Bà Phan Thị Thắng – thứ trưởng Bộ Công Thương – thông tin như trên tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ, diễn ra ngày 31-7.
Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức, thu hút hơn 300 đại biểu của 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh), đại diện bộ ngành, doanh nghiệp.
Logistics là xương sống
Theo bà Thắng, để tạo ra bước chuyển biến mới, vùng Đông Nam Bộ cần phải có hàng loạt giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ; liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm; liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu; đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống logistics, kho bãi.
“Hội nghị lần này sẽ nhìn nhận lại những điều đã đạt được hoặc chưa được, từ đó bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng. Trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng, xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu”, bà Thắng chia sẻ.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng hạ tầng giao thông mạnh đang là điểm nghẽn lớn ảnh hưởng đến liên kết vùng, thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Phương, TP.HCM đã lên kế hoạch đẩy mạnh vấn đề này, trong đó sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha. Dù kế hoạch này đang gặp vướng mắc nhưng TP quyết tâm tháo gỡ. Ngoài ra để “chia lửa” với trung tâm triển lãm tại quận 7 đang quá tải, TP đang tính toán sớm xây dựng thêm những trung tâm triển lãm tầm cỡ tại TP Thủ Đức, quận 12…
Góc độ doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết cơ sở hạ tầng, logistics còn hạn chế, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lưu trữ, vận tải ngành thực phẩm. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có đầu tư lớn, chính sách phát triển lĩnh vực này cho Đông Nam Bộ.
“Những kho lớn, kho lạnh rất cần thiết cho sản xuất nói chung và ngành thực phẩm nói riêng, nhưng do vốn đầu tư vào đây rất lớn nên mình doanh nghiệp không đủ khả năng. Vì vậy ngành công thương cần phải đồng hành, cần xem đây là vấn đề chiến lược trong phát triển vùng. Logistics là xương sống cho cả vùng”, bà Chi nêu quan điểm.
Thế mạnh có nhưng điểm nghẽn cũng khá nhiều
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá vùng Đông Nam Bộ tiếp giáp với các vùng khác nên có tiềm năng lớn.
Cụ thể có tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng (Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM…); phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á…
Tuy vậy, theo nhiều đơn vị, Đông Nam Bộ cần ban hành thêm cơ chế phù hợp để mở rộng đầu tư ở các tỉnh thành, trong đó quan trọng nhất là vốn và xúc tiến, liên kết khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cụ thể TP.HCM đi vào kích cầu hỗ trợ vốn, nhưng nếu doanh nghiệp đi khỏi TP thì không được hỗ trợ vốn này.
“Vùng nguyên liệu ở Đông Nam Bộ, nên muốn buôn bán tốt thì bắt buộc phải đầu tư ở đây. Nhưng ngoài TP thì không được hưởng ưu đãi về vốn vay, trong khi đầu tư cho kho bãi, kho lạnh là thu về rất chậm. Nếu không có sự hỗ trợ thì rất khó cho doanh nghiệp”, bà Lý Kim Chi nói.
Trong khi đó, bà Phan Thị Khánh Duyên, phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, cho biết dù phát triển mạnh nhưng hầu hết các sản phẩm vùng Đông Nam Bộ là sản phẩm thô, chưa có thương hiệu. Cụ thể, Đông Nam Bộ chiếm khoảng 65% lượng sản xuất đối với da giày, may mặc cả nước nhưng chủ yếu chỉ gia công. Tương tự, sản phẩm đồ gỗ cũng chiếm lượng lớn những cũng chủ yếu gia công.
Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng vùng có lượng khu công nghiệp – chế xuất rất lớn, trong đó Đồng Nai định hướng đến năm 2030 sẽ đưa vào hoạt động 48 khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết khu công nghiệp trong vùng hiện gần như không có, không hiệu quả.
“Các tỉnh thành cần tăng cường liên kết ngang để tận dụng lợi thế nhân lực, vốn, nhà đầu tư… Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có hướng dẫn mô hình liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp trong 1 tỉnh, 1 vùng”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, theo đuổi chiến lược xuất khẩu “xanh” bền vững, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh” trong thương mại quốc tế… cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ đang gặp khó, cần sự hỗ trợ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng Đông Nam Bộ năm 2023 đạt 220,5 tỉ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỉ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-dang-tinh-toan-xay-dung-them-nhung-trung-tam-trien-lam-tam-co-20240731163010651.htm