Một số ngành hàng nông sản xuất khẩu của VN dự báo sẽ đạt mốc 5 – 10 tỉ USD trong năm 2024 dù tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, thị trường dự báo có nhiều biến động.
Cà phê, gạo xuất khẩu lần đầu vượt 5 tỉ USD
Trong 2 ngày gần đây, giá cà phê robusta trên thị trường London giảm đến 3 con số. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là mối bận tâm lớn của nhiều người trong ngành. Do khoảng 2 tuần trước giá mặt hàng này bất ngờ vọt lên mức kỷ lục 4.634 USD/tấn, hiện thị trường có hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và giá cà phê nội địa vẫn trên mức 125.000 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay giá cà phê luôn duy trì mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 60 – 80%. Nhờ vậy mới qua 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê đạt tới 3,2 tỉ USD, tăng đến 33% dù sản lượng chỉ đạt 893.000 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (VICOFA), phân tích: Thị trường mấy ngày gần đây tuy có nhiều biến động nhưng giá khó giảm sâu. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, giá cà phê vẫn ở mức cao vì các phân tích và dự báo đều cho thấy nguồn cung tiếp tục thấp hơn cầu. Bên cạnh đó là căng thẳng địa chính trị, kinh tế khó khăn, vận tải biển và cả vấn đề đầu cơ của các nhà buôn lớn. Là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới nhưng hiện nguồn cung của VN không còn nhiều, kể cả trong dân và kho dự trữ của doanh nghiệp (DN). Kể từ tháng 6, lượng hàng xuất khẩu đã giảm đến 40% so với trung bình nhiều năm. Hiện tại, người trong ngành đều trông chờ vào vụ thu hoạch mới sẽ bắt đầu từ tháng 10.2024, khi đó nguồn cung và kim ngạch xuất khẩu có thể tăng mạnh trở lại.
“Năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt con số kỷ lục trên 4,2 tỉ USD. Trong năm 2024, VN có thuận lợi là giá cà phê đạt mức cao ngay từ đầu năm nên chúng ta hoàn toàn tin tưởng kim ngạch của cả năm không chỉ đạt mà có thể vượt 5 tỉ USD, một cột mốc mới của ngành cà phê VN”, ông Hải lạc quan.
Hơn cả cà phê, ngay từ đầu năm nay xuất khẩu gạo được lợi cả về lượng và giá. Giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt bằng giá mới này giúp kim ngạch xuất khẩu gạo VN đạt gần 3 tỉ USD, tăng đến 32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng gần 4,7 triệu tấn, tức chỉ tăng hơn 10%. Với đà tăng trưởng như hiện tại, nhiều chuyên gia và DN tin rằng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2024 được dự báo sẽ lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 5 tỉ USD. Đây tiếp tục là kỳ tích mới sau con số lịch sử 4,7 tỉ USD của năm 2023.
Niềm tin ngày càng được củng cố vững chắc khi những thông tin thị trường gần đây hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm của VN. Đầu tuần này, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, thông báo có thể tăng lượng gạo nhập khẩu cả năm 2024 lên tới 4,3 triệu tấn, tăng thêm 600.000 tấn so với thông báo hồi đầu năm. Đi liền với đó, đợt mời thầu gạo của Indonesia trong tháng 7 này là 320.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với những đợt thầu hồi đầu năm. Từ đầu năm đến nay, Indonesia mới nhập khẩu khoảng 2,2 triệu tấn gạo và trong 6 tháng cuối năm nay phải nhập khẩu thêm khoảng 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu lương thực của 270 triệu dân.
Trước đó, Philippines cũng thông báo nhu cầu nhập khẩu gạo tăng từ 4,1 triệu tấn lên 4,5 triệu tấn trong năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, nước này cũng mới nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn gạo. Quan trọng nhất là cả Philippines và Indonesia đều là khách hàng lớn của gạo VN, nên trong những vụ thu hoạch tiếp theo nông dân VN không còn lo thiếu đầu ra cho hạt gạo.
Trong khi đầu ra của gạo mở rộng thì nguồn cung trên thị trường có thể bị hạn chế khi mới đây truyền thông Pakistan cho biết chính phủ nước này muốn tăng thuế xuất khẩu gạo nhằm hạn chế xuất khẩu. Đây là một phần nguyên nhân khiến giá gạo Pakistan thời gian gần đây tăng mạnh.
Hướng đến cột mốc 10 tỉ USD
Lễ hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk còn hơn một tháng nữa mới đến ngày khai mạc, đánh dấu cao điểm thu hoạch loại “vua trái cây” trên vùng đất Tây nguyên. Các tỉnh Tây nguyên cũng là vùng có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, đặc biệt là thủ phủ Đắk Lắk.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt kim ngạch hơn 1,3 tỉ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng mạnh như vậy nhưng điều bất ngờ thật sự vẫn còn phải chờ đến vụ thu hoạch sầu riêng Tây nguyên, bắt đầu từ tháng 8. Với đà tăng trưởng như hiện tại và không có diễn biến gì bất ngờ thì xuất khẩu sầu riêng của VN cả năm có thể đạt khoảng 3 tỉ USD. Tăng trưởng của sầu riêng sẽ góp phần vào kim ngạch chung của ngành rau quả ước tính có thể đạt tới 7 tỉ USD. Ngoài sầu riêng còn có một số mặt hàng rau quả tăng trưởng tốt như chuối, mít, xoài, nhãn, bưởi, dừa…
“Tiềm năng của thị trường rau quả vẫn còn rất tốt. Đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, chúng ta có nhiều mặt hàng đang chờ được ký nghị định thư như sầu riêng đông lạnh hay dừa tươi. Với mặt hàng sầu riêng thì dung lượng thị trường vẫn đang phát triển với tốc độ nhanh và cơ hội lớn cho hàng VN. Ngành rau quả có thể nhanh chóng trở thành ngành hàng chục tỉ USD trong vài năm tới”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Trong khi đó, vượt qua một năm 2023 ảm đạm, ngành thủy sản xuất khẩu đang phấn đấu trở lại với con số 10 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, những tín hiệu tích cực đã quay trở lại với nhiều ngành hàng cũng như nhiều thị trường quan trọng. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng qua, xuất khẩu thủy sản thu về hơn 4,4 tỉ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với mặt hàng chủ lực là tôm, xuất khẩu 6 tháng đạt gần 1,6 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường quan trọng là Mỹ, Trung Quốc và EU đều tăng trưởng khá.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, cho rằng ngành thủy sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào và thách thức về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trong 6 tháng qua là nguồn động lực lớn cho cộng đồng DN trong phần còn lại của năm 2024. Trong giai đoạn này, các DN cũng đang tích cực sản xuất và tìm kiếm đơn hàng cho những tháng cao điểm cuối năm. Thông thường thì từ tháng 8 sẽ vào mùa cao điểm sản xuất kinh doanh và các DN cũng có nhiều chiến lược để thích ứng với từng thị trường như sản xuất hàng giá trị gia tăng để phục vụ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Thị trường Trung Quốc sẽ là các sản phẩm tươi sống; còn thị trường Mỹ và EU sẽ là những sản phẩm đông lạnh.
“Cộng đồng DN cũng hy vọng khi vào cao điểm, giá thành sản phẩm có thể cải thiện cùng với lượng mua hàng sẽ tăng. Nếu 6 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 5 tỉ USD hoặc hơn thì kim ngạch cả năm có thể chạm đến con số 10 tỉ USD”, bà Lê Hằng kỳ vọng.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/nong-san-viet-xuat-khau-tang-truong-vuot-ky-vong-185240725210205225.htm