Quay trở lại những năm 1950, Liberia và Ethiopia là hai quốc gia châu Phi duy nhất thoát khỏi ách thống trị của thực dân. Ngày nay, hầu như tất cả các quốc gia châu Phi đều là các quốc gia độc lập và có chủ quyền. Một số quốc gia, như Nam Sudan, Eritrea và Namibia, thậm chí còn giành được độc lập khỏi các quốc gia châu Phi khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia như Juste Codjo, phó giáo sư và nhà phân tích nghiên cứu an ninh đến từ Benin, trong nhiều trường hợp thì việc trở thành một quốc gia độc lập không đồng nghĩa với sự thịnh vượng về kinh tế với các nước châu Phi.
Phó giáo sư Codjo nói với đài DW: “Độc lập chỉ là điều mà chúng ta có thể nói là đã xảy ra nhưng chúng ta không thể xác nhận rằng trên thực tế, các nước châu Phi đã hoàn toàn độc lập”.
Đối với nhà phân tích chính trị người Ghana Fidel Amakye Owusu, đây là vấn đề từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, Namibia dường như đã có kết quả tốt hơn đáng kể so với Nam Sudan, mặc dù cả hai quốc gia châu Phi đều có con đường tương tự để giành độc lập.
Ông Owusu cho biết: “Loại độc lập mà các quốc gia châu Phi này có được phụ thuộc vào thế lực thực dân đang cai trị một vùng lãnh thổ cụ thể”.
Nam Sudan đóng vai trò như một câu chuyện cảnh báo
Quốc gia trẻ nhất châu Phi, Nam Sudan, đã kỷ niệm 13 năm độc lập vào ngày 9 tháng 7 vừa rồi. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, đất nước này đã phải chịu đựng một cuộc nội chiến kéo dài bảy năm. Năm 2017, Liên hợp quốc đã tuyên bố nạn đói trên toàn quốc tại Nam Sudan. Thêm vào đó là nhiều năm đấu đá chính trị, khiến cuộc sống của người dân nơi đây thực sự thê thảm.
Học giả phát triển quốc tế người Nam Sudan James Boboya nói với DW rằng ban đầu, đất nước này rất lạc quan. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi nhanh chóng.
“Khi giành được độc lập, chúng tôi có các công chức và lực lượng vũ trang đã làm việc hơn 8 tháng mà không được trả lương”, ông Boboya nói. “Những gì chính quyền thừa hưởng từ Sudan là tình trạng hỗn loạn, thiếu dịch vụ, tham nhũng và quản lý tài nguyên kém”.
Ông Boboya nói thêm rằng tất cả những yếu tố này đã dẫn đến “các vấn đề về thiểu số, thiếu tự do và thiếu phát triển”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Owusu cho rằng nhiều vấn đề của Nam Sudan có liên quan trực tiếp đến bản chất của nền chính trị nước này. “Vì chiến tranh và bất ổn, đất nước không phát triển. Bài học rút ra là nếu bạn không đoàn kết, nếu không có sự gắn kết nội bộ, bạn không thể phát triển”, ông nói.
Boboya cho rằng việc thiếu ý chí chính trị và sự lãnh đạo thực sự là cốt lõi của bản chất liên tục của những thất bại ở Nam Sudan, đồng thời nói thêm rằng các thể chế an ninh quan trọng trong nước cần phải có nhiệm vụ tập trung, thống nhất.
“Chính phủ phải giải quyết vấn đề cải cách nhà nước dân sự để chúng ta có một quân đội, một cảnh sát, một cơ quan an ninh quốc gia và một cơ quan tình báo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho Nam Sudan”, ông Boboya nói.
Kingsley Sheteh Newuh, một nhà kinh tế chính trị đến từ Cameroon, đồng ý rằng các thể chế của Nam Sudan cần được củng cố từ bên trong. “Việc thiếu các thể chế mạnh mẽ, độc lập đã dẫn đến tình trạng quản lý kém, kém hiệu quả và tham nhũng”, ông Newuh nhận định.
Chất lượng lãnh đạo là yếu tố quan trọng để thành công
Nhưng đối với Newuh, cũng có một yếu tố vô hình đang phát huy tác dụng: sự lãnh đạo. Trong khi việc kế thừa các vấn đề lịch sử có thể thách thức quỹ đạo của bất kỳ quốc gia mới độc lập nào, Newuh tin rằng phẩm chất lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật trị quốc – đặc biệt là khi một quốc gia mới muốn phát triển bản sắc của mình.
“Lãnh đạo chính trị là con dao hai lưỡi ở châu Phi sau khi giành độc lập. Trong khi các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa như Nelson Mandela, Julius Nyerere và Kwame Nkrumah đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thống nhất quốc gia, phát triển xã hội và tiến bộ kinh tế thì ở một chiều ngược lại, tình trạng lãnh đạo yếu kém, đặc trưng bởi nạn tham nhũng, gia đình trị và độc đoán đã góp phần đáng kể vào sự thất bại của nhiều quốc gia châu Phi khác”.
Newuh nói thêm rằng những nhà lãnh đạo coi trọng quyền lực cá nhân hơn sự phát triển quốc gia có xu hướng phải đối mặt với các vấn đề trầm trọng hơn như nghèo đói, xung đột và kém phát triển.
