Càng về đêm, dòng người hướng về nơi tổ chức lễ tang, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng đông. Tại TP.HCM, ban tổ chức quyết định giờ viếng đến 23h thay vì 22h như thông báo trước.
Dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất tối 25-7 – Ảnh: HỮU HẠNH
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội, người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 17h35 hôm nay 25-7. Tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, người dân vào viếng từ 13h.
Tại quê nhà Lại Đà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), người dân vào viếng theo hướng dẫn của Ban tổ chức.
“Học Tổng Bí thư từ những việc nhỏ”
25/07/2024 23:00 GMT+7
Đến 23h, những người dân xếp hàng cuối cùng phía ngoài phố Lò Đúc đã được đi vào bên trong Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư.
Tại quê nhà Tổng Bí thư, những đoàn người cuối cùng cũng đã đi qua cổng làng Lại Đà. Chỉ còn các lực lượng chức năng ở lại bàn giao công việc, kết thúc ngày đầu lễ viếng vị lãnh đạo được người dân yêu kính.
Những người tham dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời nhà tang lễ sau lễ viếng – Ảnh: D.LIỄU
Tại TP.HCM, sau lễ viếng, nhóm 30 tình nguyện viên từ Cộng đồng xanh Việt Nam đã “ra quân” dọn vệ sinh khu vực Hội trường Thống Nhất.
Với các bạn, lần “ra quân” này rất đặc biệt, là một cách để các bạn tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Với chúng em, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một tấm gương. Noi theo tấm gương đó mà rèn luyện đạo đức, bắt đầu từ những việc nhỏ như thế này”, bạn Ngọc Anh, trưởng nhóm tình nguyện, chia sẻ.
Nhóm tình nguyện viên Cộng đồng xanh Việt Nam dọn vệ sinh khu vực Hội trường Thống Nhất tối 25-7 – Ảnh: THẢO LÊ
“Sẽ dặn con cháu luôn nhớ đến tấm gương người Đảng viên tài đức”
25/07/2024 22:41 GMT+7
Là gia đình cuối cùng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Ba (ngụ quận 8, TP.HCM) và 2 đứa cháu nhỏ chạy từ cổng vào Hội trường Thống Nhất lúc hơn 22h. Bà Ba cho biết cả nhà đã chuẩn bị từ chiều nhưng vì trận mưa to kéo dài khiến niềm mong mỏi thắp nén hương viếng Tổng Bí thư trì hoãn lại tận giờ này.
Với bà Ba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một Đảng viên nòng cốt, liêm chính, đạo đức, người luôn trọn đời nghĩ đến nhân dân.
“Hay tin ông ấy mất tôi rất buồn và nghẹn lời. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất nhớ và thương quý ông. Sẽ dặn dò con cháu về sau phải luôn nhớ đến tấm gương người Đảng viên tài đức này”, bà Ba rơi nước mắt khi nhắc về Tổng Bí thư.
Hôm nay tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM từ 7h đến 22h có 691 đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (38.127 lượt người). Trong 691 đoàn trên, phía trung ương có 49, đoàn nước ngoài có 19, còn lại 632 trong nước.
Bà Nguyễn Thị Ba dắt tay 2 cháu nhỏ cùng con gái đến viếng Tổng Bí thư vào cuối ngày – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Những dòng người vẫn nối dài trên phố Hà Nội
25/07/2024 22:35 GMT+7
22h25, người dân vẫn còn xếp hàng trên phố Lò Đúc – Ảnh: DANH KHANG
Nhiều người bày tỏ muốn chờ đợi đến lượt để vào viếng dù hàng vẫn đang dài phía trước – Ảnh: DANH KHANG
Người dân xếp hàng dài, được lực lượng chức năng tạp điều kiện cho di chuyển nhanh vào bên trong viếng Tổng Bí thư – Ảnh: DANH TRỌNG
Chị Phạm Thị Quyên bùi ngùi chờ vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: PHẠM TUẤN
Nghe tin người dân được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ tối 24-7, chị Phạm Thị Quyên đã nhanh chóng bắt xe khách từ TP Điện Biên xuống Hà Nội để hòa cùng dòng người vào viếng.
22h20, chị vẫn lặng lẽ đứng xếp hàng chờ tới lượt vào viếng Tổng Bí thư.
“Dù khoảng cách xa xôi nhưng tôi vẫn quyết định xuống tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối vì rất ngưỡng mộ ông, một nhân tài của đất nước, vẹn toàn đạo đức”, chị Quyên nói.
Đến 22h30, do lượng người quá đông, xếp hàng dài hàng km, nên lực lượng chức năng yêu cầu người dân xếp thành hai hàng ngay ngắn, tạo điều kiện cho người dân di chuyển nhanh vào bên trong nhà tang lễ để viếng Tổng Bí thư.
Tuy nhiên, do quá tải, đôi lúc các chiến sĩ công an phải cho đòng người tạm đứng chờ rồi mới tiếp tục đi vào trong nhà tang lễ.
Dòng người tiếp tục dồn về Lại Đà dù đã hết giờ viếng theo thông báo
25/07/2024 22:10 GMT+7
Dòng người đông đúc đổ về thôn Lại Đà dù đã đêm muộn – Ảnh: HỒNG QUANG
Người dân vẫn nghiêm túc xếp hàng dài chờ vào viếng – Ảnh: HỒNG QUANG
Trước cổng làng Lại Đà, dòng người cũng như vô tận – Ảnh: HỒNG QUANG
Hơn 22h, dòng người đổ về thôn Lại Đà, quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn kéo dài gần 3km.
Đa phần người dân đến từ những vùng lân cận, mong muốn được vào viếng vị lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.
Chị Hà Phong Lan (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết do bận công việc, tối nay chị mới cùng chồng, con đến viếng Tổng Bí thư. Cả nhà quyết tâm chờ cho đến khi vào được hội trường.
Ban tổ chức lễ tang tại thôn Lại Đà cho biết vẫn tiếp tục phục vụ người dân tới viếng dù đã hết giờ theo thông báo trước đó (22h).
22h, người dân vẫn xếp hàng ngay ngắn chờ viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 22:01 GMT+7
Gần 22h, dòng người đổ về Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc một đông. Tuy đông nhưng ai nấy cũng kiên nhẫn, nhắc nhau xếp thành hàng lối.
