Tại Olympic 2024, Thái Lan có mặt ở 16 môn, tập trung phần lớn ở môn thế mạnh như cầu lông có 9 VĐV và boxing (8). Indonesia dự 12 môn, với 9 VĐV ở môn cầu lông. Malaysia cũng có 8 VĐV cầu lông, đông nhất trong 11 môn. Trong khi đó, môn chủ đạo của Singapore và Philippines đều là bơi (cùng 5 VĐV). VN kỳ vọng vào bắn súng, với 2 VĐV.
Với số lượng VĐV hùng hậu như thế, dễ hiểu khi Thái Lan đặt mục tiêu giành 6 HCV, 3 HCB. Trong đó taekwondo hay quyền anh là những bộ môn mà thể thao nước này đặt kỳ vọng cạnh tranh sòng phẳng cùng các nước… VĐV được kỳ vọng nhất của thể thao Thái Lan thời điểm này chính là võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit (hạng 49 kg nữ, HCV Olympic 2020). Indonesia đặt mục tiêu 3 HCV, nhắm vào các môn cử tạ, cầu lông, leo núi thể thao. Malaysia muốn giành HCV đầu tiên tại Olympic, với niềm hy vọng Lee Zii-ja, đứng thứ 7 thế giới cầu lông đơn nam. Philippines hướng tới đoạt 1 – 2 HCV, với niềm hy vọng số 1 là VĐV nhảy sào nam EJ Obiena, sẽ cạnh tranh với nhà vô địch Mondo Duplantis.
Trong khi đó, Singapore đặt niềm hy vọng lớn vào Loh Kean Yew, hạt giống số 10 cầu lông đơn nam. Còn đoàn thể thao VN trông chờ vào lực sĩ Trịnh Văn Vinh ở môn cử tạ 61 kg nam và xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở 10 m súng ngắn hơi nữ.
Tuy nhiên, có thể thấy trình độ VĐV của các nước khu vực Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách quá xa so với các nước hàng đầu thế giới, nhất là những bộ môn chủ lực, thiên về sức mạnh và thể hình như bơi lội, điền kinh, đua xe đạp… Điển hình trong 2 kỳ Thế vận hội gần nhất, thành quả giành được đều khá thấp và càng về sau càng thụt lùi. Ở Olympic Rio 2016, các thành tích lần lượt là: Thái Lan (2 HCV, cử tạ), VN (1 HCV, bắn súng), Singapore (1 HCV, bơi), Indonesia (1 HCV, cầu lông). Tiếp đến Olympic Tokyo 2020, Thái Lan (1 HCV, taekwondo), Indonesia (1 HCV, cầu lông),
Philippines (1 HCV, cử tạ). Ở Olympic 2020, Philippines dẫn đầu Đông Nam Á khi giành 1 HCV của VĐV Hidylin Diaz cử tạ 55 kg nữ, 2 HCB và 1 HCĐ.
Có thể thấy, muốn đạt kết quả tốt tại các kỳ Olympic, các nước Đông Nam Á cần ngồi lại để “cải tiến” triệt để chương trình thi đấu tại các kỳ SEA Games. Bởi nếu chỉ chăm chăm vào việc kiếm nhiều huy chương bằng cách đưa vào những môn “độc, lạ” để đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội khu vực thì thể thao Đông Nam Á không bao giờ vươn mình được. Điều quan trọng hơn nữa là ngoài thành tích huy chương, các nội dung Olympic ở SEA Games cần chú trọng nâng chất về thành tích.
Ngay như thể thao VN, dù liên tục đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở 2 kỳ SEA Games 31 và 32 gần đây nhưng số lượng VĐV đạt chuẩn dự Olympic chỉ xếp thứ 6 với vỏn vẻn 16 VĐV, trong khi nước kế tiếp là Philippines có đến 22 VĐV. Tính từ Olympic 2000, số VĐV VN luôn nằm ở tốp 6 Đông Nam Á, có 2 lần đứng thứ 5 là tại London 2012 và Rio 2016. Trong khi đó, Thái Lan luôn dẫn đầu, đông nhất là năm 2016 với 54 VĐV. Vị trí thứ hai khu vực 4 kỳ trước đều thuộc về Malaysia.
Nhật Bản dẫn đầu số lượng VĐV dự Olympic 2024 khu vực châu Á với 404 VĐV và đứng thứ 5 toàn đoàn, chỉ sau Mỹ (592), chủ nhà Pháp (573), Úc (460) và Đức (427). Trong khi Trung Quốc đứng thứ 6 với 388 VĐV. Số VĐV Thái Lan đứng thứ 50, còn VN thứ 89.
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-thao-dong-nam-a-trong-cho-gi-o-olympic-paris-185240724215135748.htm