PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Suy nghĩ sâu sắc hơn về trách nhiệm với đất nước
Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà với mọi người, cảm xúc đầu tiên khi viếng tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là buồn và tiếc nuối khi mất đi một nhà lãnh đạo tận tụy, uy tín. Tuy nhiên, sau nỗi buồn ấy, có lẽ là ý thức trách nhiệm và lòng quyết tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời vì dân, vì nước, vì Đảng, với những đóng góp to lớn, để lại dấu ấn đậm nét trong lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng đối với sự phát triển của Việt Nam. Tư tưởng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân của Tổng Bí thư thực sự đã chạm đến trái tim mỗi người Việt Nam, để từ đó, mỗi người dân có thêm niềm tin yêu với Đảng, quyết tâm hơn với công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trang nghiêm và tình cảm. Việc viếng tang Tổng Bí thư không chỉ là một dịp bày tỏ niềm tiếc thương, mà còn là cơ hội để mỗi người trong chúng ta nhìn lại, suy nghĩ sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về những người đang giữ chức vụ cao, mà còn với từng cá nhân. Mỗi hành động, từ nhỏ đến lớn, đều góp phần vào sự phát triển chung.
Việc người dân xếp hàng dài hàng kilomet đến tận đêm muộn chờ vào viếng thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân đối với những cống hiến không mệt mỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời đó cũng là sự thúc đẩy, kêu gọi mỗi người noi gương ông, nỗ lực phấn đấu vì một tương lai tươi sáng hơn. Mỗi người cần ý thức rằng, dù với vai trò nào, mỗi đóng góp đều quý báu và cần thiết, không chỉ vì bản thân mà còn vì sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước Việt Nam.
PGS.TS. ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Thêm niềm tin và ước vọng
Những ngày qua, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một lãnh tụ thời đại Hồ Chí Minh, người luôn ủng hộ và khuyến khích hoạt động văn học nghệ thuật – đã tạo nguồn cảm hứng lớn cho văn nghệ sĩ. Nhiều họa sĩ đã tạc tượng, họa chân dung ông, gửi gắm vào đó tình cảm của mình. Nhiều nhà văn, nhà thơ cho ra đời các tác phẩm xúc động. Các hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng có nhiều sáng tác hay. Như ca khúc Có một mái đầu tóc bạc của tác giả Nguyễn Anh Trí, do ca sĩ Viết Danh thể hiện. Bài hát cất lên đã làm lay động triệu trái tim khi gợi nhắc về người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng. Hay nhạc sĩ trẻ Tạ Duy Tuấn – Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, với sự kính trọng, ngưỡng mộ, tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư, đã sáng tác ca khúc Huyền thoại một vì sao, được tập thể nghệ sĩ Nhà hát thể hiện công phu…
Tôi nghĩ, trong những giờ phút đau thương này, mọi người đều có niềm tin, hướng đến những điều Tổng Bí thư mong muốn về văn học nghệ thuật. Niềm tin đó chính là đường lối phát triển văn học nghệ thuật, là có thêm các sáng tác chất lượng cao, có sức lay động lòng người và có sức sống lâu dài trong đời sống nhân dân. Đó cũng là các tác phẩm có tác dụng giáo dục, góp phần nâng cao tâm hồn con người Việt Nam, là phương tiện để hình thành con người mới trong thời đại mới…
Trải qua 76 năm phát triển, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với các thế hệ văn nghệ sĩ đã cùng nhau đoàn kết để phát huy tài năng, trở thành một lực lượng tinh túy, luôn củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, chắc chắn sẽ xây dựng được một đội ngũ có tài, có điều kiện sáng tác, có ước mơ, hoài bão để cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật như sinh thời Tổng Bí thư mong muốn.
LÊ THỊ BÍCH DUNG – Phó Chủ tịch HĐQT, đồng sáng lập Hệ thống Trường liên cấp Newton (Hà Nội): Từ cảm phục thành hành động cụ thể
Con người, cuộc đời và sự nghiệp tài đức vẹn toàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguồn cảm hứng để các thầy cô giáo Hệ thống Trường liên cấp Newton xây dựng tiết học Lịch sử đặc biệt ngay khi nghe tin ông qua đời.
Tiết học được tổ chức cho học sinh khối 12 của nhà trường. Giờ học bắt đầu bằng bản tin đặc biệt thông báo về sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau bài giảng và gợi ý của thầy giáo, các em học sinh tìm hiểu và thuyết trình về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư.
Những câu chuyện về tình cảm của ông với thầy cô giáo, với bạn bè, với ngôi trường cũ hay hình ảnh gia đình ông quây quần gói bánh chưng ngày Tết, tình cảm của ông đối với thiếu niên nhi đồng hay hình ảnh những ngày cuối đời trong bệnh viện ông vẫn làm việc… đã khiến học sinh xúc động, nhiều em rơi nước mắt vì cảm phục một nhà lãnh đạo lớn nhưng phong cách sống bình dị, liêm khiết và ấm áp.
Sau những tiếc thương, thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện để đạt được những điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng vào thế hệ trẻ, đó là có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Từ nay, trong mỗi bài học hay mỗi hoạt động giáo dục của nhà trường, chúng tôi sẽ luôn dạy học sinh kính trọng thầy cô, yêu thương bạn bè, gia đình, giữ gìn sự công bằng, tận tâm, trách nhiệm trong từng việc làm, hành động…
Tấm gương về đạo đức, lối sống và cống hiến của Tổng Bí thư sẽ sống mãi và trở thành hành động trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người trẻ Việt Nam, trong đó có học sinh Hệ thống Trường liên cấp Newton.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/sau-tiec-thuong-la-trach-nhiem-va-hanh-dong-i382255/