và hàm lượng tri thức cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 9/8/2015. Những đánh giá khách quan và công tâm về thành tựu cũng như hạn chế của hoạt động ở các cơ quan báo chí và người làm báo, đến nay nhìn nhận lại, anh chị em đều thấy tư tưởng chỉ đạo đó vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Đồng chí khẳng định: “90 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội”. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận; đồng thời là công cụ tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bên cạnh những thành tựu, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: Hoạt động báo chí cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm; còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích; còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức; tuyên truyền thiếu hấp dẫn, chưa làm chủ được thông tin…
Trong phần kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình”. Tổng Bí thư mong muốn anh chị em làm báo “cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí; Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”.
Trước đó vào năm 2010, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao Huân chương Sao vàng cho giới báo chí cả nước ta.
Kính thưa vong linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
Những người làm báo cách mạng Việt Nam luôn ghi tạc và biết ơn những lời căn dặn chí tình, chí nghĩa của Đồng chí và nguyện cùng nhau đoàn kết, phấn đấu thực hiện có hiệu quả yêu cầu xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ và nhân văn trong giai đoạn mới, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng chí Tổng Bí thư.
Xin kính cẩn vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!./.
Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2024
PGS. TS. NGUYỄN HỒNG VINH-
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Nguồn: https://www.congluan.vn/vinh-biet-nha-lanh-dao-mau-muc-nguoi-thuong-xuyen-quan-tam-chi-dao-hoat-dong-bao-chi-post304230.html