Chè thạch trắng và chè đậu xanh là những món ăn đầu tiên có mặt tại Hiển Khánh – Ảnh: HỒ LAM
Nằm lặng lẽ cạnh các dãy nhà sát nhau trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM, phải chú ý lắm người ta mới phát hiện chiếc biển hiệu đầy màu sắc của chè Hiển Khánh.
Vậy mà tấm biển đó đã được vẽ và treo lên từ những năm 1960. Còn quán chè thì có tuổi đời xấp xỉ độ tuổi của một người trung niên.
Trên một diễn đàn ăn uống, một bạn trẻ cho biết gia đình bạn đã ăn chè ở đây từ hồi ba mẹ bạn mới hẹn hò, cho đến lúc bạn lớn rồi thì họ cũng vẫn còn ăn.
Chè Hiển Khánh hữu xạ tự nhiên hương
Năm 1965, Sài Gòn có một quán chè mang tên Hiển Khánh, do vợ chồng ông Trần Nghệ mở ra ở khu vực Đa Kao, quận 1.
Thấy việc bán buôn đắt hàng, ông bà mở thêm tiệm thứ hai tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Sau này, ông Trần Nghệ giao lại chi nhánh mới mở cho em trai là ông Quý Quyền trông nom, còn tiệm ở quận 1 thì không bán nữa.
Một số nguyên liệu như: đậu xanh, thạch, nhãn nhục, hạt sen… để làm chè – Ảnh: HỒ LAM
Đến hiện tại, chè Hiển Khánh do bà Nguyệt Minh, con gái ông Quyền, làm chủ. Nói về cơ duyên ra đời của quán, bà Minh kể:
“Xưa ngoài Bắc vào, hai bác tôi không làm nghề bán chè, mà làm cái khác. Rồi khi thấy tiết trời của Sài Gòn oi ả, bác gái suy nghĩ đến việc bán một món thanh mát để giải nhiệt. Các bác tôi bắt đầu bán món chè thạch trắng và chè đậu xanh, đến đời ba tôi vẫn bán những món này”.
Khi bà Minh tiếp quản, bà nghĩ ra thêm nhiều món chè thạch nhãn, thạch sen, thạch củ năng… để thu hút người trẻ.
Đến nay cũng hơn 30 năm tiếp nối nghề bán chè từ ba mình, đôi lúc nhiều người cũng khuyên bà Minh nghỉ bán vì kinh tế khó khăn. Nhưng vì thấy tiếc cái nghề gia truyền của ba, của bác nên bà vẫn tiếp tục duy trì.
Chiếc biển hiệu Hiển Khánh được vẽ theo lối kẻ tay cổ điển, làm từ những năm 1960 gợi lên nhiều nỗi hoài niệm cho những người Sài Gòn xưa. Nhiều người cũng thắc mắc về cái tên Hiển Khánh, sao thấy cái tên là lạ?
Thơ về hai loại chè được treo trên tường – Ảnh: HỒ LAM
“Ngoài Nam Định, quê của bác tôi, có hai làng Hiển Khánh và Tân Khánh. Bác tôi thích làng Hiển Khánh nên lấy tên làng đặt cho quán chè, và một phần cũng vì nhớ quê nên ông muốn đem theo một dấu ấn gắn với quê hương khi vào Nam lập nghiệp”.
Không chỉ tên quán, các bài thơ trên tường cũng được vẽ tay, đủ màu sắc. Bà Minh kể cả bác và ba của bà đều thích làm thơ, dù họ không phải là thi sĩ.
Thơ về các loại bánh – Ảnh: HỒ LAM
Họ mê làm thơ đến nỗi khi Hiển Khánh vừa lập ra, mỗi món ăn trong tiệm đều gắn liền với một bài thơ.
Bài thơ “Hiển Khánh cảm – tác” do ông Quý Quyền sáng tác như một lời cảm ơn của quán chè đến với thực khách đã gắn bó bao năm:
“Ở đời hữu xạ tự nhiên hương / Ba thế hệ rồi khách vẫn thương / Âu Á đi về tìm bảng hiệu / Bắc Nam qua lại nhớ tên đường / Chè ngon, bánh ngọt hương êm dịu / Thạch mát, đậu thơm vị khác thường / Hiển Khánh chỉ mong tròn chữ Tín / Ở đời hữu xạ tự nhiên hương”.
Những hoài cảm từ món chè thạch ‘cũng bình thường thôi’
Nhiều thực khách cho biết họ yêu thích món chè thạch trắng có nước đường hoa nhài. Có lẽ đây cũng là điểm đặc biệt nhất trong hương vị chè ở Hiển Khánh.
Khác với việc thêm nước cốt dừa như chè ở Nam Bộ, chè Hiển Khánh có thạch trắng thái sợi, nhãn nhục, vải tươi, hạt sen, hạt đác, củ năng… hòa với nước đường cát ngọt dịu và có thả hoa nhài mang theo một mùi thơm thanh nhẹ, tao nhã.
“Bí quyết nằm ở nước đường. Đường tôi làm là đường cát, không phải đường phèn nhưng có bí quyết để cho nước chè thanh và dậy mùi thơm” – bà Minh cho biết.
Ngoài các món chè, Hiển Khánh còn bán thêm nhiều loại bánh truyền thống của Việt Nam như: bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Hố Nai, bánh cốm, bánh phu thê Huế…
Nhiều người bảo đến Hiển Khánh chỉ cần cắn một miếng bánh, ăn một muỗng chè là cảm thấy xóa tan cái nóng mùa hè, bao nóng nực trong người biến đâu hết.
Với bà Minh, Hiển Khánh chỉ bán những món chè “bình thường” nhưng bà không nghĩ là nó có thể tồn tại được đến bây giờ. Có mấy kỷ niệm khiến bà vô cùng xúc động, mà có lẽ vì những kỷ niệm này khiến bà không thể bỏ nghề bán chè.
Những món bánh truyền thống gồm: bánh đậu xanh, bánh cốm, bánh phu thê, bánh gai – Ảnh: HỒ LAM
Có lần, một đôi vợ chồng cùng người con trai vào quán ăn chè. Người vợ kể với bà Minh rằng cô đã đặt tên con mình là Hiển Khánh vì hồi đang mang thai, cô rất thèm ăn chè ở đây.
Rồi gần đây, có một vị khách kể với bà rằng một người chú của họ cũng nhớ chè Hiển Khánh. Năm nào về thăm Việt Nam, ông cũng lại quán ăn.
“Sau ông ấy mất vì bệnh. Trước khi qua đời, ông bảo với người thân rằng muốn ăn chè Hiển Khánh. Tôi không ngờ món chè “tầm thường” nhà mình lại có ý nghĩa và hoài cảm với người ta đến vậy” – bà xúc động kể.
Nhiều người Sài Gòn nói chè Hiển Khánh là một mảnh ký ức thân thuộc của họ, bởi quán chè này đã tồn tại hơn một thế kỷ ở đây. Bà Minh nói bà sẽ truyền nghề lại cho con gái, để cái nghề gia truyền có thể tiếp tục được sống hoài, sống mãi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/che-hien-khanh-me-tho-hon-nua-the-ky-lam-manh-ky-uc-than-thuoc-cua-nguoi-sai-gon-20240725154404393.htm