Sau đại dịch COVID-19, du lịch sinh thái cộng đồng đã, đang trở thành xu hướng trong các hành trình du lịch xanh, hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Với người dân bản địa, nếu biết cách tính toán, tận dụng cảnh quan thiên nhiên và nguồn vốn văn hóa đặc sắc thì du lịch cộng đồng chính là sinh kế bền vững để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần một cách hiệu quả.
Người dân xã Thạch Lâm (Thạch Thành) thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc, du lịch cộng đồng đang được phát triển trở thành một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Đây là một loại hình du lịch còn khá “trẻ”, song với tiềm năng và khả năng khai thác du lịch cộng đồng đã, đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa, thu hút sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế, nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng.
Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành tỉnh Vũ Văn Bình cho rằng: Về lâu dài việc khai thác phát triển du lịch khó tránh khỏi những tác động đến tài nguyên thiên nhiên hay đời sống văn hóa cộng đồng. Chính vì vậy, làm thế nào để đồng bào khu vực miền núi phía Tây của tỉnh vừa có thể tham gia làm du lịch, vừa bảo tồn được văn hóa đặc sắc của địa phương,… tránh việc mất đi bản sắc riêng cũng như tạo ra sản phẩm trùng lặp với các điểm đến ở một số tỉnh như: Hòa Bình, Lai Châu, Sa Pa, Hà Giang… Có làm được như vậy mới có thể tạo nên nét riêng và thu hút khách từ các thị trường trọng điểm mà tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới.
Có thể nói, sự đi trước của một số khu, điểm du lịch cộng đồng của các địa phương lân cận đã cho xứ Thanh những bài học quý trong hoạt động du lịch. Chính vì vậy, quan điểm của nhiều địa phương là cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa đó là bảo vệ giá trị cảnh quan môi trường tự nhiên, kiên quyết không bê tông hóa các khu, điểm du lịch cộng đồng.
Ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Việc đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện được thực hiện trên cơ sở quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quan điểm của huyện là tuyệt đối không đầu tư xây dựng theo hướng bê tông hóa, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Đồng thời, quá trình phát triển du lịch cộng đồng phải được định hướng và quản lý theo phương châm: Kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai, nhằm bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Trong thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi các lễ hội truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và đan lát, góp phần xây dựng điểm đến giàu bản sắc.
Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, theo một số chuyên gia du lịch, mỗi địa phương cần có quy hoạch cụ thể, xác định rõ sản phẩm đặc trưng để làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt,… nhằm định hướng các giá trị cốt lõi cho cộng đồng, địa phương trong việc giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị ấy. Về phía các nhà đầu tư cần phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng bản sắc văn hóa và cộng đồng dân cư, phát triển du lịch dựa trên lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp – cộng đồng.
Cùng với công tác đào tạo, lãnh đạo khu nghỉ dưỡng Pù Luông Jungle Lodge (Bá Thước) thường xuyên trao đổi, nắm bắt nguyện vọng của đội ngũ lao động địa phương.
Xác định phát triển du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân, Cẩm Thủy,… đặc biệt chú trọng việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có tiềm lực, tránh tình trạng giao dự án cho nhà đầu tư không đủ năng lực dẫn đến phá vỡ quy hoạch, lãng phí tài nguyên. Cùng với xác định phát triển du lịch cộng đồng là một trong những chương trình kinh tế – xã hội trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng hành cùng các địa phương, những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực cho một số huyện miền núi có khu, điểm du lịch cộng đồng. Trong đó tập trung đào tạo theo hướng bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Thị Hải Yến cho biết: Cùng với đẩy mạnh phát triển mạnh sản phẩm du lịch biển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Quan Hóa, Bá Thước), Xuân Liên (Thường Xuân), Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh, Như Xuân), thác Ma Hao – bản Năng Cát (Lang Chánh), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), thác Mây (Thạch Thành)… Trong đó ưu tiên hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực còn nhiều khó khăn.
Có thể nói, xây dựng được một sản phẩm du lịch cộng đồng tốt cần nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cốt lõi là bảo đảm gìn giữ được giá trị, bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đồng thời hài hòa với các yếu tố lợi ích, quyền lợi sinh kế lâu dài cho người dân bản địa. Theo đó, cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch khu vực miền núi, doanh nghiệp và cả cộng đồng cần nêu cao trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan, tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là giải pháp căn cơ để du lịch cộng đồng là sinh kế bền vững cho khu vực này, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng miền Tây đậm đà bản sắc.
Bài và ảnh: Hoài Anh