DNVN – Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu rau quả đang trên đà tăng trưởng, cần phải bảo đảm sự ổn định về chất lượng và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cần được nâng cấp.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính sơ bộ xuất khẩu rau quả lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, chuối, thanh long là những mặt hàng xuất khẩu chính. Với nguồn cung dồi dào và các thỏa thuận thương mại mới, dự báo xuất khẩu rau quả có thể đạt mức 7-7,5 tỷ USD trong năm nay.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn chục loại trái cây vào thị trường Trung Quốc. Bao gồm, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Hiện hai nước đã thống nhất ký kết nghị định thư dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam là Hàn Quốc. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với Mỹ, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 157 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thái Lan cũng là một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Mặc dù là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều sản phẩm tương đồng với Việt Nam, Thái Lan vẫn tăng cường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam do những biến động thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến mùa vụ của họ.
Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt mức 7-7,5 tỷ USD trong năm 2024.
Không chỉ dừng lại ở thị trường châu Á, rau quả Việt Nam còn ghi nhận sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường mới như Anh và EU. Đây là những thị trường có tiềm năng lớn và đang được ngành rau quả Việt Nam chú trọng khai thác.
Các chuyên gia từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào và nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường truyền thống cũng như mới nổi.
Bên cạnh đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật và pháp lý. Cụ thể là đàm phán và ký kết các nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận và mở rộng thị trường một cách bền vững.
Các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng mới tại các thị trường lớn. Đối với thị trường Trung Quốc, ngoài sầu riêng chế biến, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh cũng đang có triển vọng mở cửa nhập khẩu.
Sự linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường sẽ là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường vị thế và mở rộng thị phần.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp cần nắm giữ những thành quả mình đã đạt được để làm bước đệm cho những sự phát triển mới. Cần làm ăn chuẩn chỉ, nghiêm túc, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để có thể xuất khẩu bền vững, giữ hình ảnh, uy tín cho thương hiệu rau quả Việt.
Đánh giá về triển vọng từ các thị trường trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội cho hay, các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam chủ yếu nằm ở khu vực Đông Á. Đó là những khu vực nằm trong vùng ôn đới, cho nên họ rất cần những rau quả nhiệt đới của Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển ngắn nên hàng hóa có ưu điểm hơn so với các khu vực khác ở xa.
Quan trọng hơn, đây là những khu vực có nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân càng ngày càng cao, nên vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe họ rất chú trọng. Do đó sẽ tiêu thụ rất nhiều hoa quả, nhưng cũng sẽ đòi hỏi chất lượng càng ngày càng cao.
“Muốn phát triển lâu, bền vững thì đầu tiên là giữ gìn chất lượng, sản lượng ổn định, tốt và đều, chứ không phải lúc hàng tốt, lúc hàng xấu, khi thì nhiều, khi thì ít hàng. Nghĩa là chất lượng phải tốt và ổn định. Cần phát triển thêm những công cụ, công nghệ bảo quản, chế biến thì nông sản mới cạnh tranh được với các nước và phát triển bền vững và giữ vững được thị phần”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/xuat-khau-rau-qua-chat-luong-phai-on-dinh-cac-fta-can-duoc-nang-cap/20240726084254218