Ngày 26-7, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Vinatex PD&B, để hiện thực hóa cho định hướng chiến lược mới của tập đoàn là đến năm 2030 trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp thời trang xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới.
Nâng giá trị tăng thêm với dệt may thời trang
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Đức Anh, giám đốc chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Trung tâm Vinatex PD&B, cho hay việc đưa vào vận hành trung tâm nhằm củng cố, tăng cường và phát huy chuỗi liên kết nội bộ, thế mạnh là sản phẩm dệt kim.
Những lợi thế là hệ thống các nhà máy kéo sợi, nhà máy dệt vải, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, thì việc hình thành trung tâm PD&B sẽ là cánh tay nối dài để Vinatex hiện thực hóa mục tiêu trung hạn là trở thành một điểm đến trọn gói cho sản phẩm dệt kim phổ thông – trở thành “một điểm đến” cũng như hình thành chuỗi liên kết dệt kim.
Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn giản là làm gia công, nhà nhập khẩu nước ngoài đưa đến mẫu mã và hồ sơ thiết kế, doanh nghiệp trong nước làm theo hướng dẫn của nhà đặt hàng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Vinatex sẽ làm những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao cho cả khách hàng và doanh nghiệp.
“Với trung tâm này, Vinatex sẽ bao trọn gói trong phát triển mẫu, thiết kế, chào mẫu, sản xuất sản phẩm và thực hiện đơn hàng nhanh nhất. Như vậy, khách hàng chỉ cần có ý tưởng và chúng tôi sẽ hiện thực hóa ý tưởng đó qua thiết kế 3D, làm ra sản phẩm cuối cùng với giá trị gia tăng lớn hơn” – ông Đức Anh nói.
Áp lực đổi mới, sáng tạo liên tục
Với Trung tâm Vinatex PD&B, tập đoàn này sẽ “làm thay” các đối tác khâu thiết kế, phát triển mẫu sản phẩm và trọn gói trong chuỗi cung ứng, thay vì trước đây khâu tạo ra giá trị gia tăng cao nhất là thiết kế vốn đều nằm trong tay các nhà mua hàng. Vì vậy, theo ông Đức Anh, việc tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may ở nấc thang cao hơn giúp mang lại giá trị gia tăng lớn cho nhiều doanh nghiệp trong toàn hệ thống.
Bởi trước đây, mỗi khâu trong chuỗi cung ứng như sợi, nhuộm, vải… đều phải hoạt động độc lập, có thể dẫn tới rủi ro khi thị trường có biến động, thì nay nhờ có trung tâm PD&B, sẽ duy trì hoạt động ổn định toàn chuỗi, đặc biệt là khâu dệt nhuộm.
Tuy vậy, ông Đức Anh cũng nhìn nhận thách thức đặt ra cho trung tâm đó là áp lực phải đổi mới sáng tạo liên tục và “không có điểm ngừng”. Bởi với hệ thống nhà máy may trực thuộc Vinatex, nếu không làm hàng FOB (chủ động nguyên liệu, cắt may, gửi hàng), sẽ chỉ tập trung làm hàng gia công CM.
Tuy nhiên, đây là phương thức đơn giản nhất của ngành dệt may với giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, việc chuyển hướng sang làm các sản phẩm FOB, yêu cầu trung tâm phải không ngừng nghiên cứu, thiết kế, đổi mới mẫu mã, tạo ra năng suất lao động lớn hơn để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng.
Xây dựng chuỗi cung ứng khép kín
Theo lãnh đạo Vinatex, từ sau COVID-19, nhu cầu dệt may thế giới suy giảm gần 30% so với trước dịch cho thấy mô hình kinh doanh ngành dệt may thế giới đã có nhiều thay đổi. Người mua hàng có xu hướng tìm đến nhà cung cấp có khả năng cung cấp “giá trị gia tăng”, có chuỗi liên kết, dịch vụ trọn gói đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, hướng đến là đối tác (collaborative partner) thay vì chỉ là nhà máy gia công đơn thuần.
Do đó, việc hình thành trung tâm này nhằm phát huy năng lực ngành sợi quy mô 190.000 tấn/năm, ngành dệt với dệt kim quy mô 25.000 tấn/năm, dệt thoi 170 triệu mét/năm, cùng hơn 100 nhà máy trải dài khắp cả nước quy mô hơn 400 triệu sản phẩm/năm, hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ kéo sợi, dệt nhuộm, hoàn tất và cắt may để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn: https://tuoitre.vn/det-may-tim-duong-thoat-kiep-gia-cong-20240727092606676.htm