Đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV còn khá hạn chế
Ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm…
Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Thông tin về kết quả của nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” tại sự kiện diễn ra ngày 26.7, TS Nguyễn Thị Luyến – Trưởng ban, Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho biết, mặc dù được quan tâm thực hiện nhưng hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV còn khá hạn chế.
Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường.
Phương thức đổi mới sáng tạo xanh phổ biến được nhiều DNNVV thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục những lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hay cải tiến hệ thống sản xuất hiện có.
Do hàm lượng công nghệ trong các DNNVV còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản). Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn thực sự chưa nhiều.
Còn những khoảng trống pháp lý
Thời gian qua, Nhà nước đã từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV, trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh. Khung chính sách chung thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo xanh đã được hình thành với nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan được ban hành và hoàn thiện; nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành.
Các nhóm giải pháp chính sách tài chính và chính sách phi tài chính hỗ trợ, tạo động lực cho DNNVV phát triển và thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh. Tuy nhiên, hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý.
Chẳng hạn như chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh chủ yếu là các chương trình tập huấn và đào tạo, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng…
Theo TS Nguyễn Thị Luyến, để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DNNVV ở Việt Nam, cần nghiên cứu quy định cụ thể về đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh; tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp.
Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/khoang-trong-phap-ly-trong-hoat-dong-doi-moi-sang-tao-xanh-1371615.ldo