Chúng tôi gặp chị Tao Thị Sọn (sinh năm 1991), dân tộc Lự ở bản Đông Pao 1 tại Nhà máy Xi măng Norcem Yên Bình, thuộc xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Chị Sọn cho biết, từ sau khi sinh nở đến nay, con của chị đã gần 2 tuổi, sức khoẻ của mẹ và bé đều tốt nên chị gửi con ở nhà cho ông bà nội trông để đi làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Chị Tao Thị Sọn cho biết, từ khi chị mang thai đã được các cô, chú ở Trung tâm Y tế quan tâm, tư vấn chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Chị đi kiểm tra thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện khám sàng lọc trước sinh và tầm soát bệnh bẩm sinh. Bản thân chị cũng được tư vấn dinh dưỡng trong lúc mang thai, được nhận chế độ hỗ trợ dinh dưỡng trước, trong và sau sinh. Do gia đình chị thuộc hộ cận nghèo nên khi sinh cháu, mẹ con chị được hỗ trợ tiền mặt hằng tháng với mức 500 nghìn đồng.
Ở Lai Châu, dân tộc Lự cùng với 3 dân tộc khác gồm: Cống, Mảng, Si La là các dân tộc rất ít người, đồng thời cũng nằm trong danh sách 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh được thụ hưởng các chính sách từ công tác dân số trên địa bàn tỉnh, dân tộc Lự còn được hưởng các chế độ, chính sách từ một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đánh giá định kỳ công tác dân số những tháng đầu năm 2024, bác sĩ Hoàng Hải Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Lai Châu cho biết: Tại 8 huyện, 106 xã của tỉnh, đã tổ chức 57 buổi truyền thông lợi ích của sàng lọc trước sinh, sơ sinh; 139 buổi truyền thông về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và nâng cao chất lượng dân số; 23 buổi truyền thông về giảm tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh; tổ chức 46 hội nghị, nói chuyện chuyên đề về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, thu hút 8.957 lượt người nghe. Đặc biệt, đã thực hiện sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm cho 394 phụ nữ mang thai; lấy máu xét nghiệm sàng lọc cho 27 bà mẹ mang thai; thực hiện sàng lọc sơ sinh cho 42 trẻ. Đối với người cao tuổi là dân tộc rất ít người, có các chương trình chăm sóc sức khỏe thích ứng với già hóa dân số. Hiện, đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu khẳng định: Tỉnh Lai Châu chú trọng thực hiện hiệu quả Dự án 7 trong Chương trình MTQG 1719 về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Bên cạnh đó, Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) cũng có nội dung hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số. Cụ thể là nội dung số 4 Tiểu Dự án 1 đã hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù. Triển khai thực hiện Dự án 9, đến hết quý I năm 2024, tỉnh Lai Châu đã tổ chức 234 lượt tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, hỗ trợ dinh dưỡng cho 127 bà mẹ mang thai. Đồng thời hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán một số bệnh bẩm sinh phổ biến cho 81 bà mẹ mang thai…
Không chỉ các bà mẹ được hỗ trợ mà trẻ em dưới 5 tuổi thuộc 4 dân tộc Cống, Mảng, Lự, Si La cũng được Dự án 9 quan tâm, hỗ trợ. Trong 106 xã của toàn tỉnh, đã có 395 trẻ sơ sinh được hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh bẩm sinh phổ biến; hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ. Tỉnh đã hỗ trợ 741 trẻ có bữa ăn dinh dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non với tổng kinh phí thực hiện là 1.756 triệu đồng…
Từ các nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng dân số nói chung, hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù nói riêng, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng DTTS và miền núi trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Nguồn: https://baodantoc.vn/lai-chau-chuong-trinh-mtqg-1719-gop-phan-nang-cao-chat-luong-dan-so-1722332608348.htm