Chị Thanh Hoài (31 tuổi, quê Nghệ An) vừa có đợt công tác ở Hà Nội đúng thời điểm tổ chức lễ Quốc tang Tổng Bí thư, vậy là chị quyết định cùng người dân xếp hàng đến viếng ở Nhà tang lễ Quốc gia.
Bước từng bước theo đoàn người vào viếng trên phố Lò Đúc, nhưng chị Hoài nói không nề hà gì, mọi người ai cũng tuân thủ điều tiết của lực lượng an ninh, cùng nhau xếp hàng chờ đợi.
“Dù đứng gần cuối hàng nhưng tôi mong đêm nay sẽ được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” – chị Hoài bộc bạch.
Gần 22h, dòng người đổ về nhà tang lễ quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc một đông. Tuy đông nhưng ai nấy cũng kiên nhẫn, nhắc nhau xếp thành hàng lối – Ảnh: NAM TRẦN
Gần 22h, dòng người đổ về nhà tang lễ quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc một đông. Tuy đông nhưng ai nấy cũng kiên nhẫn, nhắc nhau xếp thành hàng lối – Ảnh: NAM TRẦN
Gần 22h, dòng người đổ về nhà tang lễ quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc một đông. Tuy đông nhưng ai nấy cũng kiên nhẫn, nhắc nhau xếp thành hàng lối – Ảnh: NAM TRẦN
Gần 22h, dòng người đổ về nhà tang lễ quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc một đông. Tuy đông nhưng ai nấy cũng kiên nhẫn, nhắc nhau xếp thành hàng lối – Ảnh: NAM TRẦN
55.600 lượt người viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 21:56 GMT+7
Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ 7h đến 19h30 ngày 25-7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TP.HCM) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).
Người dân xúc động khi đến viếng Tổng Bí thư – Ảnh: NAM TRẦN
“Nếu không kịp đêm nay, mai sẽ đi sớm để tiễn đưa Tổng Bí thư”
25/07/2024 21:45 GMT+7
21h45, chỉ còn 15 phút nữa hết giờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thông báo, vẫn còn rất đông người dân xếp hàng từ khu vực kiểm tra an ninh nằm tại góc phố Lò Đúc – Nguyễn Công Trứ đến cuối con phố này (giao phố Lê Văn Hưu, Hàm Long, Phan Châu Trinh và Hàn Thuyên).
Nhiều người chia sẻ nếu hôm nay không kịp vào viếng thì sáng mai họ sẽ đi sớm hơn để được tiễn Tổng Bí thư đoạn đường cuối.
Trên phố Lò Đúc, dòng người xếp hàng dài đến vài cây số, ai nấy nhích từng bước mong được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người bày tỏ nếu hôm nay không kịp vào viếng thì sáng mai họ sẽ đi sớm hơn để được tiễn Tổng Bí thư đoạn đường cuối – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Trên phố Lò Đúc, dòng người xếp hàng dài đến vài cây số, ai nấy nhích từng bước mong được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người bày tỏ nếu hôm nay không kịp vào viếng thì sáng mai họ sẽ đi sớm hơn để được tiễn Tổng Bí thư đoạn đường cuối – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Dòng người viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dài thêm khi về đêm, nhiều người bật khóc
Những cơn gió mát lành của người dân Lại Đà với bà con cả nước
25/07/2024 21:44 GMT+7
Bà con thôn Lại Đà chung tay, để quạt cây ra đường để phục vụ người đến viếng Tổng Bí thư – Ảnh: HÀ QUÂN
Trời tối nhưng lặng gió, không khí oi nóng vơi bớt dù dòng người xếp hàng chờ vào viếng vẫn còn đông – Ảnh: HÀ QUÂN
21h30 tối tại thôn Lại Đà, trời đã bớt nóng nhưng vẫn còn oi, bầu trời lặng gió.
Thương người dân từ khắp nơi về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Diễm (xóm 10, thôn Lại Đà) và nhiều gia đình khác chủ động mang tất cả quạt cây có trong nhà ra trước cửa bật để giải tỏa cơn nóng cho người đang xếp hàng.
Cô Diễm nói tình cảm này cũng như tình cảm quý mến, trân trọng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi dù công việc bộn bề, Tổng Bí thư rất gần gũi, thân thuộc và nhớ cả tên ở nhà của những người bà con. Ông luôn chân thật, giản dị chứ không hoa mỹ.
Lượng người chờ quá đông, người dân cân nhắc sáng mai viếng
25/07/2024 21:26 GMT+7
Đến nay, lượng người đến và đứng chờ để vào viếng trước cổng Hội trường Thống Nhất đã rất đông. Ban tổ chức đã phải huy động tối đa nguồn nhân sự để phân luồng, tạo điều kiện cho từng đoàn người dân vào viếng.
Ở chiều ngược lại, dòng người sau khi viếng đổ ra cũng rất đông, buộc lực lượng chức năng phải phân luồng để đảm bảo an toàn.
Ghi nhận ở các khu vực giữ xe, việc gửi xe cũng khó khăn do số người đến quá đông. Lực lượng giữ xe khuyến cáo người dân nên để sáng sớm ngày mai đến viếng.
Dòng người kiểm tra an ninh để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc 21h30. Do số lượng người dân đến viếng vào chiều tối nay rất đông nên UBND TP.HCM quyết định giờ viếng đến 23h thay vì đến 22h như thông báo trước – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
TP.HCM kéo dài thời gian viếng đến 23h
25/07/2024 21:04 GMT+7
Do số lượng người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất vào chiều và tối nay rất đông nên UBND TP.HCM quyết định giờ viếng đến 23h thay vì đến 22h như thông báo trước, nhằm tạo mọi điều kiện để người dân được đến viếng thuận lợi nhất.
23h Ban tổ chức sẽ không nhận đăng ký vào viếng và giờ viếng ngày mai bắt đầu từ 7h, kết thúc lúc 12h30.
21h, người dân xếp hàng chờ vào Hội trường Thống Nhất ngày càng nhiều – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Mọi người ngay ngắn chờ đến lượt – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Bay từ Nghệ An vào TP.HCM viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 21:00 GMT+7
Bà Lương Thị Vân (67 tuổi) cùng gia đình 4 thành viên là người dân tộc Thái, sống tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An từ tờ mờ sớm hôm nay đã bay vào TP.HCM với nguyện vọng biết đến thành phố mang tên Bác và đặc biệt để thắp nén hương đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong ấn tượng của người phụ nữ dân tộc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
“Thời gian vừa rồi thấy bác còn rất mạnh khỏe, còn tiếp các đoàn khách quốc tế nên nghe tin bác mất người dân rất buồn và bất ngờ. Bác Trọng là vị lãnh đạo mà dân tin, dân nhớ và dân thương, bác cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng”, bà Vân nghẹn ngào.
