Từ đối sánh này cho thấy chất lượng giáo dục ở các vùng núi, vùng có nhiều con em dân tộc vẫn còn khoảng cách xa so với vùng thuận lợi.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHÚ TRỌNG 3 MÔN THI BẮT BUỘC
Toán, ngữ văn và ngoại ngữ là 3 môn quan trọng liên quan đến rất nhiều ngành đào tạo ở trường đại học (ĐH). Đặc biệt là 2 môn toán, ngoại ngữ liên quan nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH nên được tất cả các địa phương chú trọng. Những nơi có kinh tế – xã hội phát triển, phụ huynh có điều kiện đầu tư cho con em học tập những môn này nhiều hơn. Học ngoại ngữ còn là nhu cầu của học sinh muốn có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để được miễn thi theo quy chế của Bộ GD-ĐT, được cộng điểm trong tuyển sinh ĐH cũng như có cơ hội du học. Đây là một xu hướng tốt nhằm nâng cao chất lượng ngoại ngữ của học sinh VN, nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bất bình đẳng trong cơ hội học tập ĐH giữa học sinh vùng khó khăn và thuận lợi.
Kết quả thi năm 2024 cho thấy điểm trung bình toàn quốc môn toán tăng từ 6,25 năm 2023 lên 6,45 năm 2024. Điểm trung bình môn ngữ văn tăng mạnh, từ 6,86 lên 7,23; Điểm trung bình ngoại ngữ tăng nhẹ, từ 5,45 lên 5,51.
Có 60 địa phương tăng tổng điểm 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ (chiếm 95,24%) và 3 địa phương giảm điểm (4,76%). Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm thi năm 2024 là cao nhất từ năm 2020 đến nay, nhờ nhiều nguyên nhân, như ổn định trong nội dung, định hướng và yêu cầu của đề thi, sự nỗ lực dạy và học của các trường THPT.
Tổng điểm 3 môn tăng nhiều nhất có các địa phương sau: Trà Vinh (tăng 2,44 điểm), Nghệ An (1,45), Bà Rịa-Vũng Tàu (1,32), Quảng Ninh (1,32), Hà Giang (1,13), Lạng Sơn (1,13), Thái Nguyên (1,02) và Sơn La (1,0).
Tổng điểm 3 môn giảm nhiều nhất có 3 địa phương: Lâm Đồng (giảm 0,07 điểm), Ninh Thuận (0,1) và Lai Châu (0,14).
TIẾNG ANH VẪN LÀ MÔN THI CÓ KẾT QUẢ THẤP NHẤT
Ngoại ngữ là môn có điểm trung bình tăng nhẹ, từ 5,45 năm 2023 lên 5,51 năm 2024. Có 145 bài thi bị điểm liệt, chiếm tỷ lệ 0,016%, giảm so với năm 2023 (0,022%),14 bài thi 0 điểm. Số điểm dưới 5 có 386.861 thí sinh, chiếm 42,674% và điểm học sinh đạt nhiều nhất là 4,6. Năm 2024 có 565 thí sinh đạt điểm 10. Tiếng Anh vẫn là môn thi có kết quả thấp nhất trong các môn.
Môn ngoại ngữ là thế mạnh của các tỉnh, TP có kinh tế – xã hội, du lịch, công nghiệp phát triển. Các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình… thường ở tốp đầu về ngoại ngữ, đặc biệt là TP.HCM cả 8 năm, từ 2017 – 2024, đứng đầu cả nước.
Nguồn: Công bố của Bộ GD-ĐT
Năm 2024 có một số địa phương tăng hạng khá lớn như Thái Bình (24 – 12), Hải Dương (31 – 19), Nghệ An (39 – 30), Hà Tĩnh (22 – 14), Tuyên Quang (37 – 29), Quảng Bình (40 – 32), Yên Bái (45 – 38), Trà Vinh (56 – 50).
Trong khi đó một số địa phương giảm hạng như Bạc Liêu (32 – 40), Tiền Giang (19 – 27), Đồng Tháp (28 – 35), Hưng Yên (27 – 33), Cần Thơ (17 – 23).
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CHO VÙNG KHÓ
Ngoại ngữ là môn học công cụ rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của quốc gia. Tuy nhiên, do điều kiện dạy và học ngoại ngữ chênh lệch nhau giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, chất lượng ngoại ngữ có sự phân hóa rất lớn giữa các vùng. Phổ điểm ngoại ngữ nhiều năm gần có 2 đỉnh, năm 2021 phổ điểm ngoại ngữ có 2 điểm rõ ràng, một đỉnh tập trung ở điểm 7, 8 và một đỉnh tập trung ở điểm 3,4.
Nhiều địa phương thuộc miền núi phía bắc, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng ngoại ngữ còn thấp.
Kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, ngoại ngữ thuộc môn thi tự chọn. Đây được xem là giải pháp đột phá, giảm áp lực thi cử, giảm áp lực ngoại ngữ cho vùng khó khăn. Ngoài 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, hy vọng học sinh sẽ chọn các môn thi cân bằng giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, tin học và công nghệ. Tuy nhiên, sẽ có nhiều học sinh không chọn thi ngoại ngữ, và tỷ lệ này có thể ngày càng tăng, vì học sinh có xu hướng chọn các môn dễ học, dễ thi, dễ đậu tốt nghiệp. Điều này dẫn đến giảm chất lượng ngoại ngữ của học sinh VN.
