Giá vé máy bay nội địa tăng cao thời gian qua đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân nhiều địa phương. Theo phân tích, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng sự biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu đã tác động đến năng lực cung ứng, buộc các hãng hàng không phải điều chỉnh, tăng giá vé máy bay.
Thời gian qua, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để hạ nhiệt giá vé máy bay, vấn đề này cũng đã được đưa lên bàn luận ở diễn đàn Quốc hội, tuy có hạ nhiệt song giá vé máy bay hiện vẫn ở mức cao. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của du khách, cũng như sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Chính vì vậy, việc đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay sẽ là giải pháp hữu hiệu và bền vững để thúc đẩy du lịch phát triển.
Đẩy mạnh phát triển du lịch đường sắt
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi hoàn toàn, nhiều chỉ số thống kê về du lịch đã đạt và vượt qua giai đoạn năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).
Theo ông Hà Văn Siêu, du lịch không chỉ phục hồi về chất lượng và số lượng mà bức tranh tổng thể của ngành du lịch đã cho thấy sự thay đổi về cấu trúc thị trường, thể hiện sự thích ứng của ngành du lịch trong thời kỳ mới.
Trong đó, về phương tiện vận tải du lịch, trong bối cảnh giá vé máy bay vẫn ở mức cao như hiện nay, cơ cấu chi tiêu cho du lịch của du khách đã có sự thay đổi, mở ra cơ hội cho các phương tiện vận tải du lịch khác mà một trong số đó là vẩn tại đường sắt.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, đường sắt có đóng góp quan trọng với du lịch. Không chỉ là vận chuyển du khách từ điểm này sang điểm khác mà chính trên hành trình di chuyển đó, đường sắt cũng có thể tạo ra những trải nghiệm mới cho du khách.
“Mỗi năm chúng ta có trên 40 triệu giờ hành khách di chuyển trên tàu, đó là nguồn tài nguyên rất lớn để khai thác cho du lịch, dịch vụ”, ông Hà Văn Siêu nói.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, với lợi thế sở hữu một hệ thống đường sắt dài hơn 3.000km đi qua 34 tỉnh, thành phố trong đó có nhiều cung đường đẹp để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Việt Nam qua ô cửa tàu, với nhiều nhà ga nằm tại các trọng điểm du lịch quốc gia, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn biến hành trình đi tàu của hành khách là một trải nghiệm, là một phần của chuyến du lịch.
Ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, thời gian vừa qua, Tổng Công ty đã liên tục cải tiến, sáng tạo nâng cao chất lượng dịch vụ và đưa ra nhiều sản phẩm mới phục vụ hành khách. Hàng loạt các sản phẩm mới hướng đến phục vụ khách du lịch như tàu chất lượng cao SE19-20; SE20-21; Tàu kết nối di sản Huế – Đà Nẵng; Tàu đêm Đà Lạt – Trại Mát; Tàu Food-tour Hà Nội – Hải Phòng… đã được nhân dân và khách du lịch đón nhận.
Cùng với đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật tại các nhà ga để biến nhà ga thành “điểm đến” cho nhân dân và hành khách. Năm 2024 chứng kiến xu hướng bùng nổ trong việc lựa chọn đường sắt là phương tiện để đi du lịch.
Để hoạt động vận tải đường sắt đóng góp nhiều hơn nữa vào hoạt động du lịch của quốc gia, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Ông Đặng Sỹ Mạnh hy vọng sự hợp tác này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần cùng ngành du lịch thực hiện mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Hà Văn Siêu, khi kết hợp với du lịch, ngành đường sắt trước tiên cần nghiên cứu sâu hơn nữa về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là sở thích của khách hàng khi sử dụng thời gian trên tàu. Từ đó phát triển thêm dịch vụ để khai thác thời gian khách lưu lại trên tàu, giúp cho hành khách tận hưởng, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và có sự giao lưu với các điểm đến.
Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng cần ứng dụng công nghệ để giúp cho khách hàng thuận lợi khi tiếp cận thông tin trên tàu. Ngoài ra, có sự kết nối và dịch vụ thanh toán phải thuận tiện cho du khách.
Đặc biệt, ngành đường sắt cùng với ngành du lịch phải đẩy mạnh phối hợp để quảng bá các sản phẩm du lịch gắn với các tuyến đường, cũng như quảng bá toa xe, dịch vụ trên tàu để hành khách biết và trải nghiệm…
Linh hoạt trong xây dựng các tour du lịch
Bên cạnh lựa chọn đường sắt để thay thế máy bay, việc lựa chọn các tour gần, tour di chuyển bằng phương tiện đường bộ đang là cách mà các đơn vị làm dịch vụ du lịch thích ứng để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thời gian qua, hàng loạt các sản phẩm du lịch gần, di chuyển bằng đường bộ được các doanh nghiệp du lịch chào bán cho du khách.
Ông Nguyễn Công Hoan – Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết, để thích ứng khi vé máy bay tăng, thay vì các tuyến đi xa, các doanh nghiệp du lịch đã chuyển sang xây dựng các sản phẩm du lịch nội vùng, sử dụng phương tiện bằng ô tô, tập trung vào các tuyến điểm như: khu vực nghỉ dưỡng quanh khu vực, các tuyến biển gần như: Hạ Long, Cát Bà, Hải Tiến, Cửa Lò… để thu hút du khách.
Việc giá vé máy bay tăng cao khiến doanh nghiệp du lịch khó xây dựng tour, nhất là các tour kích cầu cho du lịch nội địa bằng đường hàng không. Để thích ứng, nhiều doanh nghiệp du lịch đã linh hoạt trong xây dựng các tour du lịch, đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội phát triển du lịch đường bộ trong bối cảnh giá vé máy bay đang cao, các doanh nghiệp lữ hành cần cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ phương tiện vận chuyển đường bộ và đường sắt; tăng cường tiếp thị, quảng bá cho các điểm đến nội địa; đẩy mạnh hợp tác để tạo ra các gói tour hấp dẫn, tiện ích.
Việc thúc đẩy phát triển du lịch nội địa bằng các sản phẩm đường bộ, đường sắt, có thể sẽ “biến nguy thành cơ” trong bối cảnh vé máy bay trong nước vẫn ở mức cao.
>>> Bài 3: Liên kết để phát triển
Nguồn: https://toquoc.vn/tang-suc-hut-cho-du-lich-noi-dia-bai-2-da-dang-hoa-phuong-tien-van-chuyen-khong-phu-thuoc-vao-may-bay-20240728111635394.htm