Bà Lương Thị Vân (giữa) cùng gia đình bay từ Nghệ An vào TP.HCM viếng Tổng Bí thư – Ảnh: CẨM NƯƠNG
“Cố gắng bằng cả tấm lòng của người con, người công dân hướng về bác Trọng”
25/07/2024 20:57 GMT+7
Chị Trịnh Thị Lan (ngụ quận Tân Bình), nhân viên thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, có hơn 13 năm làm công tác duy tu, bảo dưỡng cây xanh, mảng xanh tại di tích lịch sử Dinh Độc Lập.
Chị Lan cho biết cả đội công nhân cây xanh làm việc tại đây có 22 thành viên. Những ngày qua dù công việc có nhiều hơn, vất vả hơn nhưng tất cả anh em trong đội đều động viên nhau cố gắng thật nhiều, cố gắng hơn ngày thường để khi cả miền Nam hướng về đây viếng Tổng Bí thư, cảnh quan nơi đây thật sự xanh mát và chỉn chu nhất.
Với chị Lan cũng như các công nhân khác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người tài đức, hết lòng với nhân dân. Vì lẽ đó, chị rất đau buồn khi hay tin Tổng Bí thư từ trần.
“Những ngày qua chúng tôi làm việc trong tâm thế rất đặc biệt. Đặc biệt ở đây không chỉ vì trách nhiệm mà đó còn là sự cố gắng bằng cả tấm lòng của một người con, một người công dân của đất nước hướng về bác Trọng”, chị chia sẻ.
Chị Trịnh Thị Lan (nhân viên công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM) – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Gần 21h, bà con vẫn hướng về bác Tổng Bí thư
25/07/2024 20:47 GMT+7
Người dân xếp hàng đi qua nhiều con phố, đến khu vực phố Trần Nhân Tông là địa điểm cuối cùng để trực tiếp vào khu vực Nhà tang lễ Quốc gia – Ảnh: HÀ THANH
Người dân xếp hàng đi qua nhiều con phố, đến khu vực phố Trần Nhân Tông là địa điểm cuối cùng để trực tiếp vào khu vực Nhà tang lễ Quốc gia – Ảnh: HÀ THANH
Dòng người xếp thành 3 hàng, kéo dài cả cây số trên phố Lò Đúc (Hà Nội) để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: PHẠM TUẤN
Tại khu vực đường Yec Xanh giao phố Lò Đúc, dòng người nối dài thêm dù đã gần 9h tối – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Trên phố Lò Đúc, lượng người xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư ngày càng đông thêm, các bãi gửi xe miễn phí do chính quyền địa phương sắp xếp đã kín chỗ. Các cửa hàng dọc hai bên mặt phố vui vẻ cho người dân để xe miễn phí. Chị Ngọc, chủ quán cafe Hà Thành trên phố Lò Đúc, cho biết dù cửa hàng phải bán hàng nhưng rất vui được hỗ trợ đồng bào về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: T.ĐIỂU
Thời tiết không ngăn được người đến viếng
25/07/2024 20:33 GMT+7
Các đoàn viên thanh niên chia nhau mang quạt đến cho từng người – Ảnh: HỒNG QUANG
Một bạn trẻ ra sức quạt tay hỗ trợ người dân đang xếp hàng – Ảnh: HỒNG QUANG
Trời càng tối, dòng người dồn về thôn Lại Đà càng đông. Tiết trời oi bức không ngăn được bước chân người dân đến tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các đoàn viên thanh niên huyện Đông Anh được huy động phát quạt cho người dân. Nhiều đoàn viên còn dùng sức quạt tay, xua đi hơi nóng cho dòng người đến viếng.
Đến 20h20, lượng người dân từ các khu phố về cổng Nhà tang lễ Quốc gia vẫn rất đông với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các lực lượng chức năng tập trung hướng dẫn người dân đi lại thành hàng, trật tự, sắp xếp đồ đạc để được vào viếng Tổng Bí thư thuận tiện nhất.
Biển người tập trung tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo – Tăng Bạt Hổ chờ vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: PHẠM TUẤN
Dòng người xếp hàng dài nhiều km trên phố Hà Nội chờ viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 20:14 GMT+7
19h50, dòng người xếp thành 3 hàng, kéo dài hàng cây số trên phố Lò Đúc (Hà Nội) để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: PHẠM TUẤN
19h50, dòng người xếp thành 3 hàng, kéo dài hàng cây số trên phố Lò Đúc (Hà Nội) để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Càng về đêm, dòng người dân đến viếng Tổng Bí thư càng đông hơn. Trong hàng dài chờ đợi, mỗi người nhích từng bước chân về phía trước. Vừa phe phẩy quạt nan, bà Hoàng Thị Hoa (50 tuổi, Hà Nội) nói khi nhích từng bước chân mới cảm thấy ý nghĩa. “Cả hàng ngàn người đang hướng về một hướng, để cùng nhau chia sẻ một cảm xúc đặc biệt, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, bà Hoa nói.
Dòng người không ngớt đổ về thôn Lại Đà
25/07/2024 19:44 GMT+7
Tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, từng dòng người vẫn đổ về không ngớt – Ảnh: HÀ QUÂN
Người dân xếp hàng dài, trang phục chỉnh tề chờ vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: HỒNG QUANG
Ông Nguyễn Văn Minh dẫn đầu đoàn viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng dù trời tối muộn – Ảnh: HÀ QUÂN
19h30, trên con đường chính thôn Lại Đà, quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng dòng người vẫn đổ về không ngớt. Nhiều người nói dù tối, dù muộn, dù chưa ăn tối, dù cách trở đường xa cũng tới viếng Tổng Bí thư.
Ông Nguyễn Văn Minh (79 tuổi, trưởng đoàn hội cựu chiến thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ, Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết đoàn gồm 15 người tranh thủ cuối giờ chiều đi ô tô hơn 40km đến thôn Lại Đà.