Để khuyến khích học sinh học ngoại ngữ, các trường ĐH tăng cường chỉ tiêu cho các tổ hợp có ngoại ngữ hoặc ưu tiên, cộng điểm đối với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Và điều này vô hình trung dẫn đến nguy cơ học sinh vùng khó khăn giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH. Vì vậy, nhà nước, ngành giáo dục cần có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các vùng khó, nhất là đầu tư về đội ngũ giáo viên.
Bình Dương cao nhất cả nước 3 môn thi toán, văn, ngoại ngữ
Toàn quốc có 2 địa phương tổng điểm trung bình 3 môn trên 21 điểm (chiếm 3,17%); 9 địa phương từ 20 đến dưới 21 điểm (14,29%), 32 địa phương từ 18 đến dưới 20 điểm (50,79%) và 1 địa phương dưới 15 điểm (1,59%). Tổng điểm trung bình của 3 môn học này toàn quốc năm 2024 là 19,19 điểm, tăng so với năm 2023 (18,40 điểm).
Bình Dương có tổng 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ là 21,24 điểm, dẫn đầu cả nước. Tiếp theo là Nam Định (21,16), Ninh Bình (20,95), Vĩnh Phúc (20,94 điểm), Bắc Ninh (20,94), Hải Phòng (20,77), Hà Nội (20,70), Bà Rịa-Vũng Tàu (20,51), Hà Nam (20,41), TP.HCM (20,37). Năm 2024, Tiền Giang ra khỏi bảng top 10, thay vào đó là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ở chiều ngược lại, 10 địa phương có tổng điểm 3 môn thấp nhất là: Đắk Lắk (17,03 điểm), Lạng Sơn (16,88), Hòa Bình (16,88), Đắk Nông (16,69), Lai Châu (16,31), Sơn La (16,14), Bắc Kạn (16,13), Điện Biên (15,98), Cao Bằng (15,37) và Hà Giang (14,55); chủ yếu là vùng miền núi phía bắc (8 địa phương) và Tây nguyên (2).
Môn ngữ văn: Điểm thi tăng mạnh so với năm 2023
Ngữ văn là môn có điểm thi tăng nhiều nhất, từ 6,86 năm 2023 lên 7,23 năm 2024 (tăng 0,37 điểm). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 (Nam Định và Đồng Tháp). Có 68 bài thi dính điểm liệt, trong đó 29 bài thi 0 điểm. Tỷ lệ đạt điểm 8,0 cao nhất với số lượng 83.990 thí sinh cho thấy học sinh đã có cách học phù hợp với cách ra đề thi.
Có 3 đơn vị giữ nguyên hạng, 28 địa phương có tăng hạng và 32 địa phương giảm hạng. Nhiều địa phương tăng hạng vượt trội ở môn này so với năm 2023, như Nghệ An (năm 2023 xếp thứ 49 – năm 2024 xếp thứ 5), Bắc Giang (54 – 17), Bình Dương (50 – 18), Cần Thơ (62 – 32), Lào Cai (58 – 28), Trà Vinh (32 – 2), Bà Rịa-Vũng Tàu (48 – 19), Thanh Hóa (35 – 7) và Thừa Thiên-Huế (51 – 25)… Tuy nhiên, cũng có nhiều địa phương môn ngữ văn lại tụt hạng so với năm 2023, như Ninh Thuận (5 – 61), Tuyên Quang (4 – 48), Cao Bằng (25 – 63), Bắc Kạn (18 – 52), Bình Định (15 – 44), Điện Biên (28 – 50), Thái Nguyên (6 – 26), Lạng Sơn (17 – 37), Lai Châu (38 – 58), Bến Tre (34 – 54).
Nam Định 8 năm liền giữ số 1 môn toán
Toán là môn có điểm trung bình tăng, từ 6,25 năm 2023 lên 6,45 năm 2024. Môn toán không có thí sinh nào đạt điểm 10, cao nhất là 9,8 điểm. Điểm số có tỷ lệ thí sinh đạt nhiều nhất là 7,8. Cả nước có 1.045.643 thí sinh làm bài thi toán, trong đó có 76 bài bị điểm liệt, có tới 14 bài thi 0 điểm.
Các địa phương như Nam Định, Bình Dương, Bắc Ninh, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình có điểm môn toán luôn ở tốp 10 giai đoạn 2017 – 2024, đặc biệt Nam Định có 8 năm liền (2017 – 2024) đứng đầu cả nước. Kế đến là Bình Dương, Bắc Ninh, TPHCM. Năm 2024 có một số địa phương tăng hạng khá lớn về môn toán so với năm 2023 như Tuyên Quang (53 – 42), Nghệ An (37 – 27), Hà Tĩnh (30 – 22), Quảng Bình (46 – 40), Thừa Thiên-Huế (26 – 21), Bắc Ninh (7 – 3). Trong khi đó một số địa phương giảm hạng như Hưng Yên (từ 18 xuống 26), Quảng Trị (40 – 46), Lào Cai (43 – 48), Ninh Thuận (42 – 47), Khánh Hòa (25 – 29).
Đa số địa phương miền núi phía bắc có điểm môn toán luôn nằm trong tốp cuối của cả nước.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-phap-nang-chat-luong-mon-ngoai-ngu-sau-nam-2025-185240724204147571.htm