Băn khoăn chọn ngành, chọn nghề
Đã hơn 1 tuần kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mở cổng đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, em Quốc Khánh (Thanh Hóa) vẫn chưa “chốt” được thứ tự nguyện vọng, trường sẽ đăng ký. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Quốc Khánh đạt 27,1 điểm khối A01 (9,2 điểm Toán; 9,4 điểm Tiếng Anh và 8,5 điểm Vật lý) và dự định sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học.
Khánh nhận thấy, bản thân có thiên hướng, phù hợp với khối ngành kỹ thuật, song, vẫn băn khoăn giữa Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông và Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Em có nguyện vọng vào Đại học Bách khoa, nhưng năm ngoái, điểm chuẩn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một số ngành đào tạo, em muốn đăng ký cao hơn điểm thi của em nên chưa chắc chắn cơ hội. Em chưa xác định được, mình sẽ đăng ký ngành nào” – Khánh nói.
Chị Hằng – mẹ của Quốc Khánh – nói rằng, ngoài yếu tố đam mê, còn lo ngại về cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng như mức học phí cần chi trả trong suốt 4 – 5 năm học đại học.
Nên chọn ngành nghề ra sao để vừa phù hợp với bản thân, lại có cơ hội trúng tuyển cao? Đây cũng là câu hỏi khiến em Lê Mạnh Đức – cựu học sinh Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trăn trở.
Đức đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và hiện tại, em đang cân nhắc thêm Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Ở Việt Nam có nhiều trường đại học, nhiều ngành nghề nên khá phân vân trước các thông tin tuyển sinh” – Mạnh Đức chia sẻ.
Chia nguyện vọng xét tuyển thành 3 nhóm
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải – khuyên thí sinh cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn ngành học, trường nào. Đầu tiên, các em cần xác định rõ ngành nghề nào phù hợp với bản thân. Kế đến, là những kỹ năng nghề nghiệp cần để đáp ứng công việc, bản thân có đáp ứng không, có đủ năng lực hay không?
“Nói về năng lực rất rộng, nhưng nói cụ thể, chính là điểm số thí sinh có trong tay. Ví dụ, ngành đó, năm trước lấy khoảng 25, 26 điểm. Năm nay, thí sinh có khoảng 26, 27 điểm? Thì có thể yên tâm trúng tuyển” – bà Hòa phân tích.
Chuyên gia này cũng khuyên thí sinh hãy yên tâm, theo đuổi định hướng, đam mê bởi hiện nay, đối với mỗi lĩnh vực, ngành nghề, không chỉ có 1 trường đào tạo mà có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học khác nhau với phổ điểm từ thấp đến cao để các em lựa chọn.
Theo quy định, từ ngày 18.7 đến 17h ngày 30.7 năm 2024, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT thông tin, ngày đầu tiên đã có hơn 600.000 nguyện vọng đăng ký trên hệ thống. Điều này thể hiện thí sinh đã nắm rõ nhu cầu, thực lực của bản thân về ngành nghề, trường đào tạo mà mình mong muốn.
Về quy trình đăng ký nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý các thí sinh chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo của trường, không lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển. Điều này giúp các em tránh sai sót về lựa chọn tổ hợp và phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ sử dụng, sắp xếp và lựa chọn dữ liệu tốt nhất các em cung cấp để xét trúng tuyển nguyện vọng cao nhất có thể.
Đặc biệt, thí sinh cần thực hiện đầy đủ quy trình từ đầu đến khi kết thúc để đảm bảo hệ thống ghi nhận dữ liệu đăng ký của các em; rà soát kỹ các điều kiện, thông tin về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên (nếu có). Thí sinh cũng cần bảo mật tài khoản truy cập vào hệ thống, vì nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển của mình.
Bà Thủy cũng đề cập đến một vấn đề “cũ nhưng vẫn mới”, là dù đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường, các em vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Năm trước, chúng tôi đã phải xử lý các trường hợp thí sinh yên tâm với việc đã trúng tuyển sớm nên đi du lịch mà không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển lên hệ thống. Khi biết việc phải đăng ký thì hệ thống đã đóng lại” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lấy dẫn chứng.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2024-luu-y-quan-trong-khi-chon-nganh-chon-nghe-1370581.ldo