Theo ông Minh, 11 năm trước, ông đã được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày Đại đoàn kết toàn dân. Dù hơn một thập kỷ, ông vẫn nhớ từng lời căn dặn của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là có đoàn kết mới có thành công, nhân dân từ xóm ngõ tới khu dân cư cùng đồng lòng, quy tụ thành sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn.
“Hôm nghe tin Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi không cầm được nước mắt. Tôi nghe ngóng thấy tin bác bị bệnh, cừ chờ tin, đến khi nghe tivi, tôi bàng hoàng, không nghĩ bác đã đi xa”, ông Minh bày tỏ.
Vừa tham dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị Phan Thị Tâm (28 tuổi, Hà Nội) xúc động chia sẻ dù thời gian chờ đợi rất lâu mới được vào viếng nhưng chị không cảm thấy mệt mỏi. Chị Tâm nói biết ơn vì đã được dự tang lễ và bày tỏ lòng tôn kính của mình với Tổng Bí thư.
“Tôi rất ngưỡng mộ tài năng, yêu mến tinh thần vì dân, vì nước của Tổng Bí thư. Tôi rất xúc động khi được dự lễ tang và nghĩ đó là niềm vinh dự của tôi”, chị Tâm nghẹn ngào nói.
Phật tử thôn Lại Đà tụng kinh, xúc động khi thấy di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
25/07/2024 19:22 GMT+7
Phật tử thôn Lại Đà thực hiện nghi thức tụng kinh – Ảnh: HỒNG QUANG
Tăng ni, phật tử thôn Lại Đà tụng kinh tối cùng ngày – Ảnh: HỒNG QUANG
Đúng 19h, tăng ni, phật tử thôn Lại Đà thực hiện nghi thức tụng kinh. Phía trên, di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ở vị trí trang trọng.
Nhiều phật tử lớn tuổi xúc động, nghẹn ngào khi nhìn thấy di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau nghi lễ tụng kinh, nhiều người dân cũng đến chùa Lại Đà thắp hương bày tỏ lòng thương tiếc vị lãnh đạo lỗi lạc của đất nước.
Trên 19.700 lượt người viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất
25/07/2024 19:02 GMT+7
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 19h hôm nay, có 539 đoàn, trên 19.700 lượt viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất, trong đó từ 12-17h cùng ngày có 350 đoàn, trên 14.700 lượt người đến viếng.
Hiện tại TP.HCM đang mưa lớn nhưng không ngăn được những người dân yêu mến, kính trọng Tổng Bí thư đến viếng ông.
Người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất tối 25-7 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất dưới cơn mưa tối 25-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất dưới cơn mưa tối 25-7 – Ảnh: THANH HIỆP
Bên ngoài cổng Hội trường Thống Nhất, hàng ngàn người dân xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: THANH HIỆP
“Xin cảm ơn những đóng góp của bác cho đất nước”
25/07/2024 18:56 GMT+7
Bà Vũ Thị Hải (78 tuổi) nhà ở Hải Phòng cùng gia đình bay vào TP.HCM viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng hằng ngày bà vẫn luôn theo dõi tình hình của đất nước và có tình cảm sâu sắc, sự kính trọng, quý mến với Tổng Bí thư.
“Tôi là người dân thôi nhưng rất kính trọng bác, rất cảm phục và thương tiếc bác, vị lãnh đạo tài đức, giản dị, gần gũi nhân dân. Được thắp nén hương viếng bác tôi rất nghẹn ngào, không biết nói gì hơn, cảm ơn những đóng góp của bác cho đất nước của mình”, bà Hải xúc động.
Bà Vũ Thị Hải (78 tuổi, Hải Phòng) xúc động khi vào viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất tối 25-7 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM: Người dân tiếp tục vào viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 18:36 GMT+7
Trời sụp tối, dòng người lần lượt tiếp tục vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM – Ảnh: HỮU HẠNH
Người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM tối 25-7 – Ảnh: HỮU HẠNH
Lần lượt các đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bên trong Hội trường Thống Nhất, nhiều người không nén được xúc động – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Người dân về Nhà tang lễ Quốc gia ngày càng đông
25/07/2024 18:28 GMT+7
18h30, đoàn người xếp hàng vào viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia ngày một nối dài. Lực lượng an ninh thắt chặt, phối hợp điều tiết để phân luồng người dân vào viếng theo lượt, đảm bảo an toàn và trang nghiêm, trật tự.
Để hỗ trợ người dân, lực lượng tình nguyện viên thủ đô tích cực phát nước uống, quạt mát cho người dân đứng xếp hàng đợi vào viếng.
Trời càng về tối, dòng người xếp hàng trên phố, chờ đi vào viếng Tổng Bí thư ngày một đông – Ảnh: DANH TRỌNG
Dòng người nối dài hàng cây số chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù dòng người càng về tối càng đông, nhưng người dân xếp hàng trật tự dưới sự điều phối của lực lượng chức năng. Hình ảnh ghi nhận tại đường Hàn Thuyên Hà Nội – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Lực lượng tình nguyện viên thủ đô tích cực phát nước uống, quạt mát cho người dân đang xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: NAM TRẦN
18h30 hàng ngàn người dân đã có mặt xếp hàng tại khu vực đường Tăng Bạt Hổ, vườn hoa Pasteur trước Nhà tang lễ Quốc gia. Lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia phân luồng cùng và phát nước, quạt mát cho người dân – Ảnh: NAM TRẦN
Người dân rớt nước mắt trước di ảnh Tổng Bí thư
25/07/2024 18:15 GMT+7
Nhìn thấy di ảnh vị lãnh đạo, nhiều người không cầm được nước mắt.
Nhiều người dân không cầm được nước mắt – Ảnh: NAM TRẦN
Một phụ nữ khóc nghẹn khi nhìn thấy di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: NAM TRẦN
Những người dân đầu tiên vào viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 17:46 GMT+7
Đến 17h35, những người dân đầu tiên đã được quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân hoặc ứng dụng VNeID để vào nhà tang lễ viếng cố Tổng Bí thư.
Bước chân chậm rãi, người dân tuân thủ hướng dẫn của lực lượng an ninh, xếp hàng ngay ngắn, trang nghiêm.
Khi bước vào Nhà tang lễ Quốc gia, trong không khí trang nghiêm, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Tổng Bí thư. Những giọt nước mắt cứ vậy tuôn trào, ai cũng nghẹn lại.
