Sáng ngày 26/7), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”.
Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. (Ảnh: Gia Thành) |
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các cơ quan và doanh nghiệp tại địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa là bất kỳ hoạt động nào của doanh nghiệp hướng đến giảm tác hại đến môi trường, đưa doanh nghiệp đến sản xuất các hàng hóa thân thiện với môi trường hơn, như giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả khả năng tái chế các sản phẩm qua sử dụng hoặc tận dụng các vật liệu tái chế, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả và có trách nhiệm hơn.
Hoạt động đổi mới sáng tạo xanh có thể bao gồm đổi mới thiết bị, sản phẩm, quy trình, chính sách và các dự án theo hướng xanh. Hoạt động này giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các tiêu chuẩn và quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ.
Trình bày một số kết quả nghiên cứu chính về thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế (CIEM) cho hay, ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm…
Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh…
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Luyến thông tin, đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện đổi mới sáng tạo trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Về kinh nghiệm thực hành xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại địa phương, ông Trần Trí Dũng, Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ cho rằng, cần chú trọng tư duy xây dựng hệ sinh thái được thấu hiểu và ủng hộ từ cấp lãnh đạo; xây dựng hệ sinh thái gắn với định hướng phát triển và đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương; thúc đẩy hợp tác trong hệ sinh thái theo mô hình: nhà nước – doanh nghiệp – viện trường.
Đồng thời, theo ông, cần gắn dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các sự kiện và hoạt động để tạo ra các chương trình hỗ trợ; thiết kế tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như một startup bắt đầu từ nhu cầu, mục tiêu mong muốn và nguồn lực sẵn có để hướng tới một mô hình kinh doanh bền vững; bắt đầu với những người tiên phong tại địa phương.
Đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG đã được các doanh nghiệp quan tâm. (Nguồn: EVN) |
Báo cáo của CIEM chỉ rõ, hiện tại, hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý.
Không chỉ thế, các chính sách hỗ trợ phát triển xanh, hướng đến tiêu dùng xanh còn chưa thực sự đồng bộ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ để tạo ra những chuyển biến đáng kể về công nghệ và quy trình sản xuất.
Tín dụng xanh chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng xanh còn ít. Việc phát triển thị trường tài chính xanh còn nhiều khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh.
Báo cáo của CIEM nêu: “Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh ở hầu hết các địa phương thường tập trung thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa quan tâm đúng mức đến thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chính những doanh nghiệp đang hoạt động”.
Vì vậy, trong tương lai, để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, CIEM nhận thấy, cần nghiên cứu quy định cụ thể về đổi mới sáng tạo xanh; tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy; tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ; cần xây dựng chương trình giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện mục tiêu này.
Bên cạnh việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hiện nay, cần đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang hoạt động, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ciem-can-tap-trung-xay-dung-chuong-trinh-ho-tro-de-doanh-nghiep-nho-va-vua-tang-toc-doi-moi-sang-tao-xanh-280176.html