Học giả người Nam Sudan Boboya chia sẻ cùng quan điểm về lãnh đạo trong bối cảnh đất nước của mình. “Đã có rất nhiều lãnh chúa và nhà lãnh đạo chính trị cá nhân lợi dụng tình hình, và họ bắt đầu khuyến khích nổi loạn trên khắp Nam Sudan”, Boboya nói, nhấn mạnh rằng đây là yếu tố chính khiến những thành quả giành được độc lập của đất nước bị “xói mòn”.
Bài học rút ra từ chủ nghĩa thực dân đến nạn diệt chủng
Nhưng các câu chuyện lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng khi đánh giá mức độ tiến bộ của các quốc gia châu Phi khác nhau. Đặc biệt, Owusu tin rằng cần phải chú ý đến cách chính xác các quốc gia khác nhau giành được độc lập.
“Ví dụ, cách Vương quốc Anh trao độc lập cho Nam Phi khác với cách họ làm ở Tây Phi”, ông nói. “Và phải có một cuộc đảo chính ở Bồ Đào Nha trước khi trao độc lập cho các thuộc địa của mình ở châu Phi”, Owusu nói thêm, nhấn mạnh rằng hành trình giành chủ quyền của các quốc gia châu Phi khác nhau phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh chính trị của những người thực dân tương ứng vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, một số người tin rằng đã đến lúc thoát khỏi cái bóng của chủ nghĩa thực dân và nhìn vào những câu chuyện thành công thực tế ở châu Phi.
“Khi nói đến đường sá và sự sạch sẽ, nhiều người ngưỡng mộ Rwanda. Về nông nghiệp, Uganda cung cấp hệ thống tốt nhất. Và khả năng chất vấn chính quyền, như đã thấy ở Kenya, là điều mà người Nam Sudan mong muốn”, Boboya cho biết.
Nhà phân tích chính trị Owusu thì đồng ý rằng ví dụ cụ thể của Rwanda có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia châu Phi khác, đồng thời nhấn mạnh rằng quốc gia nhỏ bé ở Đông Phi này đã chứng minh rằng một quốc gia có thể vượt qua tình hình thảm khốc như cuộc diệt chủng năm 1994 của Rwanda chống lại người Tutsi và người Hutu ôn hòa để đạt được sự ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, ông nói thêm Rwanda vẫn chưa giải quyết được hết mọi vấn đề của mình. “Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Phi với tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên và nền kinh tế vẫn chưa ổn định”, ông nói.
Nhưng không phải mọi thách thức và sự thiếu hụt phát triển đều bắt nguồn từ xung đột. Ví dụ, Malawi đã kỷ niệm 60 năm độc lập vào ngày 6/7. Dù không có xung đột đang diễn ra ở quốc gia này, nhưng Ngân hàng Thế giới xếp hạng đây là quốc gia nghèo thứ tư trên thế giới, với 70% người dân Malawi sống với mức thu nhập dưới 2,5 USD/ngày.
Owusu tin rằng tình trạng khó khăn của Malawi có liên quan trực tiếp đến quá khứ thuộc địa của nước này: “Những người cai trị thuộc địa Anh đã không cung cấp cho họ nền giáo dục tốt. Họ sử dụng lao động cưỡng bức”, ông giải thích, đồng thời nói thêm rằng những mô hình tương tự đã xảy ra ở Mali và Burkina Faso khi cả hai nước này tách khỏi Pháp vào năm 1960.
Cơ hội nào cho châu Phi vươn lên?
Bước vào thế kỷ 21, châu Phi đang phải đối mặt với vô số thách thức mới mà không giải quyết được các vấn đề tồn tại từ thời thuộc địa.
Newuh cho biết nạn tham nhũng vẫn còn hoành hành ở nhiều quốc gia châu Phi và nhấn mạnh rằng “cần phải giải quyết vấn đề này vì nó tạo ra vòng luẩn quẩn của tình trạng kém phát triển, nghèo đói và bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia châu Phi”.
Nhà phân tích chính trị Owusu tin rằng “các vấn đề môi trường do hiện tượng nóng lên toàn cầu” cần phải được giải quyết trước tiên, vì lục địa châu Phi đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu. “Và tình trạng thất nghiệp ở thanh niên cũng đang kìm hãm châu lục này”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những thách thức này, Boboya cho rằng chúng ta có lý do để lạc quan, vì tương lai nằm trong tay giới trẻ. “Những người trẻ phải tự huy động sức mạnh để nắm quyền lãnh đạo, để đảm bảo rằng họ giải phóng các quốc gia này khỏi tình trạng thất bại hiện nay về mặt lãnh đạo”, ông nói.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, trong thập kỷ tới, ít nhất 1/3 tổng số thanh niên từ 15 đến 24 tuổi trên thế giới sẽ là người châu Phi, biến lục địa này trở thành nơi có lực lượng lao động lớn nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ.
Thanh niên châu Phi cũng đang được giáo dục tốt hơn và kết nối nhiều hơn bao giờ hết: 44% tốt nghiệp trung học vào năm 2020, tăng từ 27% vào năm 2000 và hơn 500 triệu người đang được sử dụng Internet hàng ngày.
Khả năng tiếp cận công nghệ, giao lưu với thế giới sẽ là động lực để thế hệ trẻ châu Phi thay đổi số phận của họ, và dĩ nhiên, của những quốc gia đang vật lộn với khó khăn ở châu lục này.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tai-sao-doc-lap-la-khong-du-doi-voi-mot-so-quoc-gia-chau-phi-post305427.html