Bà Hoàng Thị Lượng (quê Bắc Giang) xúc động cho biết bốn người trong xóm nhỏ ở quê đã đón xe khách từ 5h sáng từ Bắc Giang đến Nhà tang lễ Quốc gia. Đoàn của bà đợi từ 7h đến 18h để được vào viếng.
“Chúng tôi thương mến một người lãnh đạo đức độ, sâu sắc, bình dị…nên muốn đến đây để tưởng nhớ ông, tiễn ông đoạn đường cuối này”, bà Lượng nghẹn ngào.
Sau khi tham gia lễ viếng, người dân sẽ ra khỏi nhà tang lễ cổng Trần Khánh Dư.
Trên phố Hàn Thuyên, dòng người xếp dài hàng cây số, ai cũng mang một niềm tiếc thương sâu sắc – Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Dòng người nối dài trên đường Hàn Thuyên chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Người dân bắt đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: NAM TRẦN
Ông Đoàn Tấn Phụ, 67 tuổi (Quảng Ngãi), cho biết ông rất ngưỡng mộ những việc làm, cách làm lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, ông đã đi từ Quảng Ngãi đến Hà Nội từ trưa hôm qua để đến kính viếng Tổng Bí thư.
Ông Phụ (bên trái) là một trong những người đầu tiên tại đường Hàn Thuyên được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Tổng Bí thư là người liêm khiết, giản dị
25/07/2024 17:09 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Sự được con trai và một đoàn viên thanh niên đưa vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HÀ QUÂN
Một tay run run chống gậy, một tay bám lấy bàn tay nữ đoàn viên thanh niên, ông Nguyễn Văn Sự, 85 tuổi đời, 60 năm tuổi đảng, kể hai bố con đi từ Mê Linh đến Đông Anh để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quãng đường không dài nhưng là mong muốn của ông từ ngày nghe tin Tổng Bí thư rời xa.
Hôm đang ăn cơm tối, nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất trên tivi, ông sửng sốt, bỏ dở bữa cơm. Là đảng viên từ năm 1964, được vào Đảng, ông nói rất tin vào Đảng, Nhà nước, nhất là cuộc cách mạng phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư.
“Tôi rất xúc động khi đến viếng Tổng Bí thư, vì ông là lãnh đạo làm được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước. Ông cũng là người liêm khiết, giản dị”, ông Sự nói.
“Thương Tổng Bí thư vì đến những giây phút cuối đời vẫn cống hiến cho đất nước”
25/07/2024 17:01 GMT+7
Chị Nguyễn Thị Thu Ngân cùng con trai 7 tuổi mặc áo in hình Tổng Bí thư, xếp hàng chờ vào viếng – Ảnh: DANH TRỌNG
Sau cơn mưa lớn, bầu trời Hà Nội quang đãng, từ 15h chiều 25-7, hàng nghìn người dân đổ về các ngả đường xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia, chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại khu vực phố Lò Đúc giao Nguyễn Công Trứ, dòng người mặc áo đen lặng lẽ xếp hàng ngay ngắn. Trời càng về chiều, dòng người mỗi lúc càng nối dài. Họ là những người dân đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước như Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Trị, TP.HCM…., đến đây với mong muốn được thắp nén nhang vĩnh biệt Tổng Bí thư.
Đứng trầm ngâm trong dòng người chờ viếng, chị Nguyễn Thị Thu Ngân (37 tuổi, ở Đống Đa) cho biết những ngày qua hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, chị “ruột gan bồn chồn, thương xót ông sâu sắc”.
Hôm nay chị Ngân gác lại mọi công việc, cùng con trai 7 tuổi mặc áo in hình ảnh và những câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư đến xếp hàng “với hi vọng được vào viếng bác Trọng”.
“Tôi thương Tổng Bí thư vì đến những giây phút cuối đời vẫn cống hiến cho đất nước. Như tuổi bác, ông của tôi đã được nghỉ ngơi từ năm 60 tuổi, nhưng bác Trọng hơn 80 tuổi vẫn cống hiến cho nhân dân, đất nước đến giây phút cuối cùng.
Cũng như mẹ con chị Ngân, bà Thái Thị Thành, 76 tuổi (Hà Nội), cho biết nghe tin Tổng Bí thư từ trần, bà vô cùng thương tiếc. Trở về từ Quảng Trị, bà Thành nhanh chóng sắp xếp công việc, mặc bộ quân phục đến nhà tang lễ xếp hàng, chờ tới lượt vào viếng Tổng Bí thư.
“Cả một cuộc đời của bác đã vì dân, vì nước. Bác ra đi để lại niềm thương tiếc cho nhân dân Việt Nam khi còn nhiều công việc dở dang.
Tôi là một cựu chiến binh đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm, chúng tôi rất hiểu và kính trọng các vị lãnh đạo cao cấp của đất nước, tiêu biểu là bác Trọng – học trò xuất sắc của Bác Hồ”, bà Thành nói.
Bà Thái Thị Thành cùng người thân xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư – Ảnh: DANH TRỌNG
Nghe tin Tổng Bí thư từ trần như “mất đi một người thân thiết”
25/07/2024 16:51 GMT+7
Bà Nguyễn Thị Từ (Bắc Giang) – Ảnh: THÀNH CHUNG
Bà Nguyễn Thị Từ (Bắc Giang) chia sẻ đi từ 4h sáng lên Nhà tang lễ Quốc gia để mong muốn được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà chia sẻ khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần như “mất đi một người thân thiết trong gia đình” nên quyết tâm có mặt tại đây từ sớm để được chờ vào viếng Tổng Bí thư.
Người nước ngoài xếp hàng chờ viếng
25/07/2024 16:45 GMT+7
Anh Scott Lee, 31 tuổi, công dân Hàn Quốc hoà vào dòng người xếp hàng đợi vào viếng – Ảnh: NGUYÊN BẢO
16h tại ngã tư Nguyễn Công Trứ – Lò Đúc, anh Scott Lee, 31 tuổi, công dân Hàn Quốc, hiện là giáo viên tại Việt Nam, hòa vào dòng người xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Biết thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần thông qua truyền thông, với nhiều tình cảm với vị lãnh đạo Việt Nam, anh đã quyết định đến tiễn đưa Tổng Bí thư một chặng đường cuối cùng.
