Từ ngay sau khi thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều học sinh đã bắt đầu tìm hiểu một số học phần trong ngành nghề hướng tới, đăng ký một khóa học ngoại ngữ, học thêm những kỹ năng cần thiết như viết, thuyết trình… để chuẩn bị cho hành trình đại học sắp tới.
Theo các chuyên gia, chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, kỹ năng… trước khi bước vào một bậc học mới không chỉ giúp người học mở rộng vốn hiểu biết mà còn giúp nâng cao năng lực tự học.
“Lấy sức” cho những dự định mới
Quyết định chọn học ngành kinh tế của bạn Danh Thị Thùy Dương – cựu học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT Kiên Giang – làm cho gia đình và bạn bè rất ngạc nhiên. Bởi trước đó bạn thi các môn thuộc khối khoa học xã hội trong khi muốn học tốt các ngành kinh tế bạn cần kiến thức của một số môn học thuộc khối khoa học tự nhiên.
Biết mình chọn đi một con đường khó nên từ những ngày chờ biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, Thùy Dương đã bắt đầu chuẩn bị để “lấy sức” cho những dự định mới. Thùy Dương cho biết: “Mình tìm hiểu trước các môn học trên đại học qua những cuốn sách có chủ đề liên quan tới ngành kinh tế. Mình cũng lên mạng học thêm tiếng Anh để sắp tới có thể đọc được các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh”.
Tương tự, Hồ Đức Mạnh – cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam) – cho rằng học sớm các môn ở đại học giúp mình tiến bộ nhanh hơn.
Đức Mạnh chia sẻ: “Từ lúc vào cấp III mình đã có ý định sau này sẽ học các ngành về công nghệ. Bây giờ cũng vậy, mình vẫn dành nhiều thời gian để tự học lập trình trên những trang mạng dành riêng cho các lập trình viên với C++, là một ngôn ngữ lập trình nền tảng trong ngành”.
“Mình muốn trở thành một lập trình viên vừa tạo khung giao diện người dùng vừa tạo máy chủ xử lý các tính năng để có thể góp phần giải quyết được vấn đề mà xã hội đang cần”, Đức Mạnh cho hay.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Mạnh thi tổ hợp khoa học tự nhiên để thuận lợi hơn trong xét tuyển đại học.
Thi xong, Đức Mạnh cũng như nhiều bạn bè của mình không khỏi lo lắng: lo không làm được bài, lo điểm thấp… Nhưng hơn một tuần sau đó, bạn tỉnh táo gác lại những âu lo bởi biết mình vẫn còn những cơ hội khác để chuẩn bị hành trang cho những ngày học đại học sắp tới.
Nhiều thứ nên chuẩn bị
TS Hà Thanh Vân – Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – cho rằng việc tìm hiểu trước các môn học ở đại học, học thêm những kỹ năng là hết sức cần thiết. Bởi nó không chỉ giúp các bạn trẻ bớt bỡ ngỡ khi bước chân vào đại học mà còn giúp các bạn nhiều điều trong cuộc sống sau này.
Do vậy, các bạn không chỉ cần học tốt kiến thức trong nhà trường mà phải học thêm nhiều kỹ năng bổ trợ cho công việc như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập dự án, phân bổ thời gian làm việc… để sau này ra trường khỏi bỡ ngỡ.
Ngoài ra, các tân sinh viên cũng cần chuẩn bị rèn luyện chăm chỉ, chuyên cần, hòa nhập được với môi trường, khẳng định được năng lực bản thân để đáp ứng được nhu cầu công việc khi đi làm.
“Tôi luôn khuyến khích những bạn trẻ ngoài việc học tập kiến thức thì nên học những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Kể cả những kỹ năng lao động tay chân, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, làm việc nhóm, thậm chí cả các kỹ năng như du lịch, nấu ăn, làm việc nhà”, TS Hà Thanh Vân nhấn mạnh.
ThS Trần Nam – trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng trước khi đăng ký ngành nghề các bạn học sinh nên tìm hiểu kỹ về trường đại học, thủ tục hành chính, văn hóa đại học… để khi vào trường có thể hội nhập tốt hơn. Theo ông, đại học là nơi để người học lĩnh hội tri thức, trau dồi kinh nghiệm sống và thể hiện một tầm mức nhất định của cá nhân trong xã hội.
“Đại học là nơi để người học lĩnh hội tri thức, trau dồi kinh nghiệm sống và thể hiện một tầm mức nhất định của cá nhân trong xã hội. Đó là một hành trình dài, vất vả nhưng thú vị. Người học cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng”, ThS Trần Nam nói.
Học suốt đời
TS Hà Thanh Vân gửi gắm thêm một số lời khuyên giúp các tân sinh viên có thể học tốt, trong đó nhấn mạnh mỗi người học cần tự ý thức về sự quan trọng của việc học. Bà Vân cho rằng học là một quá trình liên tục suốt đời mà kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một cột mốt. Các bạn trẻ còn nhiều điều để hướng đến ở những ngôi trường khác, ngành nghề khác, hay thậm chí đi học nghề theo sở thích của mình.
“Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có thời gian để làm rất nhiều điều. Nếu kết quả không tốt, các bạn không nên nản lòng, không nên tự trách bản thân, bởi các bạn còn rất nhiều cơ hội. Nhưng các bạn trẻ cũng rất cần sự nâng đỡ, cần điểm tựa từ phía gia đình nếu như thi cử, học hành không như mong đợi”, TS Hà Thanh Vân nhấn mạnh.
Rèn kỹ năng… viết nhạc
Đã trúng tuyển sớm vào một trường ở miền Trung bằng phương thức xét kết quả học tập trung học phổ thông, Hồ Đức Mạnh có thể dành thời gian cho một số dự định trước khi vào đại học. Mạnh cho biết sẽ đăng ký tham gia cuộc thi Sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng (mở rộng) năm 2024 cùng bạn bè để thử sức.
“Dạo này khi có thời gian rảnh, mình còn rèn luyện kỹ năng viết nhạc để sáng tác được những bài ca có hồn hơn. Viết nhạc là sở thích của mình”, Đức Mạnh tâm sự.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chua-trung-tuyen-da-san-sang-hoc-dai-hoc-20240724232637358.htm