Tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 theo lời mời chính thức của Tổng thống Barack Obama, ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, nhấn mạnh đó là chuyến thăm lịch sử.
Tầm nhìn chiến lược
Phóng viên: Nhớ lại thời điểm đó, trước chuyến thăm vẫn còn nhiều nghi ngại, nhiều ý kiến trái chiều. Vậy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua những nghi ngại đó như thế nào để thực hiện chuyến thăm, thưa ông?
Ông Hoàng Bình Quân: Quả tình mà nói để bước qua những nghi ngại đó không hề dễ dàng. 20 năm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã cố gắng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai và đã có những thành tựu rất lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là 20 năm đã làm cho mọi chuyện có thể nhẹ nhõm.
Mặc dù lúc đó, quan hệ giữa 2 nước đã ở mức “đối tác toàn diện” song để hoàn toàn có thể tin cậy nhau, chấp nhận nhau cũng không phải dễ dàng. Nhưng chính trong bối cảnh đấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người có tầm nhìn chiến lược, có một tư tưởng, một trường phái ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kế thừa tinh thần ngoại giao Hồ Chí Minh để “khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Đây chính là tư tưởng để Tổng Bí thư cũng như các vị lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ có thể vượt qua các nghi ngại, vượt qua những cản trở như tôi vừa nói.
Tinh thần đó, sau này được Tổng Bí thư nhắc lại, và gọi đó là 16 chữ “kim cương”.
16 chữ “kim cương” mà ông vừa nhắc tới có được coi là sự chuyển biến lớn trong tư duy đối ngoại của Việt Nam thời điểm đó không?
Thực ra đây chính là một trong những nội hàm của “ngoại giao cây tre”. Vì một nước không có tinh thần hòa hiếu như Việt Nam, không vị tha như Việt Nam thì khó lòng bỏ qua những đau thương nước Mỹ để lại cho dân tộc này, cho đất nước này. Nhưng cũng không phải đến kháng chiến chống Mỹ đâu, mà trước đây chúng ta cũng từng như vậy, chúng ta đã từng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Dù còn những vấn đề của quá khứ, nhưng vì tương lai, vì ngày mai nên có những câu chuyện của quá khứ chúng ta khép lại, để tính đến những lợi ích tương đồng và cùng hướng tới sự phát triển của 2 quốc gia và hạnh phúc của người dân.
Chính 16 chữ đó thể hiện tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt của ngoại giao Việt Nam. Khi tôi sang thăm Mỹ, tôi có nói với bà thứ trưởng ngoại giao phụ trách chính trị Mỹ rằng 20 năm qua chúng ta đã viết một câu chuyện cổ tích có thật trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa 2 nước bằng những thành tựu trong quan hệ Việt – Mỹ. Chính thành tựu 20 năm đấy cộng với tư tưởng “khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” đã có chuyến thăm này.
Và trong chuyến thăm thì bạn biết đấy, có một thành quả cực kỳ lớn chính là Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt – Mỹ, từng được nhiều học giả nhìn nhận chính là “tuyên bố cho tương lai”.
Mở ra tương lai
Trước khi ra được “tuyên bố cho tương lai”, ông từng nhận định rằng cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama là cuộc “hội đàm cho tương lai”. Lý do ông đưa ra nhận định đó là gì?
Khi làm kỹ thuật chuẩn bị cho chuyến thăm này, có một vấn đề rất lớn đặt ra là vấn đề lễ tân. Bởi vì trong hệ thống chính trị Mỹ không có chức danh tương đương chức danh Tổng Bí thư. Hai hệ thống chính trị khác nhau nên việc đón Tổng Bí thư một đảng cầm quyền ở một nước trước đây từng là cựu thù thì lễ tân như thế nào là đại sự với nước Mỹ. Thế nhưng chúng ta thấy Tổng thống Barack Obama đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Phòng Bầu dục, là phòng chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia. Việc Mỹ tiếp Tổng Bí thư ở đây nghĩa là Mỹ thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư là người đứng đầu hệ thống chính trị ở Việt Nam. Đó là sự thừa nhận cực kỳ đanh thép. Đó chính là sự tiếp đón lịch sử.
Điểm thứ hai nữa là cái bắt tay lịch sử. Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama ở chính trong Phòng Bầu dục. Cái bắt tay lịch sử đó chính là cái bắt tay hiểu nhau hơn và thừa nhận nhau. Việc đó khẳng định Mỹ đã thấy được, coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thừa nhận thể chế chính trị Việt Nam. Đây là một trong những đinh chốt cực kỳ quan trọng, mở ra tương lai cho quan hệ Việt – Mỹ.
Nội dung mà 2 nhà lãnh đạo trao đổi cũng rất sâu sắc, rất phong phú và có một điểm tôi muốn nhấn mạnh là không né tránh, kể cả những vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ 2 nước. Chỉ khi người ta rất tin nhau người ta mới giãi bày hết gan ruột. Đấy là yếu tố mang tính lịch sử.