Chị Maysaa – du học sinh Lào tại Việt Nam – Ảnh: NGUYÊN BẢO
Trên đường Trần Hưng Đạo, chị Maysaa – du học sinh Lào tại Việt Nam – đến xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư. Là một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng với những video ý nghĩa về văn hoá Lào – Việt, Maysaa nói mong muốn của chị là tiếp tục được đóng góp công sức để góp phần làm tốt đẹp hơn mối quan hệ đặc biệt, tình nghĩa giữa hai nước.
Hà Nội: Dòng người xếp hàng dài chờ đến giờ viếng
25/07/2024 16:35 GMT+7
Tại Hà Nội, ngay nút giao Trần Thánh Tông – Trần Hưng Đạo – Hàn Thuyên, dòng người đội nắng xếp hàng đợi đến giờ vào viếng. Lực lượng an ninh ở đây cho biết dù 18h mới đến giờ vào viếng nhưng người dân đã đến rất đông. Công tác an ninh, phân luồng giao thông được đảm bảo an toàn và trật tự cho người dân vào viếng.
Người dân đứng xếp hàng dài bên đường Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: NAM TRẦN
Từ Thái Bình, bà Vũ Thị Thành (68 tuổi) đã có mặt tại thủ đô Hà Nội từ 16h chiều qua, thuê nhà trọ đợi để được viếng Tổng Bí thư.
Lựa chọn đứng ở nút giao Trần Thánh Tông – Trần Hưng Đạo – Hàn Thuyên, bà Thành đã đứng đợi và hòa vào dòng người thành kính hướng về Nhà tang lễ Quốc gia. Trời nắng rồi mưa, bà Thành nói không quản nắng mưa, nhất là hồi 14h chiều mưa to tầm tã nhưng bà vẫn không nề hà đứng đợi.
“Khi nghe tin Tổng Bí thư mất, mình khóc tận mấy ngày. Nguyện vọng của tôi là được viếng bác Trọng và ngày mai sẽ tiếp tục ở đây để tiễn đưa Tổng Bí thư” – bà Thành chia sẻ.
“Khi nghe tin Tổng Bí thư mất, mình khóc tận mấy ngày. Nguyện vọng của tôi là được viếng bác Trọng và ngày mai sẽ tiếp tục ở đây để tiễn đưa Tổng Bí thư” – bà Thành chia sẻ.
Từ quận Long Biên, Hà Nội, chị Nguyễn Ngọc Tú (35 tuổi) cùng con gái 6 tuổi hòa vào dòng người, đợi chờ tham gia lễ viếng. Vừa lau mồ hôi nhễ nhại cho cô con gái nhỏ, chị Tú nói dù có nóng nực, có mưa nhưng hai mẹ con vẫn cố gắng chờ đợi bởi muốn vào viếng Tổng Bí thư.
Chị Tú kể những ngày qua sau khi Tổng Bí thư qua đời, chị và con gái thường xuyên xem những bộ phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của ông.
“Mỗi lần tôi xem những bộ phim tài liệu, tôi đều giải thích cho con gái nghe về tiểu sử, việc làm của Tổng Bí thư. Có lẽ dù con chưa hiểu hết được nhưng hôm nay khi biết mẹ đến Nhà tang lễ Quốc gia tham dự lễ viếng, con cũng xin đi theo. Tôi cũng muốn con được biết đến vị lãnh đạo của đất nước mà nhiều người yêu mến”, chị Tú nói.
Người dân xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN
Một người phụ nữ bật khóc sau khi đi qua linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
“Tổng Bí thư rất gần dân, thương dân”
25/07/2024 16:27 GMT+7
Hòa trong dòng người đến viếng có bà Lê Thị Đương, 97 tuổi. Khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Đương đề nghị con cháu đưa mình ra Hà Nội để đưa tiễn Tổng Bí thư. Tuy nhiên vì sức khỏe yếu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên bà được con cháu đưa đi viếng tại Hội trường Thống Nhất.
Chờ 2 tiếng đồng hồ, trải qua hai cơn mưa to nhưng được thắp nén nhang đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Đương thấy nhẹ lòng. “Dù là lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gần dân, thương dân. Nhìn dòng người đến đây hôm nay cũng đủ thấy người dân kính trọng Tổng Bí thư như thế nào”, bà Đương nói.
Bà Lê Thị Đương (97 tuổi) được con cháu đưa đến Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: THẢO LÊ
Dòng người tiếp tục đổ về Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Cụ bà 92 tuổi quyết tâm đi bộ, xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 16:20 GMT+7
Xếp hàng ngay ngắn cùng dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Phương (92 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội) nói dù có xe điện ưu tiên nhưng vẫn quyết tâm đi bộ, xếp hàng lần lượt theo đoàn.
“Tôi còn nhớ năm Bác Hồ mất, xe cộ đi lại còn khó khăn. Nay thì thuận tiện hơn rồi nên phải quyết tâm đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy đã cống hiến cả đời cho đất nước”, bà nói.
Bà Nguyễn Thị Phương (92 tuổi) quyết tâm đi bộ, xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: HỒNG QUANG
Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Tùng đến Lại Đà viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
25/07/2024 16:12 GMT+7
Trong hàng dài người dân xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội chiều nay có các danh thủ U23 và đội tuyển Việt Nam như Duy Mạnh, Văn Tùng, Quang Hải và người thân.
Đây cũng là các cầu thủ đang thi đấu cho những đội bóng có tiếng của thủ đô như Công an Hà Nội, CLB Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Quang Hải quê ở xã Xuân Nộn, Duy Mạnh quê ở xã Liên Hà, Văn Tùng quê ở xã Thụy Lâm, tất cả đều thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.
Các thành viên đội tuyển U23 và đội tuyển Việt Nam xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: HÀ QUÂN
Bạn trẻ Hà Nội chờ vào viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 15:58 GMT+7
Lê Nguyễn Hà cùng bạn học chờ để được dự lễ viếng Tổng Bí thư – Ảnh: D.LIỄU
Gần 16h tại ngã tư Lò Đúc – Yecxanh, đoàn người dân lần lượt xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư.
Bạn Lê Nguyên Hà (19 tuổi, Trường cao đẳng Y tế Hà Nội) xếp hàng từ sớm, rất đông người đợi vào viếng nên Hà cố gắng hòa vào đoàn người.
