Tham dự có các thành viên Ban Thư ký, lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Báo cáo từ khi ban hành Quy chế làm việc của Ban Thư ký từ năm 2017 đến nay cho thấy, việc thực hiện Quy chế đã góp phần đưa hoạt động của Ban Thư ký đi vào nền nếp, chuyên nghiệp. Ban Thư ký đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và có nhiều đề xuất cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được phân công. Các thành viên Ban Thư ký phát huy tốt lợi thế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với việc sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị để tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy, Quy chế năm 2017 còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Thư ký hiện nay.
Sau khi Tổng Thư ký Quốc hội ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo xây dựng Quy chế làm việc của Ban Thư ký (sửa đổi), Ban soạn thảo đã tổ chức rà soát toàn bộ nội dung Quy chế năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc xây dựng dự thảo Quy chế làm việc của Ban Thư ký (sửa đổi) bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…; bảo đảm kế thừa ưu điểm của Quy chế năm 2017, đồng thời, cụ thể hóa những cải tiến, đổi mới về phương thức hoạt động đã được triển khai thực hiện hiệu quả thời gian qua; qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ Tổng Thư ký Quốc hội nói riêng và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV nói chung.
Đa số ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo Quy chế làm việc của Ban Thư ký (sửa đổi); cho rằng, đã bám sát và tuân thủ quy định của Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết số 32 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký; Nghị quyết số 22 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội và các quy định khác có liên quan. Các ý kiến cũng góp ý hoàn thiện một số nội dung của dự thảo Quy chế làm việc của Ban Thư ký về phạm vi điều chỉnh; chế độ làm việc của Ban Thư ký; Quan hệ công tác của Ban Thư ký; về hình thức văn bản của Ban Thư ký…
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận các ý kiến đại biểu đóng góp đều xác đáng để hướng tới hoàn thiện dự thảo Quy chế; đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chế làm việc của Ban Thư ký (sửa đổi). Trong đó, cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký; nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Ban Thư ký; nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Ban Thư ký, nhiệm vụ của từng thành viên Ban Thư ký; bổ sung chế độ thông tin, báo cáo; nguyên tắc làm việc của Ban Thư ký; mối quan hệ của Ban Thư ký với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương; điều khoản thi hành…
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8.2024) và Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tong-thu-ky-quoc-hoi-chu-nhiem-van-phong-quoc-hoi-bui-van-cuong-chu-tri-phien-hop-ve-sua-doi-quy-che-lam-viec-cua-ban-thu-ky-i382458/