Như thế, ở chuyến thăm này, nơi diễn ra hội đàm là lịch sử, cái bắt tay là lịch sử, nội dung trao đổi cũng mang tính lịch sử. Chúng tôi là những người chứng kiến, thấy rất tự hào, rất tin tưởng.
Chuyến thăm lịch sử còn ở thời điểm lịch sử. Từ xưa tới đó chưa có đồng chí Tổng Bí thư nào thăm Mỹ cả. Vào thời điểm quan hệ của 2 nước có bước phát triển mang tính quan trọng để mở ra tương lai, cũng là thời điểm thế giới đang có biến động. Các quốc gia lúc đó đã có những thay đổi chiến lược, sách lược để cạnh tranh, chúng ta cũng không thể không hiểu thời cuộc.
Lúc đó, Việt Nam cũng đang trong số các nước đàm phán CPTPP. CPTPP khi ấy vướng khá nhiều điểm, trong đó có những điểm cực vướng mà phải được tháo gỡ trong chuyến thăm, ví dụ vấn đề lao động, ví dụ vấn đề hoạt động công đoàn; ví dụ vấn đề nhân quyền, ví dụ vấn đề lập hội quần chúng… Tất cả những cái đó không hề đơn giản, phải nói là vô cùng khó khăn.
Nhưng cuối cùng, cái giá trị là gì, là tất cả những điểm nút đã được tháo gỡ, để có được Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt – Mỹ. Tuyên bố này thúc đẩy đàm phán và có được CPTPP. Có được CPTPP thì mở ra một không gian thương mại, không gian đầu tư cực kỳ lớn giữa Mỹ và Việt Nam – đấy chính là tương lai.
Xác lập vị thế
Là người chứng kiến toàn bộ các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử đó, ông nhận thấy ấn tượng mà Tổng Bí thư để lại là gì?
Có thế nói, các trao đổi của Tổng Bí thư với họ rất sâu sắc, khúc triết. Phong thái của ông khoan thai, đĩnh đạc, đàng hoàng, thể hiện tư thế, tầm vóc của Việt Nam. Từ thần thái đến nội dung trao đổi đều toát lên sự ung dung tự tại, tự tin, thể hiện vị thế Việt Nam, đúng như Tổng Bí thư từng nói là chúng ta chưa bao giờ có vị thế như bây giờ.
Tôi cũng rất ấn tượng với bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), một bài phát biểu rất toàn diện, cho thế giới biết được một Việt Nam như thế nào, cho thế giới biết được tầm nhìn, suy nghĩ của Việt Nam, rằng Việt Nam sẵn sàng làm bạn với thế giới, sẵn sàng là đối tác tin cậy, đa phương hóa, đa dạng hóa. Bài phát biểu đã đề cập những vấn đề “chưa hiểu nhau” hoặc những vấn đề “chưa chấp nhận được nhau” trong quan hệ Việt – Mỹ, nhưng đồng thời đưa ra thông điệp là Việt Nam sẵn sàng “khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Nhìn rộng ra cả chiều dài các hoạt động ngoại giao, đối ngoại của Việt Nam, ông thấy “ngoại giao cây tre” có phải là một di sản mà Tổng Bí thư để lại không?
Chắc chắn là như thế. Thực ra Tổng Bí thư đã nói rất nhiều lần về “ngoại giao cây tre”, từ Hội nghị ngoại giao năm 2016 và được nhắc lại sau này, đến Hội nghị ngoại giao năm 2021 thì tiếp tục khắc họa, nhấn mạnh.
Vì sao tôi khẳng định nó là di sản? Vì nó là một quá trình đúc kết của hơn 7 thập niên lịch sử ngoại giao Việt Nam và cũng là sự kế thừa tư tưởng Mác – Lênin về phép biện chứng, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại mà điển hình nhất là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây cũng là sự đúc kết toàn bộ thực tiễn ngoại giao, đối ngoại của Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng.
Nếu chúng ta nghiên cứu thì có thể thấy, từ Đại hội VII của Đảng đến nay đường lối đối ngoại đã liên tục phát triển theo hướng đó. Chúng ta có yếu tố gốc là nguyên tắc, là mục tiêu, là văn hóa, nhưng chúng ta cũng có yếu tố uyển chuyển là sách lược, là biết cương biết nhu, biết rắn biết mềm, biết tiến biết lùi hợp lý. Và kết quả từ hơn 7 thập niên đối ngoại ấy đã được Tổng Bí thư đúc kết lại, khái quát hóa, lý luận hóa thực tiễn ngoại giao lên thành một trường phái ngoại giao và hình tượng hóa trường phái ngoại giao Việt Nam là cây tre: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-va-vi-the-tam-voc-viet-nam-185240725001537076.htm