Trong trái tim cô gái trẻ cảm nhận Tổng Bí thư đã đóng góp rất nhiều công sức cho đất nước, một đời vì nước vì dân nên rất hâm mộ Tổng Bí thư. Vì thế cô cố gắng đến khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, đợi giờ ban tổ chức cho người dân vào viếng.
“Tôi còn trẻ, mọi người đợi được tôi sẽ đợi được để viếng. Là người trẻ tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm được những điều mà Tổng Bí thư kỳ vọng” – Hà chia sẻ.
Người dân đến viếng Tổng Bí thư ngày càng đông
25/07/2024 15:48 GMT+7
Càng về chiều, người dân xếp hàng vào Hội trường Thống Nhất càng đông hơn. Thiếu tá Phạm Hùng Cường (quân Khu 7) liên tục hướng dẫn các đoàn trật tự trước khi kiểm tra an ninh.
Hòa trong dòng người là gia đình 6 người của chị Nguyễn Thị Hương. Cả nhà đi xe hơn 2 tiếng đồng từ Hóc Môn vào trung tâm TP để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bế con nhỏ mới 7 tháng tuổi dưới trời lất phất mưa chờ ở cổng Hội trường Thống Nhất, chị Hương không khỏi bồi hồi, xúc động vì dòng người hòa chung cảm xúc như mình đông không đếm xuể. Con của chị mắt tròn xoe nhìn cô chú xung quanh có người vội lau đi nước mắt.
Chị Hương cho biết chỉ biết đến Tổng Bí thư qua báo chí, tin tức thời sự nhưng rất quý trọng đức tính giản dị, liêm khiết, trọn đời vì đất nước, nhân dân của Tổng Bí thư. Khi biết thông tin TP.HCM tổ chức nơi viếng ông, mọi người nóng lòng, cùng hẹn nhau đến thắp nén hương. “80 năm tuổi đời không một giờ nghỉ hưu, gia đình tôi ai cũng buồn thương khi hay tin bác Trọng mất. Những phẩm chất đạo đức cũng như công lao của Tổng Bí thư sẽ mãi in sâu trong lòng người dân Việt Nam”, chị Hương nói.
Càng về chiều, người dân xếp hàng vào hội trường Dinh Thống Nhất càng đông – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Nhiều bạn trẻ xúc động khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HỮU HẠNH
Chị Nguyễn Thị Hương bế con mới 7 tháng tuổi, xếp hàng hơn 30 phút chờ viếng Tổng Bí thư – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Cô giáo trường PTTH Phú Nhuận, TP. HCM bật khóc khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HỮU HẠNH
Giám đốc Công an TP Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự tại thôn Lại Đà
25/07/2024 15:34 GMT+7
Chiều 25-7, đoàn Công an TP Hà Nội do trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an TP, dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, ông Trung đã đi kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, trật tự của các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực này.
Đoàn Công an TP Hà Nội do trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an TP, dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HỒNG QUANG
Nhiều người dân bật khóc khi vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: HỒNG QUANG
Vượt hàng trăm km lên TP.HCM viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 15:31 GMT+7
Nhóm bạn lần đầu gặp nhau, đến từ các tỉnh Bình Phước, Vĩnh Long, Cần Thơ… viếng Tổng Bí thư ở Hội trường Thống Nhất – Ảnh: PHƯƠNG NHI
Đúng 13h, nhóm bạn trẻ gần 20 người xếp hàng trước cổng Hội trường Thống Nhất đợi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị Thu Hà (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) cho biết gọi là “nhóm bạn” nhưng đây là lần đầu tiên họ gặp nhau. Họ đến từ các tỉnh thành khác nhau, công việc khác nhau, kết nối với nhau bởi lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc vị lãnh đạo.
Chị Hà kể qua các phương tiện truyền thông, chị biết hôm nay người dân có thể viếng bác tại Hội trường Thống Nhất. Trên mạng xã hội, có nhiều bạn trẻ ở khắp các tỉnh thành cũng rất muốn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Do đó, chị đã lập nhóm, kết nối các bạn và hẹn nhau trước cổng Hội trường. Nhiều người trong nhóm đã xin nghỉ phép, vượt quãng đường hàng chục, hàng trăm km từ các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long… để đến TP.HCM.
Trong nhóm chị Hà có bạn Lương Trí Hùng (20 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long). Hùng chia sẻ với bạn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Suốt khoảng thời gian vào thắp nén hương, viếng bác, bạn tràn ngập xúc động và không không kìm được nước mắt.
Giây phút ra về, Hùng kể mình vẫn cố gắng ngoái đầu lại nhìn di ảnh bác thêm lần nữa, ngập ngừng không muốn rời đi trong lòng tiếc thương vô hạn.
Lương Trí Hùng đi từ Vĩnh Long lên TP.HCM viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: TIẾN QUỐC
Dòng người chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, chiều 25-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Dòng người nối dài để chờ đến lượt đăng ký vào trong Hội trường Thống Nhất – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Người dân chờ đến lượt đăng ký vào trong Hội trường Thống Nhất – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Dòng người chờ đến lượt đăng ký vào trong Hội trường Thống Nhất – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Người dân xúc động trong lúc chờ vào trong Hội trường Thống Nhất – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Dòng người đông đúc tiếp tục hướng về thôn Lại Đà
25/07/2024 14:52 GMT+7
Đầu giờ chiều, dòng người đông đúc tiếp tục đổ dồn về điểm viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trời nổi gió, kèm theo mưa lất phất khiến dòng người đi chậm lại, một số người mở ô dù tránh ướt. Nhiều đoàn viên thanh niên nhanh chân mang các túi áo mưa ra phát cho người cần tại các điểm phát nước miễn phí.
Tuy nhiên, sau 14h chiều, trời hửng nắng và thời tiết trở nên mát mẻ.
