Độ tuổi trẻ em Việt Nam sử dụng internet sớm hơn 4 năm so với thế giới
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Úc đã ra ‘tối hậu thư’ bảo vệ trẻ em đối với các nền tảng trực tuyến, Úc cho ngành công nghiệp internet nước này 6 tháng để đề ra một bộ quy tắc chi tiết cách ngăn trẻ em xem nội dung khiêu dâm và không phù hợp trực tuyến khác.
eSafety Commissioner (Ủy viên An toàn Mạng) – một cơ quan quản lý độc lập của Chính phủ Úc, chịu trách nhiệm giám sát và thực thi các biện pháp bảo vệ an toàn trực tuyến, đã gửi thư cho các thành viên của ngành yêu cầu một kế hoạch trước ngày 3/10 để bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung có tác động mạnh như tự tử và rối loạn ăn uống.
Ủy viên Julie Inman Grant của eSafety cho biết: “Việc trẻ em tiếp xúc với nội dung khiêu dâm bạo lực và cực đoan là một mối quan tâm lớn của nhiều phụ huynh và người giám hộ”. Bà nói rằng ngành công nghiệp internet cần tham gia thiết lập các rào cản hiệu quả.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó 70% các em đã và đang sử dụng internet và tiếp cận, tương tác với các dịch vụ trên môi trường mạng. Độ tuổi mà trẻ em Việt Nam sử dụng các thiết bị công nghệ vào internet và mạng xã hội trung bình là 9 tuổi, sớm hơn 4 năm so với thế giới.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau, việc này khiến em phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với những rủi ro, đặc biệt đối với trẻ em.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhắc đến các nguy hiểm mà trẻ em đối mặt như nguy cơ tiếp xúc nội dung không phù hợp – trẻ em có thể dễ dàng truy cập vào các nội dung bạo lực, khiêu dâm hoặc không phù hợp với lứa tuổi.
“Thứ hai là nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến – đây là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý của trẻ. Tiếp đến là nguy cơ đánh mất thông tin cá nhân khi trẻ em chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ thông tin cá nhân, dẫn đến việc tiết lộ thông tin nhạy cảm, dễ bị lợi dụng.
Trẻ em cũng rất dễ vướng vào nguy cơ lừa đảo, lạm dụng trực tuyến khi trở thành mục tiêu của các đối tượng xấu, bị lừa đảo hoặc lạm dụng qua các mạng xã hội, trò chuyện trực tuyến. Hiện nay, việc dành quá nhiều thời gian trên Internet có thể dẫn đến nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và các mối quan hệ xã hội của trẻ”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
Vào tuần trước, Chính phủ Malaysia cho biết hành vi bắt nạt trên mạng sẽ được hình sự hóa, buộc các nền tảng công nghệ và truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh trực tuyến. Quyết định trên được đưa ra hai tuần sau khi một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội TikTok tự tử do bị quấy rối trên mạng và bị đe dọa giết.
Theo Bộ trưởng Luật pháp Malaysia, bà Azalina Othman Said, Chính phủ nước này đang soạn thảo sửa đổi bộ luật hình sự để đưa vào các điều khoản cụ thể về bắt nạt trên mạng, vì luật hiện hành không cung cấp đủ sự bảo vệ pháp lý cho nạn nhân bị bắt nạt trên mạng.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tuy nhiên, để giải quyết các rủi ro mà trẻ em có thể gặp phải và thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, đấu tranh xử lý có hiệu quả những hành vi, những vụ việc xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Kết hợp nhiều biện pháp
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, giải pháp căn cơ nhất để giảm thiểu rủi ro cho trẻ em khi sử dụng internet bao gồm sự kết hợp của nhiều biện pháp như dạy trẻ em về an toàn trên mạng, bao gồm việc nhận biết các nguy cơ tiềm ẩn như lừa đảo, bắt nạt trực tuyến, và nội dung không phù hợp, cũng như khuyến khích trẻ em báo cáo cho người lớn khi gặp phải tình huống nguy hiểm trên mạng.
Bên cạnh đó là cần đặt giới hạn thời gian sử dụng internet cho trẻ em, đảm bảo trẻ không dành quá nhiều thời gian trực tuyến mà cân bằng với các hoạt động ngoài trời và học tập. Cài đặt phần mềm kiểm soát cha mẹ (parental control software) để giám sát và hạn chế các trang web và nội dung mà trẻ em có thể truy cập. Sử dụng các công cụ lọc nội dung để chặn các trang web và nội dung không phù hợp.
Thêm vào đó là cần thiết lập các quy tắc về việc sử dụng internet, bao gồm việc không chia sẻ thông tin cá nhân, không nói chuyện với người lạ, và không tải xuống phần mềm từ nguồn không đáng tin cậy, và thường xuyên kiểm tra và giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ em, tham gia cùng trẻ em trong các hoạt động trực tuyến, hướng dẫn và giải thích các hành động an toàn trên mạng.
“Chúng ta cũng cần khuyến khích sử dụng các trang web và ứng dụng thân thiện với trẻ em, cung cấp nội dung giáo dục và giải trí phù hợp với lứa tuổi. Có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để để giám sát và giáo dục trẻ em về an toàn mạng, và có các chương trình và hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn mạng cho trẻ em. Những biện pháp này kết hợp với nhau sẽ tạo nên một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh hơn cho trẻ em”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Hoà Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/giai-phap-nao-de-nang-cao-nhan-thuc-va-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-post304636.html