Phối cảnh 3D cầu Km42 + 825 trong thiết kế dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng |
Autodesk ASEAN Innovation Awards 2024 (AAIA 2024) là cuộc thi uy tín hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và các giải pháp kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng (AEC). Cuộc thi được tổ chức hàng năm bởi Autodesk – Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Mỹ chuyên sản xuất phần mềm thông minh cho các ngành công nghiệp kiến trúc, kỹ thuật, xây dựng, sản xuất, dây chuyền công nghiệp, đồ họa đa phương tiện…
Cuộc thi AAIA 2024 nhằm công nhận và vinh danh các đơn vị xuất sắc nhất khu vực trong việc ứng dụng công nghệ của Autodesk vào các ngành nghề hướng tới mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức và nâng cao hiệu suất công việc… Quy trình đánh giá được xét duyệt bởi một hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia trong ngành, viện sĩ và các lãnh đạo cấp cao của Autodesk.
Theo công bố ngày 29/7 của đơn vị tổ chức, để đoạt Giải Nhất hạng mục “Doanh nghiệp sáng tạo của năm”, tác phẩm thiết kế dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng của Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đại Phong đã xuất sắc vượt qua 150 bài dự thi khác đến từ các đơn vị thuộc 6 quốc gia là Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippine, trong đó có các đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực này.
Cụ thể, bài dự thi ứng dụng BIM trong thiết kế dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng được Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đại Phong thực hiện với vai trò đơn vị tham gia tư vấn lập đề xuất dự án. Đây là dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 60km nằm trên địa phận tỉnh Lạng Sơn, nối liền cửa khẩu Hữu Nghị với tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Dự án được đầu tư theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng, thực hiện bởi Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Xây dựng Đèo Cả – Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả – Công ty CP Xây dựng công trình 568 – Công ty cổ phần Lizen do Đèo Cả đứng đầu trúng thầu theo Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 11/4/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động đầu tư kinh phí để tiên phong ứng dụng công nghệ số vào thiết kế, thi công và quản lý dự án.
Tại dự án này, đơn vị Tư vấn Thiết kế Xây dựng Đại Phong ứng dụng công nghệ số, trong đó trọng tâm ứng dụng BIM trong bước thiết kế kỹ thuật thi công nhằm giúp kiểm soát việc giải phóng mặt bằng của địa phương, quản lý tiến độ và chất lượng thi công của nhà thầu, tối ưu hóa thiết kế, chi phí thực hiện dự án và đặc biệt giúp doanh nghiệp dự án lập kế hoạch với tổng thầu thi công và đánh giá trách nhiệm các đơn vị tư vấn, phòng ngừa rủi ro trong quá trình thanh quyết toán công trình.
Phối hợp mô hình qua môi trường dữ liệu chung (CDE) trong thiết kế dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng. |
Ông Mai Mạnh Hồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng Đại Phong cho biết, việc ứng dụng công nghệ số, tích hợp các công nghệ tiên tiến đã được Tập đoàn Đèo Cả chú trọng đưa vào các dự án thực hiện từ hơn 5 năm trước đây, hướng đến quản lý các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn để nâng cao hiệu quả quản lý thiết kế, kiểm soát tổng mức đầu tư, giảm thiểu lỗi và sai lệch thiết kế, tiết kiệm chi phí và cải thiện chất lượng công trình…
Ông Mai Mạnh Hồng chia sẻ, khác với cách làm thông thường xây dựng BIM từ bản vẽ thiết kế 2D, vẫn tồn tại những sai sót dẫn đến rủi ro trong thi công, vận hành dự án, cần phải tìm giải pháp xử lý, tốn kém thời gian, kinh phí. Tư vấn Đại Phong tiên phong đổi mới phương án thiết kế bằng chính mô hình BIM trước khi xuất ra bản vẽ thiết kế 2D để đảm bảo độ chính xác cao, khắc phục những hạn chế trước đó, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.
Lễ vinh danh các đơn vị đoạt giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày 26/8 tới đây tại Kuala Lumpur (Malaysia) – quy tụ hơn 200 thương hiệu và các giải pháp bao gồm hệ thống robot, vật liệu xây dựng, quản lý năng lượng, cảm biến IoT và kỹ thuật số hóa từ hơn 20 quốc gia khác nhau, đồng thời có sự góp mặt của hơn 10.000 công ty đến từ khắp nơi trên thế giới…/.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/doanh-nghiep-viet-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-cua-dong-nam-a-ve-ung-dung-bim-673846.html