Dòng người xếp hàng đến viếng Tổng Bí thư trước cổng làng Lại Đà – Ảnh: HỒNG QUANG
Người dân xếp hàng dưới trời mưa chờ viếng Tổng bí thư – Ảnh: HÀ QUÂN
Các đoàn viên thanh niên mang áo mưa ra phát cho người cần – Ảnh: HÀ QUÂN
Dòng người xếp đến viếng Tổng bí thư tại thôn Lại Đà – Ảnh: HỒNG QUANG
“Không nén được xúc động khi nhìn di ảnh bác”
25/07/2024 14:47 GMT+7
Người dân không kềm được cảm xúc khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người dân không kềm được cảm xúc khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người dân không kềm được cảm xúc khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM mưa lớn, dòng người vẫn đổ về Hội trường Thống Nhất
25/07/2024 14:46 GMT+7
Người dân đội mưa chờ vào trong Hội trường Thống Nhất chiều ngày 25-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Người dân chờ vào trong Hội trường Thống Nhất dưới cơn mưa chiều 25-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Dù trời đổ mưa to, đoàn người chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn kéo dài đến tận cổng di tích lịch sử Dinh Độc Lập – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Trời mưa không ngăn được người dân vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Dù trời mưa, cả đoàn dài người vẫn đứng chờ để vào viếng – Ảnh: HỮU HẠNH
“Cả tuần ngóng nghe tin tức về bác, vừa nghe vừa khóc”
25/07/2024 14:12 GMT+7
Tại vườn hoa Yersin cạnh Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội), một số người dân đã vào từ sáng sớm, ngồi trật tự đợi tới 18h vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Họ trò chuyện với nhau về người lãnh đạo đất nước mà họ tôn kính và về đoạn đường xa họ đã đi để được vào viếng Tổng Bí thư.
Ông Phạm Văn Tiến (61 tuổi, bán hàng tạp hóa tại thôn Hoàng Xá, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội) thuê taxi từ Thường Tín về Nhà tang lễ Quốc gia để được kính viếng nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.
Mắt sưng đỏ, ông Tiến cho biết cả tuần qua khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, hai vợ chồng ông ngày ngày ngóng nghe tin tức về bác, nghe cả các bài hát viết về bác, vừa nghe vừa khóc.
Còn ở làng ông, cả làng treo cờ rủ, người dân ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí. Câu chuyện giữa xóm giềng đều là những chuyện về vị lãnh đạo suốt đời liêm khiết, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho dân, cho nước.
“Bác là đảng viên mẫu mực, làm việc tới hơi thở cuối cùng cho đất nước, người dân ai cũng thương tiếc”, ông Tiến nói.
Bà Lê Thị Nhung (Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, 81 tuổi) thì mang theo những tờ báo ra hôm nay với trang nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến viếng ông.
Giọng nghẹn ngào, bà Nhung nói người dân ai cũng thương tiếc một vị hiền tài của quốc gia như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong lòng bà, Tổng Bí thư chính là “Bao Công của Việt Nam”.
Bà Lê Thị Nhung mang theo những tờ báo ra hôm nay có trang nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: T.ĐIỂU
Hàng ngàn người chờ vào viếng Tổng Bí thư
25/07/2024 14:07 GMT+7
Từ Canada về Việt Nam thăm gia đình, chị Nguyễn Thị Hương dời chuyến du lịch để tranh thủ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. “Tôi mang theo hoa vào viếng bác, vị lãnh đạo suốt đời vì dân vì nước”, chị Hương chia sẻ – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Người dân xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các đoàn tiến vào viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mọi người chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: HỮU HẠNH
Mọi người chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dòng người chờ trước cổng để vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: PHƯƠNG NHI
Người dân tiến vào Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 25-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Nhiều người dân ở thành phố xúc động khi đến kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HỮU HẠNH
Đoàn phóng viên, biên tập viên TP.HCM do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM làm trưởng đoàn kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HỮU HẠNH
“Thương quý bác quá không diễn tả được”
25/07/2024 12:14 GMT+7
Cô Nguyễn Thị Bé (Củ Chi) ngồi chờ phía bên ngoài Hội trường Thống Nhất từ 5h sáng để chờ vào viếng.
“Không biết chiều nay có kịp vào hay không nhưng tôi sẽ vẫn chờ ở đây. Thương quý bác quá không diễn tả được, chỉ mong một lần được cúi đầu trước di ảnh của bác” – cô chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Bé (Củ Chi) ngồi chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Trong khi đó anh Nguyễn Phú Huỳnh (ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với bức tranh khảm trai cẩn ốc xà cừ hình ảnh Tổng Bí thư được làm từ 8 tháng trước.
Anh Huỳnh cho biết xuất phát từ sự kính trọng đối với người lãnh đạo tài tình, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh đã dành 2 tháng liền để làm bức chân dung này.
Theo anh Huỳnh, tác phẩm này là một trong các sản phẩm từ làng nghề thủ công truyền thống quê anh (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội).
“Tôi đến đây với niềm tiếc thương vô hạn, rất kính trọng bác. Những việc bác đã làm cho đất nước, dân tộc ta, những điều đó luôn trong tâm trí tôi. Là một nghệ nhân, tôi rất muốn thể hiện những gì thuộc về nghề của mình với bậc vĩ nhân như vậy. Tôi sẽ cố gắng học tập làm theo những lời bác dạy và sẽ luôn phát huy giá trị làng nghề của mình, góp phần phát triển văn hóa nước mình”, anh Huỳnh chia sẻ.
Anh Nguyễn Phú Huỳnh với bức tranh khảm trai cẩn ốc xà cừ hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: CẨM NƯƠNG
“Di sản mà Tổng Bí thư để lại sẽ còn mãi với dân tộc”
25/07/2024 12:09 GMT+7
Trong lúc chờ được vào bên trong hội trường Thống Nhất, ông Nguyễn Đình Bật (CLB Bộ đội Trường Sơn Hồ Chí Minh) xúc động khi tưởng nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Không có điều kiện để ra Hà Nội, tôi có mặt ở Dinh Thống Nhất từ sớm để chờ được vào viếng, di sản mà Tổng Bí thư để lại sẽ còn mãi với dân tộc”, ông nói.
Ông Nguyễn Đình Bật (CLB Bộ đội Trường Sơn Hồ Chí Minh) có mặt ở Dinh Thống Nhất từ sớm để chờ được vào viếng Tổng Bí thư – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
CẨM NƯƠNG – PHƯƠNG QUYÊN – THIÊN ĐIỂU – HỒNG QUANG – HÀ QUÂN – THẢO LÊ – PHƯƠNG NHI – HÀ THANH – THÀNH CHUNG – THANH HIỀN – DƯƠNG LIỄU – NGUYÊN BẢO – DANH TRỌNG – PHẠM TUẤN – TIẾN LONG – DUY LINH
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/nguoi-dan-vieng-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-di-san-nguoi-de-lai-con-mai-voi-dan-toc-20240725092009899.htm