Ngày 26.7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
2 nội dung chính tập trung sửa là gì?
Với hơn 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để TTCK có bước phát triển hơn nữa về chất lượng, rất cần có những xem xét và sửa đổi đối với những quy định không còn phù hợp, hoặc đang tạo rào cản cho sự chuyển biến về chất của thị trường.
Hiểu được vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: “Mục tiêu chính của chúng ta là đưa thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển và có bước phát triển về chất, còn nâng hạng thị trường chỉ là hệ quả tất yếu khi chúng ta đạt được mục tiêu trên”.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu các quy định ở cấp thông tư xem những quy định nào cần bổ sung, điều chỉnh.
Theo đó, Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) là trở ngại lớn nhất với quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dự thảo Thông tư sửa 4 Thông tư (Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TT-BTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC, Thông tư 96/2020/TT-BTC) được xây dựng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các thành viên thị trường và các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, dự thảo Thông tư sửa 04 Thông tư hiện nay tập trung vào 2 nội dung chính là bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với việc bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding), dự thảo Thông tư đề xuất cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán. Đối với quyền tiếp cận bình đẳng thông tin với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Thông tư tập trung vào nội dung bắt buộc các công ty niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Việt nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhanh nhất thông tin trên thị trường chứng khoán.
Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đã trình bày về các nội dung chính của dự thảo Thông tư và quy tình bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán khi áp dụng cơ chế không có đủ tiền trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian lắng nghe trao đổi, tham gia ý kiến giữa các thành viên thị trường và đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành. Trong đó, về cơ bản các ý kiến đều thống nhất với những vấn đề liên quan tới dự thảo Thông tư lần này, trong đó ghi nhận phản hồi tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài có đầu tư vào thị trường Việt Nam đồng tình với các giải pháp lớn mà Việt Nam đang thực hiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc sửa 4 thông tư lần này là bước đi đầu tiên để điều chỉnh các quy định liên quan đến giao dịch chứng khoán, thanh toán chứng khoán trên hệ thống, hoạt động của các công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ và công bố thông tin. Đây là bốn mảng khác nhau trong một thông tư, để làm sao có những quy định mới, đưa hoạt động của thị trường tiến thêm một bước nữa, gần hơn với thông lệ chung.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/sap-bo-yeu-cau-ky-quy-truoc-giao-dich-chung-khoan-1371874.ldo