Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung sinh năm 1933 ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Cô có 11 anh chị em. Ba của cô vốn là thợ bạc giỏi có tiếng, có một tiệm làm nữ trang và bán tơ lụa tại chợ Cao Lãnh. Đồng thời, ông cũng là một chiến sĩ cách mạng.
Nữ chiến sĩ cảm tử quân
Năm 1946, giặc Pháp quay trở lại. Năm đó Kim Dung vừa 13 tuổi. Cô theo gia đình và bà con tản cư vô Đồng Tháp Mười. Rời chợ Cao Lãnh, chiếc ghe chở cả gia đình Dung hướng về phía Ba Sao – Đồng Tháp Mười. Ở Đồng Tháp Mười vài tháng, Dung được gửi lên Sài Gòn đi học. Năm 1948, cô vô Chiến khu Láng Le – Bầu Cò gia nhập Ban Công tác số 10. Ở đây, cô chính thức được bổ sung vào Trung đội nữ Minh Khai – trung đội nữ cảm tử duy nhất của nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn.
Cuối tháng 3-1948, Dung cùng Trung đội Minh Khai trở về nội thành làm nhiệm vụ chiến đấu trong lòng địch. Tại đây, ngày 10-6-1948, Nguyễn Thị Kim Dung vinh dự được trở thành 1 trong 4 cảm tử quân tham gia trận tập kích rạp Majestic. Tổn thất quá lớn sau trận đánh Majestic khiến địch quyết tâm bắt cho bằng được những người tham gia. Mấy ngày sau đó, 12-8-1948, Dung bị chỉ điểm, bị bắt và bị tra tấn dã man tại bót Catina. Tháng 4-1949, tòa xét xử lần thứ nhất, Dung bị kêu án 10 năm tù. Ra tòa lần thứ hai, cô bị lãnh án tử hình. Năm đó Dung vừa 16 tuổi.
Trong khi cô bị biệt giam trong xà lim tử tù thì bên ngoài đồng bào đấu tranh dữ dội, tiếng vang làm chấn động Điện Élysée, Kim Dung được đích thân tổng thống Pháp ký lệnh hủy bản án tử hình, thay vào án tù 20 năm. Đầu năm 1950, từ khám Lớn Sài Gòn, Kim Dung bị chuyển sang trại giam Chí Hòa.
Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký, Kim Dung được trao trả tù binh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. 21 năm ở miền Bắc, một thân một mình, cô nỗ lực thích nghi với môi trường mới, chứng minh sự trung kiên của bản thân, vượt lên mọi nghịch cảnh, vừa học tập vươn lên, trở thành một người trí thức, một cán bộ khoa học, một giảng viên huyền thoại của ngành dược.
Người giáo viên huyền thoại
Năm 1975, trở lại Sài Gòn, cô tiếp tục công tác tại Vụ Dược chính. Đến năm 1977, cô về giảng dạy tại Trường ĐH Y Dược TP HCM. Ngoài công việc giảng dạy chuyên môn, cô còn là Đảng ủy viên của Đảng ủy Khoa Dược; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thành phố.
Đó là những năm TP HCM rơi vào bao cấp, kinh tế vô cùng khó khăn. Là người phụ trách Công đoàn, cô còn chăm lo cải thiện đời sống cho giáo viên bằng nhiều sáng kiến kiểu “Cái khó ló cái khôn”. Cô vận động từng bao mạt cưa làm chất đốt, từng bao quần áo cũ, từng ký thịt bồi dưỡng cho giáo viên…
Giọng cô run run vì tuổi cao sức yếu nhưng trong đôi mắt vẫn ánh lên niềm tự hào, viên mãn: “Trong chiến tranh, tôi may mắn được cách mạng tin tưởng, giao cho nhiệm vụ trong trận Majestic. Tôi không ngờ thời cơ ấy đã gắn tên tuổi tôi vào một chiến công được lịch sử và được nhân dân ghi nhận. Trong thời bình, 13 năm đứng trên bục giảng, tôi cũng có chút tự hào vì đã góp phần đào tạo, bổ sung cho đất nước đội ngũ nhân sự ngành dược, trong đó không ít người thành đạt, là anh hùng lao động…”.
Đại tá Mạc Phương Minh, nguyên cán bộ quản lý xưởng dược QK9, là học sinh lớp chuyên tu dược khóa 1 (1977 – 1980), lớp đào tạo dược sĩ đại học đầu tiên dành cho sinh viên là những dược sĩ trung học được đào tạo từ chiến khu. Nói về người cô đáng kính, đại tá Phương Minh bộc bạch: “Cô giáo Kim Dung là chủ nhiệm bộ môn và trực tiếp giảng dạy chúng tôi môn Dược chính. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là cô rất đẹp, đôi mắt và nụ cười thật cuốn hút. Cô có phong thái nhẹ nhàng, ân cần và vui vẻ. Tiết học của cô bao giờ cũng khiến chúng tôi thấy thích thú và hứng khởi. Hơn nữa cô chính là một trong 4 cô gái cảm tử đánh trận Majestic năm 1948, tôi quá sửng sốt và khâm phục”…
Học trò của cô ở lớp chuyên tu dược 1 hồi ấy, sau này tất cả đều thành đạt. Hầu hết đều trở thành những cán bộ cốt cán của ngành dược các tỉnh Tây Nam Bộ và TP HCM. Chị Trần Thị Minh Hiệp, nguyên Phó Ban Tổ chức cán bộ Khoa Dược – ĐH Y Dược, vốn là sinh viên lứa đầu tiên của cô Kim Dung thuộc lớp chuyên tu khóa 1. Mãn khóa học, chị được giữ lại trường làm công tác quản lý sinh viên. Sau đó về phòng tổ chức cán bộ. Chị cho biết khi tình cờ đọc báo, biết cô Kim Dung là chiến sĩ của Tiểu đoàn quyết tử 950 và ở tù chung phòng với chị Võ Thị Sáu, không chỉ khâm phục, với lớp lớp học trò cô mãi là một huyền thoại…
Mặc dù đã về hưu nhưng mỗi năm cô Kim Dung đều được nhà trường mời về trao đổi kinh nghiệm và nói chuyện truyền cảm hứng cho sinh viên cho tới năm 90 tuổi, đi lại khó khăn, cô mới thôi. “Cô Dung là một người rất tâm huyết với công việc và với sự nghiệp giáo dục; thân thiện, gần gũi với học trò. Tuy đã về hưu nhưng cô vẫn gắn bó với nhà trường, với sinh viên, bằng việc thường xuyên quay về trường nói chuyện, truyền lửa cho đồng nghiệp và sinh viên các thế hệ sau này” – chị Minh Hiệp chia sẻ.
Nguồn: https://nld.com.vn/nguoi-thay-kinh-yeu-nguoi-giao-vien-qua-cam-196240730201637821.htm