Đây là hoạt động văn hóa, giáo dục, đồng thời là dịp để tri ân và tưởng nhớ đến những cống hiến to lớn của danh nhân Đặng Huy Trứ cho quê hương và đất nước.
Theo Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Đặng Huy Trứ (1825-1874) tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trai, người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, nay thuộc phường Hương Xuân, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một nhà nho yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp thế kỷ XIX, một quan chức lớn triều Nguyễn có tư tưởng canh tân. Cả cuộc đời ông là một tấm gương sáng vì dân, vì nước, đồng thời là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao. Danh nhân Đặng Huy Trứ còn được xem là người có công đầu đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam.
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, lại được tiếp thu truyền thống yêu nước, Đặng Huy Trứ có dịp bộc lộ khí phách và tài năng, có những đóng góp tích cực và nổi trội về nhiều mặt cho quê hương và đất nước. Trong cuộc đời làm quan của mình, Đặng Huy Trứ đã làm được nhiều việc ích nước, lợi dân mà sử sách và đời sau còn ghi công tích.
Sự nghiệp của danh nhân Đặng Huy Trứ được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, văn hoá, kinh tế, quân sự, văn học. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những nét đặc sắc riêng. Đặc biệt là lĩnh vực thơ ca để lại cho nhân loại nhiều áng thơ sâu sắc, ý nghĩa, tất cả đều tập trung vào một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân, đất nước.
Đặng Huy Trứ mất vào ngày 7/8/1874 (tức ngày 25/6 năm Giáp Tuất) tại xã Cao Dắng, chợ Bến Đồn Vàng, Phú Thọ. Sau này ông được đưa về quê an táng tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế trên một gò đồi cạnh sông Bồ.
Đến năm 1930, bà Đặng Thị Sâm, cháu nội của Đặng Huy Trứ đã xây lăng mộ cho ông. Đồng thời cũng xây dựng Nhà thờ Đặng Huy Trứ tại quê hương Thanh Lương. Di tích Lăng mộ và Nhà thờ Đặng Huy Trứ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2307QÐ/VH ngày 30/12/1991.
Di tích nhà thờ Đặng Huy Trứ có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt hiện nay, tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều nguồn tư liệu chữ Hán, như: Những bức hoành phi, câu đối, sắc phong… đây là tư liệu quan trọng của dòng họ, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của dòng họ Đặng nói riêng và của cộng đồng người Việt nói chung.
“Đặng Huy Trứ sống cách chúng ta hơn 150 năm, thiết tưởng nhân cách và phẩm chất tốt đẹp của cụ Đặng Huy Trứ không chỉ tỏa sáng trong thời đại của cụ mà còn chiếu rọi tới ngày hôm nay, là một gạch nối giữa nhân cách tốt đẹp của cha ông xưa và nhân cách chủ nghĩa xã hội ngày nay”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Nguồn: https://toquoc.vn/dang-huong-tuong-niem-150-nam-ngay-mat-cua-danh-nhan-dang-huy-tru-20240729092617617.htm