Di tích khảo cổ học Rạch Núi là một gò đất rộng khoảng l ha, bình diện gần tròn, đường kính trung bình khoảng 100m, cao hơn 6m so với mặt đất tự nhiên xung quanh.
Trên mặt gò đất có nhiều cây cổ thụ, bao quanh gò là Rạch Núi, là một con rạch nhỏ – nhánh của sông Cần Giuộc (còn gọi là sông Rạch Cát).
Do địa thế cao giữa khu vực đồng bằng nên còn được gọi theo dân gian là gò Núi Đất (hay Thổ Sơn). Di tích khảo cổ học Rạch Núi thuộc địa phận ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).
Năm 1867 (Đinh Mão) có vị sư Nguyễn Quới (thường gọi là Thầy Rau) trên đường vân du đến đây, thấy địa thế tốt nên ở lại và xây dựng chùa trên đỉnh gò để tu hành. Tên hiệu của chùa là Linh Sơn Tự hay còn được gọi là Chùa Núi.
Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2021, di chỉ này được các học giả người Pháp phát hiện và nghiên cứu bước đầu từ những năm 1937-1938 của thế kỷ XX.
Hiện vật cổ khai quật được tai di tích khảo cổ Rạch Núi-một gò đất cao rộng khoảng 1ha ở ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Trong số các hiện vật thu được qua khai quật khảo cổ có di cốt của nhiều loài động vật hoang dã như khi, voọc, chó, mèo, báo, chồn, heo rừng…
Năm 1978 di chỉ Rạch Núi được Viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) và Ty Văn hóa Thông tin Long An (nay Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) khai quật khảo cổ lần đầu.
Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy đây là một di chỉ có tầng văn hóa dày, có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu thời tiền sơ sử Long An và Nam Bộ.
Vào tháng 1/2003 Bảo tàng tỉnh Long An phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật di chỉ Rạch Núi lần thứ hai.
Kết quả khai quật khảo cổ ghi nhận được qua hai cuộc khai quật khẳng định rằng di chỉ Rạch Núi là một trong số ít các di chỉ khảo cổ học có tầng văn hóa rất dày (trên 5m), có thể nói là dày nhất trong số các di chỉ hiện biết trên đất nước ta, có tính chất liên tục, không gián đoạn.
Hiện vật cổ thu thập được rất phong phú và đa dạng, gồm có: những công cụ bằng đá, bằng xương, các loại đồ dùng bằng đất nung, đồ gốm (có đến hàng vạn mảnh).
Công cụ bằng đá có các loại hình như rìu, bôn, đục, bàn mài, hòn ghè, gồm hàng trăm hiện vật, chủ đạo là các loại hình rìu, bôn tứ giác có dạng hình thang, rìu bôn tứ giác có lưỡi hình móng.
Đặc biệt, khai quật khảo cổ phát hiện ra 5 chiếc rìu vai xuôi hoặc gần ngang. Hiện vật cổ là rìu đá được phát hiện ở các vị trí sâu nhất của hố khai quật.
Nhóm hiện vật cổ đặc trưng nhất ở đây là bộ sưu tập công cụ có vai làm bằng yếm rùa lần đầu tiên phát hiện ở nước ta.
Ngoài ra, đào khảo cổ nơi đây còn có di cốt nhiều loại động vật hoang dã và vú các loại nhuyễn thể (sò, ốc…), giáp xác.
Theo giám định cho biết, có các loài động vật hoang dã như: khi, voọc, chó, mèo, báo, chồn, heo rừng; động vật nuôi như heo nhà và chó nhà.
Bên cạnh đó là các loài động vật hoang dã sống trong nước mặn và nước lợ như: cá, sò, ốc, chem chép, rùa và cua biển. Trong tầng văn hóa còn có nhiều lớp than tro, màu sắc khác nhau nằm xen kẽ, thể hiện rằng đây là những bếp lửa cổ của cư dân.
Cổng vào Tổ đình Linh Sơn, ngôi chùa tọa lạc trên gò đất là di tích khảo cổ Rạch Núi, ở ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).
Tập hợp hiện vật cổ bằng đá, xương và gốm ở di chỉ Rạch Núi ngoài nét đặc thù địa phương, cùng sự thống nhất với các di tích khác của vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, Rạch Núi có một số gốm mịn với đồ án hoa văn tương tự gốm của các di chỉ Lộc Giang, An Sơn (huyện Đức Hòa), Bình Đa (Đồng Nai), thể hiện rằng có thể có những mỗi quan hệ giao lưu giữa các di chỉ này.
Diễn biến địa tầng và các loại hình hiện vật cổ cho thấy sự thống nhất về quá trình hình thành và nội hàm văn hóa, phản ánh tính ổn định của đời sống cư dân cổ.
Có thể vào thời kỳ đó với sự phong phú của các sản vật biển, các loài động vật mà dấu tích của chúng tìm thấy khá nhiều trong tầng văn hóa đã khiến các cư dân cổ ở đây rất “an cư lạc nghiệp”.
Dựa trên tư liệu và di vật, có thể nhận định rằng đi tích khảo cổ học Rạch Núi đã được khởi dựng cách nay khoảng 4.000 năm.
Từ trên một vùng gò thấp ven biển, xung quanh là đầm lầy, rừng ngập mặn, những chủ nhân đầu tiên của vùng đất này đã tụ cư và thể hiện nhiều sáng tạo trong việc khai thác mọi nguồn sản vật tự nhiên từ sông – biển, để lại những tầng lớp văn hóa vật chất, những bếp lửa sinh hoạt thời tiền sử, những kiểu công cụ lao động đặc sắc, có giá trị khoa học.
Trải qua hàng ngàn năm, nơi cư trú của những cộng đồng cư dân cổ ở đây đã trở thành một gò “núi đất” giữa cánh đồng phù sa trũng thấp, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng về một nền văn hóa cổ thời đại kim khí ở lưu vực sông Đồng Nai – Vàm Cỏ.
Di tích Rạch Núi nằm trong hệ thống các di tích khảo cổ học ở tỉnh Long An, với giá trị lịch sử – văn hóa, ý nghĩa khoa học và nhân văn, nơi ghi dấu đậm nét quá trình mở đất dựng nghiệp của người xưa trên vùng đất sình lầy ven biển, đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1999.
Nguồn: https://danviet.vn/o-mot-go-dat-rong-1ha-tai-long-an-dao-khao-co-phat-lo-la-liet-di-cot-dong-vat-hoang-da-hien-vat-co-20240726163755985.htm