Ăn chay thường nguy cơ thiếu coban
PGS.TS Trần Đáng – nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – cho biết tuy coban có ít trong cơ thể người và mới được xác định từ năm 1955, nhưng nó cũng rất quan trọng với cơ thể người. Nó là thành phần chính của vitamin B12, nên vitamin này còn được gọi là chất cobalamin.
Thiếu coban sẽ dẫn tới hiện tượng chán ăn và thiếu máu. Người ta đã thử nghiệm cho vào trong đất một lượng nhỏ từ 0,13mg – 0,30mg coban trên 1kg đất sẽ làm tăng sức khỏe của những động vật ăn cỏ ở vùng đất đó.
PGS.TS Đáng phân tích, cơ thể người có khoảng 1mg coban, chủ yếu được tích lũy ở gan. Ngoài ra, trong cơ thể, lượng coban được phân phối như sau: 45% trong các cơ bắp, 15% trong xương, phần còn lại được phân tán trong mọi tế bào. Máu chứa từ 0,07 – 136 µg/l, chủ yếu trong hồng huyết cầu.
Vì coban là nguyên tố chính trong vitamin B12 nên có thể coi những đặc tính của vitamin B12 cũng là của coban, như chống bệnh thiếu máu, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh, tăng cường trí nhớ, giúp cho sự phát triển cơ thể của trẻ em được thuận lợi…
Những thực phẩm cung cấp cho cơ thể vitamin B12 cũng là những nguồn coban, chủ yếu là gan, sữa, thịt, trứng, sô cô la, tôm, cua, một số quả khô, hạt có dầu…
Trong trái cây và rau đậu không có coban. Bởi vậy, những người ăn kiêng hay ăn chay, chỉ ăn các thực phẩm thực vật thường bị thiếu coban, sau 3-6 năm sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh.
Đảm bảo đủ giúp tiêu hóa tốt
Theo PGS.TS Đáng, cơ thể thiếu coban sẽ có những biểu hiện đầu tiên là cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung và thiếu máu. Mỗi ngày cơ thể chúng ta cần 3µg vitamin B12, tương ứng với 0,04 – 0,12µg coban mà các bữa ăn trong ngày thừa khả năng cung cấp vì có thể đạt tới 5 – 45µg.
Lượng coban này trong thành phần của vitamin B12, là trợ thủ đắc lực của 2 loại enzym có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa các chất axit amin trong thực phẩm, rồi lại giúp cơ thể tổng hợp các axit amin mới phù hợp với cơ thể con người.
Chớ nên lo thừa coban mà cần phải bổ sung khi thiếu, đặc biệt là người ăn chay. Những người thiếu coban thường bị thiếu máu.
Nhưng nguyên nhân chính là do thiếu chất dinh dưỡng (ăn thiếu hoặc ăn kiêng thực phẩm động vật), bị bệnh đường tiêu hóa, hoặc cơ thể thiếu khả năng hấp thụ vitamin B1.
Hiện tượng thừa coban ít khi xảy ra đối với người bình thường. Bởi 70% lượng coban do cơ thể hấp thu được từ thức ăn lại được thải ra ngoài qua đường tiểu tiện, 10 – 15% qua đường tiêu hóa.
Những người làm việc tại nơi sản xuất coban có thể mắc bệnh về đường hô hấp giống như bệnh hen, bệnh viêm mũi dị ứng thì có thể do coban gây ra. Da tiếp xúc nhiều với coban có thể bị dị ứng và bị bệnh eczema.
Các khoáng chất chính cần cung cấp cho cơ thể bao gồm clorua, natri, kali, canxi, photpho, magiê. Tuy nhiên đây chỉ là những khoáng chất cần cho cơ thể, còn để có một sức khỏe tốt cũng như phát triển toàn diện, mỗi người cần phải nạp thêm các vi khoáng.
Vi khoáng là những khoáng chất vi lượng cần thiết và không thể thiếu trong cơ thể con người. Tuy nhiên vi khoáng không cần lượng lớn như các khoáng chất trên mà chỉ cần một lượng rất nhỏ để tham gia quá trình vận hành cơ thể.
Các vi khoáng chủ yếu có thể kể đến như: kẽm, đồng, i ốt, sắt, selen, coban, fluor, mangan, crom…, được gọi là “ánh sáng của cuộc sống”.
Mỗi thành viên trong dòng họ nguyên tố vi lượng đều có chức năng và tác dụng riêng của mình, cần bổ sung cho đúng để cơ thể khỏe mạnh.
Ví dụ crom có tác dụng cải thiện, phòng ngừa và chữa trị bệnh xơ cứng động mạch vành, làm giảm chất cholesterol, còn i ốt thì có tác dụng rõ rệt đối với hệ thống tuần hoàn và hoạt động cơ bắp…
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-sung-coban-chong-chan-an-thieu-mau-chua-dau-dau-2024072613444528.htm