Doanh nghiệp mỏi mắt chờ sổ đỏ
Đây là một thực tế được chỉ ra tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 29-7, khi thảo luận về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát biểu liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp trên địa bàn, đại biểu Vũ Quang Hùng đã nhắc lại những bức xúc mà doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp mới đây.
Theo ông Hùng, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Đà Nẵng phản ánh chậm có sổ đỏ khiến việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó.
Ông Hùng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo tháo gỡ, xử lý dứt điểm vướng mắc kéo dài trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Ngoài ra liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng, ông Hùng cho biết hiện nay hầu hết các khu công nghiệp hiện hữu được hình thành đến nay gần 30 năm. Các quy hoạch chi tiết, phân khu ngành nghề hiện không còn phù hợp thực tế.
“Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang khó khăn trong thực hiện mục tiêu dự án đầu tư, quy trình thủ tục lấy ý kiến sở ngành kéo dài, mất thời gian của doanh nghiệp” – ông Hùng nói.
Hỗ trợ doanh nghiệp là hỗ trợ kinh tế thành phố
Kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng lần này chỉ kéo dài bằng một nửa thời lượng so với thông thường, nhưng đã dành rất nhiều thời gian thảo luận liên quan đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp.
Các ý kiến thảo luận tập trung vào việc giải quyết các vướng mắc và các chế độ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn thành phố đã triển khai 38 chính sách do trung ương ban hành và 11 nhóm chính sách của địa phương.
Đại biểu Lương Công Tuấn cho rằng các chính sách này có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn sau đại dịch, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng chính sách.
Thậm chí có tình trạng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp hơn mức chi hỗ trợ của trung ương quy định.
Ông Tuấn dẫn chứng các chính sách như mức chi hỗ trợ của chính sách khuyến công theo nghị quyết 324 của HĐND thành phố; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại theo quyết định số 13 của UBND thành phố; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ…
“Chúng ta cần xác định rằng hỗ trợ doanh nghiệp chính là hỗ trợ cho nền kinh tế của thành phố mà mạnh dạn hơn nữa đề xuất chính sách đảm bảo cả về lượng và chất để hỗ trợ doanh nghiệp. Có như vậy mới tránh tình trạng đối tượng thụ hưởng thiếu mặn mà” – ông Tuấn nói.
Ông Tuấn lưu ý cán bộ công chức giải quyết các chính sách phải tận tình, tránh tình trạng “xin, cho” trong giải quyết chính sách.
Để giải quyết rốt ráo, ông Tuấn lưu ý đến công tác hậu kiểm việc thực hiện chính sách để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót.
Doanh nghiệp cũng…”ngại” chính sách hỗ trợ
Tiếp thu các ý kiến trên, tuy nhiên ông Trần Chí Cường, phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cũng chỉ ra tình trạng doanh nghiệp “ngại” tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách.
Bởi có một số quy định trong hiệp định đối tác kinh tế ký kết với các tổ chức quốc tế thì khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân sách sẽ có những vấn đề kiểm soát về xuất, nhập khẩu.
Ngoài ra khi doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có một số hoạt động kiểm tra, kiểm toán nhà nước đối với ngành nghề nhận hỗ trợ nên doanh nghiệp cũng ngại. Đây là những nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-doanh-nghiep-ngai-nhan-chinh-sach-ho-tro-tu-nha-nuoc-20240729164101182.htm